Khẩu pháo 100 ly 'độc thân' giữa rừng Trường Sơn

Có một khẩu pháo 100 ly đơn độc đêm đêm nhả từng quả đạn, tham gia đánh máy bay AC-130 của Mỹ trên Trường Sơn.

Không biết khi giúp ta trang bị cho những trung đoàn pháo cao xạ 100 ly những bộ khí tài hiện đại, các bạn Liên Xô có bao giờ nghĩ rằng vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó, có một khẩu pháo 100 ly đơn độc đêm đêm nhả từng quả đạn, tham gia đánh máy bay AC-130 của Mỹ trên Trường Sơn?

Nghe thì lạ, khó tin, nhưng đó lại là chuyện có thật một trăm phần trăm.

Trước tiên, xin nói về máy bay AC-130, “con quái vật 5 đầu”, “con cú vọ độc ác”, “thằng kẻ cướp đêm”..., kẻ thù đặc biệt nguy hiểm của bộ đội lái xe trên Trường Sơn. Bom sát thương, bom bi, thậm chí cả bom B-52 rải thảm anh em cũng không ngại (vì đã nắm được quy luật của chúng). Chỉ ngán nhất cái thằng “sập thùng” này.

 Ảnh minh họa. Nguồn: An Ninh Thủ Đô.

Ảnh minh họa. Nguồn: An Ninh Thủ Đô.

Cứ mỗi đợt điểm xạ “pập-pùng”, “pập-pùng” là một xe ta ăn đạn cối 40 ly của nó.

Tôi đã nhiều đêm trèo lên đỉnh núi Xóm Péng để nghiên cứu về loại máy bay hiểm độc đó. Những đêm đầu, tôi chỉ thấy qua ánh trăng chiếc máy bay hai thân AC-119, loại máy bay mà tôi đã từng thấy khi nó thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở thung lũng Điện Biên năm xưa. Sau một tiếng “Rẹ-ẹ-ẹt” dài giống như chiếc xe Zin sang số là một loạt đạn 20 ly cày xuống đường. AC- 119 bắn 20 ly cũng khá chính xác, nhưng ở đâu có pháo ta bắn mạnh là chúng chuồn ngay.

Đêm 18/01/1972, tôi lại trèo lên đỉnh núi. Vào khoảng 6 giờ, tiếng động cơ ầm ì từ xa vọng lại, nhưng nghe nặng nề hơn những đêm trước. Khi tiếng ầm ì đến gần, tôi ngửa mặt nhìn lên, căng mắt theo dõi.

Trong ánh trăng vằng vặc, tôi chợt nhìn thấy lờ mờ bóng dáng chiếc máy bay với cái bụng to bè lướt qua rất nhanh. Chỉ mấy giây thôi, rồi nó mất hút trong màn đêm, nhưng tôi khẳng định: AC-130!

Nghe tiếng động cơ thay đổi, tôi đoán nó đã bắt đầu lượn vòng trên trọng điểm. Bên dưới đường kia, đoàn xe ta đang đi qua, bỗng “pập-pùng”, “pập-pùng”, những tiếng nổ của đạn cối 40 ly làm tim tôi đau nhói. Thế nào cũng có một chiếc xe dính đạn của nó rồi. Không biết đồng chí lái của ta có kịp xuống hầm ẩn nấp không?

Từng cụm lưới lửa cao xạ vọt lên, bắn chặn đầu máy bay. Lập tức bọn cường kích F-4 nhào tới ném bom trận địa. Tuy thế, đạn cao xạ vẫn tiếp tục từng đợt, từng đợt nổ rền trên trọng điểm Xóm Péng.

Tôi hy vọng nó sẽ chuồn. Nhưng không! Nhũng tiếng “pập- pùng”, “pập-pùng” vẫn cứ như một điệp khúc quái ác kéo dài, dai dẳng. Tôi bỗng hiểu ra: thế là độ cao bay của AC-130, hơn hẳn AC-119, đã ở ngoài tầm bắn của pháo cao xạ 37 ly của ta.

Ở đây chúng tôi có một đại đội pháo 57 ly, nhưng cũng không uy hiếp nổi nó. Chỉ sau vài loạt bắn, trận địa pháo 57 đã bị bọn F-4, A-7 lao đến ném bom: bom phá, bom sát thương, bom bi, cả bom lân tinh nữa. Hai pháo thủ của đại đội hy sinh ngay trên mâm pháo.

Với phương tiện quan sát “máy khuếch đại ánh sáng mờ”, đặc biệt có thêm phương tiện mới, quan sát bằng “tia hồng ngoại”, phát hiện mục tiêu nhờ “bức xạ nhiệt” toát ra từ máy nổ của xe, tên cú vọ đã dễ dàng nhằm trúng xe ta.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/khau-phao-100-ly-doc-than-giua-rung-truong-son-post1494952.html
Zalo