Khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng chú trọng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tài chính (Fintech). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm từ 35-40% GRDP, đưa Đà Nẵng vào danh sách những trung tâm công nghệ hàng đầu cả nước. Những lĩnh vực này không chỉ định hình tương lai công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, hiện đại hóa nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Những trọng tâm phát triển

Để hiện thực hóa mục tiêu, Đà Nẵng đang tích cực triển khai các dự án lớn. Kể từ tháng 8/2024, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố (IOC) chính thức đi vào hoạt động, đóng vai trò như “bộ não” chỉ đạo và điều hành toàn bộ hệ thống thông minh. Đồng thời, Trung tâm ENSURE được tích hợp để kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh, tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển bền vững.

Song song với việc cải thiện hạ tầng, thành phố còn đặc biệt chú trọng đến dữ liệu. Trung tâm dữ liệu thành phố đã nâng cấp với nền tảng điện toán đám mây, đảm bảo khả năng lưu trữ và xử lý hiệu quả. Kho dữ liệu dùng chung và nền tảng phân tích dữ liệu lớn cũng đang được hoàn thiện, phục vụ dự báo chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, công nghệ số là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai cho Đà Nẵng. Những sáng kiến đổi mới và đầu tư vào lĩnh vực này sẽ không chỉ nâng cao vị thế thành phố mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2023, thành phố đã hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Synopsys, Marvell, và Nvidia để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Liên minh đào tạo giữa các trường đại học và Trung tâm DSAC đã được thành lập, tổ chức các lớp đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch, tạo nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.

Đà Nẵng đang từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố thông minh”

Đà Nẵng đang từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố thông minh”

Sự quyết tâm từ chính quyền đến người dân

Đặc biệt, Đà Nẵng đang hướng tới trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn nhất Việt Nam vào năm 2030. Tổng kinh phí dự kiến cho các chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này lên tới gần 900 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030. Đây là một bước đi mang tính chiến lược, không chỉ đưa Đà Nẵng lên bản đồ công nghệ thế giới, mà còn thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.

Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi số. Phần mềm quản lý trường học được triển khai đồng bộ, giúp hình thành cơ sở dữ liệu học sinh toàn diện. Các bệnh viện công trên địa bàn áp dụng bệnh án điện tử, chia sẻ và liên thông dữ liệu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Ông Lê Trung Chinh nhận định: “Việc chuyển đổi số trong giáo dục và y tế không chỉ là giải pháp hiện đại hóa mà còn là cách để Đà Nẵng đưa các dịch vụ thiết yếu đến gần hơn với mọi người dân, bất kể ở đâu hay trong hoàn cảnh nào”.

Với sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng đang trên đà bứt phá mạnh mẽ. Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội như “đường băng” cho Đà Nẵng “cất cánh” trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thu hút đầu tư nhờ được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mà còn mở ra cơ hội phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp hàng đầu như Qualcomm, Intel và Mediatek đã đến khảo sát và có kế hoạch hợp tác, đầu tư vào thành phố.

Để đạt được những mục tiêu đầy khát vọng, Đà Nẵng đã định hướng tập trung vào ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hiện đại hóa hành chính, quản lý đô thị thông minh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang biến Đà Nẵng thành một điểm sáng về công nghệ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Từ một đô thị trẻ năng động, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố thông minh”. Sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm của chính quyền cùng người dân nơi đây chính là động lực để Đà Nẵng hiện thực hóa giấc mơ, trở thành hình mẫu lý tưởng cho các đô thị thông minh trên cả nước.

Nhìn về tương lai, ông Lê Trung Chinh khẳng định: “Đà Nẵng không chỉ đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ, mà còn mong muốn là nơi hội tụ những giải pháp bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”.

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khat-vong-chinh-phuc-dinh-cao-cong-nghe-159382.html
Zalo