Khát khao được là chính mình

Sinh ra là người mang giới tính thứ ba, họ biết mình khác biệt so với người bình thường nhưng luôn khát khao được đối xử bình đẳng và hơn hết là được sống thật với chính mình. Đó là trải lòng của những người trong cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) ở Thái Nguyên mà chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện.

Thùy (bên phải) và Kiều Anh (bên trái) vui vẻ, tự tin hơn khi các bạn đồng cảm, chia sẻ với giới tính thật của mình.

Thùy (bên phải) và Kiều Anh (bên trái) vui vẻ, tự tin hơn khi các bạn đồng cảm, chia sẻ với giới tính thật của mình.

Nhiều tự ti, mặc cảm

Ngồi trước mặt tôi là Kiều Anh, sinh năm 2008, ở TP. Thái Nguyên. Kiều Anh có dáng người dong dỏng cao, nước da trắng trẻo, ưa nhìn, giọng nói nhẹ nhàng. “Kiều Anh là tên em mong muốn được mọi người gọi. Đó cũng là nick name trên mạng xã hội Facebook của em. Còn trên giấy khai sinh em là Nguyễn Việt Anh, giới tính nam”. Kiều Anh mở đầu câu chuyện.

- Khi biết mình là người LGBT, cảm xúc của em thế nào? - Tôi hỏi.

- Ngay từ hồi học tiểu học, em đã thấy mình khác với các bạn cùng trang lứa vì có sở thích giống con gái như chơi búp bê, muốn mặc váy công chúa. Nhưng phải đến khi học cấp hai em mới thấy rõ sự khác biệt trong cơ thể mình. Em bắt đầu thích mái tóc dài, muốn mặc váy hay được trang điểm để mình đẹp hơn. Năm lớp 7 em đã lén mọi người trong gia đình mua một bộ tóc giả về dùng rồi chụp rất nhiều ảnh. - Kiều Anh nói.

- Chắc hẳn khi đối diện với giới tính thật của mình, em đã gặp không ít áp lực?

- Hầu như ai là LGBT cũng từng vấp phải sự kỳ thị, và em cũng không ngoại lệ. Kiều Anh ngừng lời, ánh mắt thoáng buồn.

- Bố mẹ em ly hôn từ khi em còn nhỏ. Giờ em đang sống cùng bà nội, bố và anh trai. Năm em học cấp hai, bố vô tình cầm điện thoại của em và phát hiện nhiều ảnh em chụp khi trang điểm và mặc trang phục nữ, bố đã rất giận, bắt em xóa hết ảnh và vứt bỏ mái tóc giả mà em yêu thích. Khi đó em đã khóc và nói: - Con muốn là con gái, bố mẹ sinh con ra chứ con có quyền lựa chọn giới tính của mình đâu. Đến giờ, chỉ có anh trai là chia sẻ, đồng cảm với em còn bố và bà nội vẫn chưa chấp nhận em là người đồng tính.

Mặc cảm vì sự khác biệt của mình, từ nhỏ, Kiều Anh phải học nói và hát bằng cả hai giọng nam và nữ. Trước mặt bố và bà, em thể hiện “vỏ bọc” với giọng nam, ăn mặc như nam giới, nhưng khi ở một mình hoặc vô tư đi chơi cùng bạn bè, em chỉ muốn mình là một cô gái vui tươi, nhí nhảnh.

Về chuyện người mang giới tính thứ ba ít nhiều bị đối xử không giống bình thường, tôi được Ma Phúc Thùy, sinh năm 2008, ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), tâm sự: Bố mẹ em ly hôn nhiều năm rồi, giờ em ở cùng mẹ và anh trai, còn bố đang đi xuất khẩu lao động. Điều em thấy buồn và tự ti là mỗi lần về quê, lại bị hàng xóm xì xào nói, thằng này trông thế mà “pê đê”, ơ con trai gì mà cứ như đàn bà thế, hay “nó là kiểu xăng pha nhớt”. Em áp lực một thì em thương mẹ và gia đình mười. Mỗi lần nghe những lời dị nghị về mình, em đều nghĩ chắc hẳn trong cuộc sống, gia đình mình cũng chịu tổn thương không ít khi có những lời bàn tán không hay về em.

- Vậy đã khi nào em công khai giới tính của mình với mọi người chưa? Tôi hỏi Thùy.

- Với bạn bè, thầy cô ở trường (Thùy đang học ở TP. Thái Nguyên) em đã Come out (thuật ngữ của cộng đồng LGBT để nói về việc họ công bố sự thật về giới tính của mình - PV) và đều được mọi người chia sẻ. Còn về quê, có lần, em nói thẳng với mấy người hàng xóm rằng, vâng cháu là người đồng tính, nhưng cháu không phải là tội phạm và vẫn sống tử tế, mong các cô đừng nói xấu về cháu và gia đình. Nghe vậy họ lảng đi, nhưng quả thực ánh mắt họ nhìn về em vẫn chẳng mấy thiện cảm. - Thùy kể lại.

Mong được là chính mình

Trong thế giới người đồng tính thường phân biệt bot và top. Cả Thùy và Kiều Anh đều thuộc bot. Quá trình trở thành phiên bản của chính mình, Thùy, Kiều Anh và nhiều người LGBT đã tham gia sinh hoạt các hội nhóm và app của người đồng tính. Ở đó, họ có thể thoải mái chia sẻ với nhau cảm xúc vui buồn, những tâm tư, tình cảm và nhất là được sống thật với chính mình.

Thùy (ở giữa) và Kiều Anh (bên phải) luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, thấy vui vẻ, tự tin hơn khi thầy cô ở trường rất tâm lý và thoải mái với vấn đề các em là người đồng tính.

Thùy (ở giữa) và Kiều Anh (bên phải) luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, thấy vui vẻ, tự tin hơn khi thầy cô ở trường rất tâm lý và thoải mái với vấn đề các em là người đồng tính.

Để vượt qua những tự ti, mặc cảm, Thùy và Kiều Anh đã lao vào học tập. Năm 2022, Kiều Anh thi tuyển và đỗ vào lớp múa của Khoa Múa - Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Còn Thùy cũng thi năm sau và giờ học cùng lớp với Kiều Anh. Cả hai đều đang nỗ lực học tập, rèn luyện trong môi trường mới, tự tin hơn khi các bạn cũng đồng cảm, đặc biệt là thầy cô rất tâm lý và thoải mái với vấn đề này.

Tìm hiểu về thế giới LGBT, tôi biết, không phải ai cũng đủ tự tin đối diện chính mình, vượt qua mọi rào cản, định kiến của xã hội để công khai giới tính. Thực tế, vẫn còn không ít người luôn phải sống khép mình, tự ti và mặc cảm, bởi khát khao được sống đúng giới tính chưa được nhiều người thừa nhận.

Trường hợp người họ hàng 9X của Thùy, cũng ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) là một ví dụ. Ba năm trước, anh dẫn bạn trai (người yêu) về nhà ra mắt. Sau khi biết chuyện, mẹ đã “từ mặt”, không nói chuyện với anh vì bà không thể chấp nhận được việc con trai mình lại có tình yêu với một người con trai khác. Hơn nữa, bà chỉ có một người con trai độc nhất là anh, bà mong anh lấy vợ, sinh cháu duy trì nòi giống chứ không đồng tình con trai mình lại sống như vợ chồng với một người đàn ông khác cả đời. Cho đến nay, bà vẫn không chấp nhận giới tính của con mình. Anh này hiện làm việc tại TP. Thái Nguyên và rất ít về quê vì sợ phải đối diện với mẹ mình. Trong thâm tâm, anh rất mong mẹ sẽ chấp nhận con người thật của anh.

Ngay gần nơi tôi sinh sống cũng có một số trường hợp người đồng tính, họ cũng chưa dám vượt lên định kiến để công khai sự thật về giới tính của mình. Để che mắt xã hội và gia đình, họ kết hôn, sinh con và sau đó không lâu ra tòa ly hôn vì không tìm được hạnh phúc trong hôn nhân. Cũng như người họ hàng của Thùy, Kiều Anh chia sẻ: Giờ em chỉ mong bố và bà nội ủng hộ giới tính thật của em. Để em có thể tự tin trang điểm, diện tóc giả, váy áo điệu đà, đi shopping, chụp ảnh sống ảo… công khai như một người con gái.

May mắn hơn người anh họ và bạn của mình, Thùy được người thân trong gia đình đồng cảm, ủng hộ. Nói về dự tính tương lai, Thùy nhỏ nhẹ: Sau khi học xong, em sẽ thi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật của tỉnh, có điều kiện thì đi học tiếp đại học. Em cũng muốn “lấy chồng”, thực sự hạnh phúc trong hôn nhân khi được là chính mình.

Còn Kiều Anh bảo: Em muốn thay đổi hình thức bên ngoài của mình để trở thành một phụ nữ, em sẽ cố gắng làm việc để dành dụm tiền đi phẫu thuật chuyển giới.

Trải lòng về mong ước trong tương lai, Thùy và Kiều Anh chung suy nghĩ: Chúng em không cần ánh nhìn thương xót, tội nghiệp của mọi người mà chỉ mong xã hội đồng cảm, thấu hiểu và chấp nhận chúng em. Nhất là chúng em khát khao được luật pháp Việt Nam công nhận hôn nhân đồng giới. Bởi vì hiện giờ pháp luật không cấm nhưng cũng chưa cho phép.

Gặp gỡ, trò chuyện với Thùy và Kiều Anh, nghe các em trải lòng, tôi thấu hiểu và chia sẻ hơn về thế giới của người đồng tính, thầm chúc các em luôn mạnh khỏe, sống tự tin và hạnh phúc khi được yêu thương. Như lời Thùy nói, mẹ em vẫn bảo, mẹ luôn tôn trọng con, dù con ở giới tính nào, chỉ cần con vui khỏe, trở thành một người tốt, sống tử tế là mẹ luôn ủng hộ…

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đồng tính không phải là căn bệnh lây lan, mà là một khuynh hướng tình dục, trong đó đối tượng tình dục được hướng đến là người cùng giới. Người đồng tính họ cũng là những con người có sức khỏe, năng lực, tâm lý bình thường.

Linh Lan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202409/khat-khao-duoc-la-chinh-minh-8e70a91/
Zalo