Khát khao cống hiến cho ngành Luật Việt Nam của nam sinh chuyên Sử

Phạm Vũ Hải Đăng (sinh năm 2004) đang là sinh viên năm 2 ngành Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội. Từ một học sinh giỏi chuyên Sử, Hải Đăng đã rẽ hướng đến với ngành Luật với những ước ao được cống hiến cho pháp luật nước nhà.

Chàng trai trẻ cùng niềm đam mê với lịch sử

Sinh ra trong một gia đình có bố là một người lính, có lẽ đây chính là điều đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới tình yêu lịch sử dân tộc của chàng trai. Không chỉ thấm nhuần những câu chuyện lịch sử của bố mình, mà từ thuở còn ấu thơ, “cậu bé Hải Đăng” đã được tiếp xúc với những đa dạng sách truyện, phim hoạt hình và phim tài liệu về lịch sử. Và cũng chính niềm đam mê với những mẩu chuyện đó đã dần dần nuôi lớn niềm đam mê với bộ môn này của nam sinh.

Hải Đăng chia sẻ rằng từ hồi tiểu học, bản thân thường dành phần lớn thời gian để đọc nhiều sách chuyên khảo về lịch sử, bách khoa toàn thư hay sách về các danh nhân văn hóa thế giới, các nền văn minh và thành tựu khoa học của nhân loại. Đến những năm cấp hai, nhờ sự hướng dẫn của các thầy cô tâm huyết, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Đăng đã đạt được giải Nhất trong kỳ thi HSG cấp thành phố môn Lịch sử năm lớp 9 (2018-2019); để rồi may mắn đã tiếp tục mỉm cười khi Đăng trúng tuyển vào lớp chuyên Sử của trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng).

Vẫn miệt mài theo đuổi đam mê của mình, Hải Đăng không ngừng cố gắng học hỏi để thành công “giật” được chiếc vé tham gia cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia.

Vẫn miệt mài theo đuổi đam mê của mình, Hải Đăng không ngừng cố gắng học hỏi để thành công “giật” được chiếc vé tham gia cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia.

Là một gương mặt trẻ dành mối quan tâm đặc biệt dành cho giáo dục lịch sử, khi được hỏi liệu có bí quyết hay cách như thế nào về việc làm thế nào nâng cao tầm quan trọng của việc học sử, biết sử và hiểu sử cho giới trẻ, Hải Đăng không ngần ngại mà chia sẻ thẳng thắn rằng việc học sử rất quan trọng đối với bất kỳ công dân nào của Việt Nam, không chỉ riêng mỗi giới trẻ. Nam sinh luôn quan niệm rằng, dạy và học lịch sử chính là giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta, nâng cao nhận thức về vai trò của sức mạnh mỗi cá nhân đóng góp cho Tổ quốc. Với chàng trai, học lịch sử chính là giáo dục về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và biết ơn những sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc không tiếc thân mình của các thế hệ cha ông ta. Đồng thời việc học tốt môn lịch sử có thể giúp cho chúng ta hiểu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là cốt lõi của việc “học, biết và hiểu sử”.

Hai năm trải nghiệm với ngành học bản thân theo đuổi

Hải Đăng cho rằng đa số các môn học mình học ở đại học đều mang tính thực tế. Ví dụ, từ năm nhất cho đến thời điểm hiện tại, với Đăng, Luật hình sự vẫn là môn học mà bản thân cảm thấy ấn tượng. “Môn học này đã trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về tội phạm và người phạm tội. Thông thường trong cuộc sống thì mọi người vẫn hay gọi những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự là “tội phạm” nhưng đối với Luật hình sự thì “tội phạm” là những hành vi trái pháp luật hình sự, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ hoặc quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Còn “người phạm tội” mới là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự”, nam sinh hào hứng chia sẻ.

Là một người có kiến thức lịch sử tốt, Hải Đăng bày tỏ rằng đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết giúp nam sinh “cảm thấy thuận lợi” hơn trong quá trình theo học ngành Luật. “Ba năm học chuyên sử giúp mình có thể dễ dàng tiếp thu những phần liên quan đến lịch sử nhà nước và pháp luật và một số môn học khá khó như Luật so sánh, Công pháp quốc tế,... Ngoài ra, mình cũng có thuận lợi trong việc sử dụng phương pháp phân tích, tư duy logic, tổng hợp từ quá trình học tập môn lịch sử để có thể áp dụng vào việc học và nghiên cứu luật.”

Điều nam sinh yêu thích ở ngành học mình đang theo đuổi chính là khả năng tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề.

Điều nam sinh yêu thích ở ngành học mình đang theo đuổi chính là khả năng tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề.

Nhiều người thường hay cho rằng, ngành Luật là một ngành đặc thù khá khó. Chính Hải Đăng cũng từng gặp nhiều khó khăn khi mới chập chững bước vào năm nhất đại học. “Ngành Luật có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cho vậy với nhiều sinh viên năm nhất chưa được đi trải nghiệm thực tế, sẽ rất khó để mình có thể hiểu để áp dụng những quy phạm pháp luật vào giải quyết các tình huống với nhiều tình tiết phức tạp; hoặc như khi thi vấn đáp môn Luật hành chính, nếu chưa được tiếp xúc nhiều với các công việc liên quan đến quản lý hành chính hoặc ít tham gia với tư cách là chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính nhà nước thì khó tiếp thu và vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề.”

Tuy nhiên, điều nam sinh yêu thích ở ngành học mình đang theo đuổi chính là khả năng tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Với Hải Đăng, hai kỹ năng này là “quan trọng trong việc nghiên cứu các chính sách pháp luật; cũng như cần thiết để chúng ta tự hoàn thiện và khắc phục những “kẽ hở” của pháp luật.”

Khi được hỏi về liệu bản thân có bí quyết để học tốt, Hải Đăng bày tỏ rằng bản thân ngành Luật là một ngành cần dành nhiều thời gian để tự học và nghiên cứu. Cho vậy, cách tốt nhất là tránh dồn các môn cùng lúc; cũng như nếu có thắc mắc thì sẽ hỏi thầy cô hoặc họp nhóm để dễ dàng trao đổi với bạn bè. Nam sinh cũng biết rằng các môn chuyên ngành của mình có nhiều điều, khoản, điểm trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cần phải đọc thường xuyên và hiểu sâu để có thể vận dụng linh hoạt trong giải quyết các tình huống trên thực tế. Giải quyết vấn đề này, Hải Đăng cho rằng việc hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy với các từ khóa quan trọng là hợp lý nhất, cũng như cần so sánh các đối tượng với nhau để có cái nhìn sâu sắc nhất về vấn đề.

Có lẽ cho tới bây giờ, Hải Đăng chưa bao giờ hối tiếc với việc lựa chọn nguyện vọng vào Trường Đại học Luật Hà Nội năm mười tám tuổi. Bởi tại đây, các thầy cô có phương pháp giảng dạy rất hay, có các ví dụ minh họa cho mỗi nội dung của bài học. Ngoài ra thì một số CLB học thuật và Liên chi đoàn tổ chức các phiên tòa giả định hoặc cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, giúp ích cho việc hiểu và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Có thể nói, nam sinh nhận xét môi trường nơi đây là “học thuật, chuyên nghiệp và sáng tạo”.

Có thể nói, nam sinh nhận xét môi trường nơi đây là “học thuật, chuyên nghiệp và sáng tạo”.

Khát khao được cống hiến cho ngành Luật Việt Nam

Có lẽ chính từ những ngày niên thiếu gắn liền với sử sách mà chàng trai trẻ dần nhận ra được trách nhiệm và khát vọng muốn được cống hiến cho đất nước của mình.

Hải Đăng chia sẻ rằng lý do mình đến với ngành Luật là vì một phần bản thân nhận thức được ngành học này có con đường tương lai rộng mở với nhiều cơ hội nghề nghiệp. Đăng cho rằng, cơ hội nghề nghiệp có thể theo 3 con đường: khối cơ quan nhà nước có cán bộ, công chức, viên chức, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự…; khối tư nhân thì có luật sư, công chứng viên, pháp chế doanh nghiệp, thừa phát lại; hoặc còn có thể làm giảng viên hoặc nghiên cứu về luật học hệ sau Đại học. Một lý do khác Hải Đăng cho rằng học luật rất có lợi cho tất cả mọi người vì “nhiều anh chị mình quen biết học trái ngành cũng muốn học luật, nhất là người làm kinh doanh vì khi biết và hiểu luật sẽ đảm bảo được quyền lợi của bản thân cũng như người thân của mình.”

Nhưng hơn tất cả, Hải Đăng quyết tâm học luật là vì nam sinh có mục tiêu lớn lao hơn. Đăng cũng xác định luôn hướng về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" (theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). Chính bản thân chàng trai cho rằng “có lẽ sứ mệnh của mình là học tập và nghiên cứu luật học để có thể góp phần hoàn thiện pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo những quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể có liên quan.”

Ngoài ra, nam sinh còn bày tỏ mong muốn có cơ hội nghiên cứu để tham khảo, học hỏi và vận dụng sáng tạo những quy định của pháp luật nước ngoài, chắt lọc sao cho phù hợp với các điều kiện tình hình cụ thể tại Việt Nam.

Ngoài ra, nam sinh còn bày tỏ mong muốn có cơ hội nghiên cứu để tham khảo, học hỏi và vận dụng sáng tạo những quy định của pháp luật nước ngoài, chắt lọc sao cho phù hợp với các điều kiện tình hình cụ thể tại Việt Nam.

Một người trẻ luôn dành mối quan tâm sâu sắc cho đa lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt là chính trị và xã hội, Hải Đăng cũng giữ trong mình những nỗi băn khoăn khi giờ đây, công nghệ phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc nhiều tổ chức phản động lưu vong hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài chống phá Nhà nước, Chính phủ và Đảng xuất hiện và đăng tải các nội dung chứa thông tin sai lệch khiến không ít những bạn trẻ còn thiếu nhận thức dễ bị ảnh hưởng, tiếp nhận những thông tin sai sự thật về chính trị dẫn đến thiếu bản lĩnh chính trị vững vàng. “Theo quan điểm của mình, thanh niên hiện nay cần phải chủ động nâng cao nhận thức về âm mưu và thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực phản động; cụ thể là nhận diện được thế lực phản động là những đối tượng nào, âm mưu và thủ đoạn của chúng ra sao; và tham gia vào quá trình đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng”. Nam sinh cũng nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường trong công cuộc phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò nòng cốt của thanh niên trong công tác vận động, tuyên truyền (công tác dân vận), có thể tổ chức các buổi hội thảo khoa học, talkshow, tọa đàm, sinh hoạt công dân, tuyên truyền pháp luật để có thể nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực phản động trong và ngoài nước; và hướng dẫn họ các cách hoặc thủ tục để tố giác tội phạm cho cơ quan công an và an ninh mạng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái.

Chia sẻ về dự định tương lai, Hải Đăng cho biết trong năm học tới sẽ cố gắng triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học cùng với bạn bè. Sau bốn năm đại học, chàng trai cũng ấp ủ suy nghĩ học tiếp cao học hoặc theo học Học viện tư pháp - cơ sở đào tạo nghiệp vụ nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại; còn “nếu thuận lợi, mình cũng muốn thi công chức sau này.”

Một số thành tích nổi bật của Phạm Vũ Hải Đăng:

Bằng khen của Bộ giáo dục, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng.
Chứng nhận học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc của UBND Quận Lê Chân.
Viết bài cho Hội thảo khoa học cấp trường do Thư viện trường Đại học Luật tổ chức.
Viết bài cho Talkshow “Thanh niên với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”.
Giấy khen “Chiến sĩ tiên tiến” do Trung tâm giáo dục quốc phòng trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội trao tặng.
Chứng nhận thành viên hoạt động tích cực của CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Luật Hà Nội.

(Ảnh: NVCC)

Minh Ngọc

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khat-khao-cong-hien-cho-nganh-luat-viet-nam-cua-nam-sinh-chuyen-su-post1654881.tpo
Zalo