Khát vọng vươn lên trong tiến trình hội nhập

Phát biểu chỉ đạo vào ngày 18/5/2025 tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về 'Hội nhập quốc tế trong tình hình mới'.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết số 59-NQ/TW thể hiện tầm nhìn sâu sắc: hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và rất có bản lĩnh. Cho nên, đây là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Hội nhập quốc tế, theo quan điểm xuyên suốt trong Nghị quyết số 59-NQ/TW là sự nghiệp của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể sáng tạo.

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, công bố đầu tháng 4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đất nước đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển". Cùng với tinh thần đổi mới về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tư tưởng đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thì định hướng "hội nhập quốc tế trong tình hình mới" sẽ là "kim chỉ nam" để đất nước ta từng bước nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định: Đảng ta xác định hội nhập quốc tế là chiến lược quan trọng nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế giới. Hội nhập quốc tế đã từng bước phát triển qua các thời kỳ, từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ, hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu đến “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện” hiện nay.

Dẫn việc bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ IX lần đầu tiên đề ra chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế”, Tổng Bí thư cho biết đến Đại hội Đảng lần thứ XI đã đánh dấu một bước chuyển trong tư duy từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực”. Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa đường lối hội nhập quốc tế với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng chiến lược này một lần nữa được phát triển, hoàn thiện hơn thành “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng có hiệu quả”.

Trong hội nhập, Tổng Bí thư nhấn mạnh chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng hội nhập không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan đối ngoại, không chỉ là hoạt động đối ngoại nhà nước, mà là một quá trình tổng hợp, yêu cầu sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn hệ thống chính trị, của từng người dân, từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, từng lĩnh vực.

Trong các yêu cầu cụ thể của quá trình hội nhập, Tổng Bí thư yêu cầu “đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hóa, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác”. Trong đó, “về văn hóa, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu”.

Như vậy là, thông lệnh thực tiễn đang đòi hỏi cả hệ thống chính trị và từng người dân, từng doanh nghiệp... phải tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo vào quá trình hội nhập chứ không chỉ là các cơ quan đối ngoại hay hoạt động đối ngoại nhà nước. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật - “Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, tất nhiên cũng phải vào cuộc.

Thông tin từ Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) tổ chức cuối tháng 4/2025 cho biết, 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tích cực ươm trồng hạt giống về cái đẹp, về lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một trong những định hướng được Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu tại hội nghị này là đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Văn học nghệ thuật phải tiếp tục vươn lên với khát vọng mới, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hóa và sự mong đợi của nhân dân trong thời gian tới.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/khat-vong-vuon-len-trong-tien-trinh-hoi-nhap-i769107/
Zalo