Khát vọng đổi đời trên 'cổng trời' mờ sương
Đèo Cón (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) - cái tên nghe có phần giản dị nhưng ẩn chứa sức hút kỳ lạ đối với những tâm hồn lãng mạn và đam mê khám phá. Mỗi sớm mai, khi màn sương đêm còn vương vấn trên những triền núi, đỉnh đèo Cón như hóa thành 'cổng trời', mở ra khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với biển mây trắng xóa ôm trọn thung lũng , trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những 'thợ săn mây'. Đằng sau vẻ đẹp huyền ảo ấy, đèo Cón còn là chứng nhân cho những đổi thay âm thầm nhưng mạnh mẽ của vùng đất Ngả Hai phía bên kia núi, nơi cuộc sống của người dân đang dần khởi sắc nhờ những nỗ lực không ngừng.

Đèo Cón thơ mộng trong sương trắng, nắng vàng.
"Thiên đường” mây
Men theo những khúc cua tay áo, phần lớn là những đoạn dốc dài, cao trên 10 độ, những chiếc xe tải, xe khách liên tỉnh chầm chậm “bò” trong màn sương sớm hướng lên đỉnh đèo. Sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn chế, nhưng càng lên cao, không gian dường như càng tĩnh lặng. Đến khi ánh bình minh hé rạng, xuyên qua màn sương, khung cảnh ngoạn mục hiện ra trước mắt. Biển mây trắng bồng bềnh như một tấm lụa khổng lồ, mềm mại bao phủ những ngọn núi trùng điệp. Những tia nắng đầu tiên chiếu xuống, nhuộm cả không gian một màu vàng óng ả, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn trẻ say sưa tạo dáng bên “biển mây”, tiếng máy ảnh lách tách không ngừng ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Nguyễn Thanh Xuân (22 tuổi, đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Em biết đến đèo Cón qua mạng xã hội. Nghe nói ở đây mây rất đẹp nên cuối tuần em cùng bạn bè phượt lên đây. Quả thật không uổng công, cảnh mây ở đây quá ảo diệu, không khí cũng rất trong lành. Tuy nhiên, khoảnh khắc vàng này diễn ra rất ngắn ngủi, do đó, dù đã chụp rất nhiều ảnh nhưng em chưa thực sự ưng ý. Chắc chắn em sẽ còn quay lại".
Sự xuất hiện của những “thợ săn mây” không chỉ mang đến sự nhộn nhịp cho vùng đất này mà còn mở ra những tín hiệu tích cực về tiềm năng du lịch. Chị Trần Thị Dung (người dân xã Thu Cúc) cho biết: Đối với người dân Thu Cúc và người dân ở khu Ngả Hai phía bên kia đèo Cón, trước đây con đèo chỉ là đường đi lại. Nếu không có việc, chẳng mấy ai qua đèo trong đêm đến sáng sớm vì sương mù, gió mạnh, đường tối, đèo cao. Mấy năm gần đây, khi nhiều người biết đến cảnh mây đẹp, khách du lịch bắt đầu tìm đến. Thấy các bạn trẻ thích thú chụp ảnh, chúng tôi cũng vui lây.
Hiện nay, tại đỉnh đèo mờ sương, những hàng quán, điểm nghỉ chân đang được những người dân địa phương xây dựng. Sự xuất hiện của những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng đang được định hình, mở ra hướng đi mới, với những cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

Khu Ngả Hai thơ mộng bên sườn núi trong một ngày tan sương.
Những chuyển biến
Vượt qua đỉnh đèo Cón, con đường dốc dần xuống dẫn chúng tôi đến khu Ngả Hai. Khác với vẻ đẹp thơ mộng trên đỉnh đèo, Ngả Hai hiện ra với những nếp nhà đơn sơ nằm rải rác trên các sườn đồi. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, giao thông xa cách, đất đai cằn cỗi và tập quán canh tác lạc hậu. Khu Ngả Hai có 151 hộ với trên 600 nhân khẩu, người Mường chiếm 95% dân số. Đến hết năm 2024, khu còn 52 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân của người dân trong khu đạt 24 triệu đồng/người/năm.
Vài năm trở lại đây, bức tranh kinh tế - xã hội ở Ngả Hai đã có những chuyển biến đáng mừng. Những mô hình trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay phát triển dịch vụ, du lịch nhỏ lẻ đang dần thay đổi diện mạo của Ngả Hai. Những con đường đất từng lầy lội vào mùa mưa nay đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Những ngôi nhà tạm bợ dần được thay thế bởi nhà xây kiên cố, đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng cao và điều quan trọng nhất là trẻ em ở Ngả Hai được đến trường đầy đủ hằng ngày.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong khu đến lớp, điểm lẻ mầm non Ngả Hai thuộc Trường Mầm non Thu Cúc 1 được doanh nghiệp hảo tâm đầu tư xây mới khang trang, bếp ăn bán trú đảm bảo, sân chơi với các vật dụng, trang thiết bị tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để khu đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Điểm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Thu Cúc 2, khu Ngả Hai cũng được xây dựng ngay trung tâm của khu. Với trên 70 học sinh tại 5 lớp, điểm trường tuy không cao tầng, khang trang như vùng xuôi nhưng đủ rộng và vững chãi trước nắng, gió, mưa bão.
Từ các nguồn hỗ trợ, năm 2024 khu Ngả Hai đã giảm được 6 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo, xóa 2 nhà tạm cho gia đình bà Hà Thị Quay (người cao tuổi) và anh Hà Văn Minh (hộ nghèo). Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ bò, máy cày, phân bón, cây, con giống cũng được triển khai tích cực. Qua đó, một số mô hình kinh tế mới đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, như những “điểm sáng” trong màn sương phía trên đỉnh đèo.
Cần những giải pháp đồng bộ và bền vững
Những đổi mới ở Ngả Hai là tín hiệu đáng mừng, nhưng để người dân nơi đây thực sự ấm no, cần có thêm những giải pháp đồng bộ và bền vững. Điển hình như việc tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp của đèo Cón, để phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng cần được chú trọng hơn nữa. Cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng du lịch như homestay, điểm dừng chân, dịch vụ ăn uống mang đậm bản sắc địa phương. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng cần được đẩy mạnh. Có như vậy, người dân Ngả Hai mới có thể thực sự làm chủ cuộc sống của mình, xây dựng một tương lai tươi sáng hơn ngay trên mảnh đất quê hương.

Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Ngả Hai Hà Văn Đoan chăm sóc vườn cam của gia đình.
Phát huy vai trò “đầu tàu” của người đảng viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Ngả Hai Hà Văn Đoan là người tiên phong trong việc học hỏi và phát triển kinh tế tại địa phương. Mấy năm trước, có người dưới xuôi về mua đất, trồng cam, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo được việc làm cho người dân địa phương. Ông Đoan đã mạnh dạn học hỏi, trồng thử nghiệm và nhân rộng vườn cam của gia đình mình. Từ 60 gốc cam ban đầu, cùng với sự hỗ trợ cây giống, hiện nay, vườn cam của gia đình Bí thư Đoan đã có trên 700 gốc với diện tích trên 1ha. Vụ cam năm 2024, sản lượng vườn cam đạt khoảng 3,5 tấn với giá trung bình 30 nghìn đồng/kg.
Tương tự, từ năm 2021, đảng viên Hà Thị Anh đã mạnh dạn chuyển đổi trên 3ha đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi da xanh. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn do cây chậm phát triển, sâu bệnh, tuy nhiên, với sức trẻ và tinh thần ham học hỏi, kết hợp kinh nghiệm trồng rừng của người vùng cao và những kiến thức học được thông qua các chương trình tập huấn của xã, của huyện, đến nay, vườn cam và bưởi đều đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 1,5 tấn/1ha, giá bán 35 nghìn đồng/kg. Thu nhập của gia đình năm 2024 khoảng 150 triệu đồng, chưa cao so với vùng xuôi, nhưng đảm bảo cho nhu cầu trang trải cuộc sống gia đình và trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.
Trên vườn cam đang phát triển xanh tốt kín cả triền đồi, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Ngả Hai Hà Văn Đoan ngưng tay cuốc, dùng chính chiếc mũ vải đội đầu lau mồ hôi trên mặt và phe phẩy quạt. Ông hồ hởi: Chi bộ Ngả Hai có 9 đảng viên, không phải ai cũng có đất, có đồi để trồng cây, do đó, có người phát triển chăn nuôi, có người kinh doanh dịch vụ vận tải, cũng có người gia đình hoàn cảnh khó khăn..., tuy nhiên tất cả các đảng viên đều gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Mong cho thời tiết thuận lợi, để các loại cây, con giống đều phát triển tốt, để mỗi người dân Ngả Hai đều có việc làm, thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Đèo Cón không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho những người trẻ đam mê “săn mây”, mà còn là cầu nối giữa vẻ đẹp thiên nhiên và khát vọng đổi đời của người dân vùng cao Ngả Hai. Những thay đổi tích cực đang diễn ra nơi đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hy vọng rằng, với những định hướng đúng đắn và sự chung tay của cả cộng đồng, đèo Cón sẽ ngày càng trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của tỉnh Phú Thọ và cuộc sống của người dân Ngả Hai sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc.