Khát vọng vươn lên trên đất khó
'Nghèo không có lỗi. Nhưng sống giữa bạt ngàn núi non, có đất bãi rộng, lại thuận nước tưới mà vẫn nghèo lại là lỗi rất lớn…' - đây là suy nghĩ của chị Lường Thị Hồng, ở xóm Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai). Từ quan điểm đó, chị đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi đang độ trĩu quả, chị Hồng mở đầu câu chuyện: Thần Sa là xã vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân rất khó khăn. Chúng tôi từ nhỏ vẫn nghe mấy câu than vãn như “Dân mình nghèo quá” hay “Làm sao để hết nghèo”. Tôi thì nghĩ: Mình có thể nghèo lúc này, nhưng nhất định không được quen với sự nghèo khó, mà phải tìm cách vươn lên.
Với suy nghĩ đó, từ khoảng năm 2000, chị Hồng là một trong những người đầu tiên ở Thần Sa trồng giống ngô lai trên diện tích đất hơn 2ha của gia đình. Ngoài ra, chị còn nối vòi nước chảy từ dòng suối bên cạnh để tưới cho ngô, thay vì trông vào “nước trời” như cách xưa nay người dân địa phương vẫn làm.
Đất không phụ công người, cây ngô nhanh chóng bén rễ và cho thu hoạch. Năm đầu tiên, chị Hồng thu số ngô gấp đôi các vụ trước đó. Chị bảo: Ban đầu nhiều người không tin, nói tôi dại và liều khi trồng một giống ngô lạ. Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả, lại tận mắt nhìn thấy những bắp ngô đều hạt, to tròn chứ không “còi cọc” như giống cũ, bà con bắt đầu trồng theo. Dần dần, cây ngô lai phủ xanh những vạt đồi ở Thần Sa.
Vài năm sau đó, khi được một người quen cho 2 cây bưởi Diễn giống, chị Hồng trồng thử trong vườn ngô. Sau 3 năm, bưởi bắt đầu ra trái, với chất lượng quả ngon bất ngờ.
Chị Hồng tự nhủ: Vườn ngô dù tốt đến mấy nhưng bán đi cũng chỉ đủ tiền đong gạo, trong khi bà con ở nhiều nơi khác đã trồng bưởi cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu. Mình có nên thử trồng bưởi?
Nghĩ là làm, năm 2007, chị Hồng cất công đi nhiều nơi hỏi thăm, học kinh nghiệm trồng bưởi rồi về tận tỉnh Hưng Yên để mua cây giống. Ban đầu, chị “cắt” một nửa đất trồng ngô để ươm cây bưởi. Loại cây mới cũng không “đỏng đảnh”, phù hợp với đồi đất của gia đình, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển nhanh, chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước. Quả bưởi được nhân dân địa phương ưa chuộng, đặt mua nên chị Hồng tiêu thụ tốt. Gia đình chị đã thoát nghèo từ hơn chục năm nay.
Dần dần, nhận thấy hiệu quả từ trồng bưởi, chị Hồng mở rộng diện tích trồng ra toàn bộ gần 2ha, với hơn 400 gốc bưởi. Ngoài trồng bưởi Diễn, chị còn trồng thêm một số gốc bưởi Hoàng, bưởi đỏ với mẫu mã quả đẹp, dành để bán trong dịp Tết.
Đang nói về việc trồng trọt say mê, nhưng khi chúng tôi hỏi về chuyện tiêu thụ, giọng chị Hồng trầm xuống: Xã ở vùng sâu, vùng xa, vườn bưởi lại nằm bên kia suối nên không có thương lái đến tận nơi thu mua. Mỗi vụ bưởi chín rộ, tôi sốt ruột lắm nhưng chỉ có thể cắt quả cất vào kho rồi bán dần. Giá bán cũng thấp lắm, chỉ 5 nghìn đồng/quả nhỏ và 10 nghìn đồng/quả to nặng khoảng 1,2-1,4kg. Tuy có cao hơn thu nhập từ trồng ngô nhưng cũng chưa đáng kể.
- Cứ như vậy liệu vườn bưởi có trụ được không? - Chúng tôi nhỏ giọng hỏi.
- Phải tìm cách thay đổi chứ! - chị Hồng quả quyết.
Rồi chị kể rằng, gia đình đã xây dựng một cửa hàng nhỏ nằm ven đường liên xã để bán bưởi cho người dân và khách qua đường. Ngoài ra, con gái đang học năm nhất đại học nên dịp Tết này chị sẽ nhờ cháu đăng ảnh vườn bưởi của gia đình lên mạng xã hội để bán.
Chị Hồng nói: Thứ tôi tự tin nhất chính là việc mình không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Vườn bưởi lại được tưới tắm bằng nước suối mát lành nên chất lượng quả không thua kém bất kỳ đâu. Giờ còn khó khăn trong tiêu thụ thì mình nhất định phải tìm cách khắc phục, không thể phụ đất đai cũng như công sức của bản thân được.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, chị Hồng thu 70-80 triệu đồng từ vườn bưởi. Chị kỳ vọng sức tiêu thụ và giá bán tăng, thu nhập của gia đình sẽ tăng lên. Qua đó mở ra tiềm năng trồng cây ăn quả cho bà con nhân dân trong vùng cùng vươn lên thoát nghèo bền vững.