Khảo sát tư liệu truyện thơ Phật giáo lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Do đó cần tập hợp, kiểm kê số sách ở các địa phương để có được một diện mạo đầy đủ hơn về mảng [TTPG] (về các mặt như: số lượng truyện thơ, đặc điểm văn bản, chủ đề, thể loại…).

Tác giả: TS.Phạm Hoàng Giang - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

Tóm tắt: Truyện thơ Phật giáo [TTPG] là những câu truyện chép về sự tích các đức Phật, hành trạng, hay quá trình tu tập của các nhân vật khác nhau có liên quan đến Phật giáo tại Việt Nam. Bài viết tham khảo bộ: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, có đối chiếu với từng văn bản trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để thống kê hệ thống văn bản [TTPG] về các mặt: số lượng truyện thơ, kí hiệu và số lượng văn bản. Từ đó, bài viết sẽ có những nhận xét cụ thể về hệ thống văn bản [TTPG] ở một số vấn đề như: kí hiệu, loại văn bản, niên đại, tác giả, thể loại, nội dung của loại hình văn bản này. Kết quả

của công việc đó, sẽ giúp cho chúng ta có được cái nhìn khái quát về mảng tư liệu [TTPG] có trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và đặc biệt sẽ là nền tảng, là cơ sở cho những nghiên cứu chuyên sâu về mặt văn bản và văn tự của loại hình văn bản truyện thơ này.

Từ khóa: Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Tư liệu Hán Nôm - Truyện thơ Phật giáo.

Mở đầu

Truyện thơ Phật giáo [TTPG] là những câu truyện chép về sự tích các đức Phật, hành trạng, hay quá trình tu tập của các nhân vật khác nhau có liên quan đến Phật giáo tại Việt Nam (thường được làm theo thể thơ lục bát). Các [TTPG] được lưu truyền đến ngày nay thường là những văn bản được khắc ván hoặc chép bằng chữ Hán và chữ Nôm của tiền nhân trong nhiều thế kỷ, tập trung dưới các hình thức: sách giấy, ván khắc (mộc bản), bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bài vị, pháp phái hoặc bất cứ tài liệu nào có chữ Hán chữ Nôm. Bài viết tham khảo bộ: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, có đối chiếu với từng văn bản trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, kết hợp với những tư liệu khác nhau có liên quan, để thống kê hệ thống văn bản [TTPG] về các mặt: số lượng truyện thơ, kí hiệu và số lượng văn bản. Từ đó, bài viết sẽ có những nhận xét cụ thể về hệ thống văn bản [TTPG] ở một số vấn đề như: kí hiệu, loại văn bản, niên đại, tác giả, thể loại, nội dung của loại hình văn bản này. Kết quả của công việc đó, sẽ giúp cho chúng ta có được cái nhìn khái quát về mảng tư liệu [TTPG] có trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và đặc biệt sẽ là nền tảng, là cơ sở cho những nghiên cứu chuyên sâu về mặt văn bản và văn tự của loại hình văn bản truyện thơ này.

1. Lý thuyết thể loại [TTPG]

[TTPG] là thể loại có đóng góp to lớn vào việc phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc. Cũng giống như các thể văn chữ Hán tại Việt Nam,[TTPG] về cơ bản vẫn tiếp thu và có sự ảnh hưởng rất lớn của các thể loại văn thơ chữ Hán. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, qua thực tiễn sáng tác, các thể loại [TTPG] đã hoàn thiện và đã đạt được những thành tựu đáng kể, hình thành nên các đặc điểm riêng, rất phong phú về nội dung cũng như nghệ thuật. Về cơ bản các nhà nghiên cứu phân loại [TTPG] theo 5 kiểu sau:

- Truyện: bắt nguồn từ thể sử truyện của Trung Quốc, với những ghi chép mang tính chất thực lục về nhân vật nào đó mà người viết dùng các nhân vật trong lịch sử hoặc trong thực tại, chủ yếu là vua quan, hoàng hậu, vương phi, văn thần, võ tướng, danh tăng... làm trung tâm để khắc họa hình ảnh qua toàn bộ cuộc đời hay một quãng đời của họ. Đối với [TTPG] có thể kể đến các tác phẩm như: Đại Nam Cao tăng truyện, Tây phương mĩ nhân truyện...

- Bảo quyển: trong Phật giáo, "bảo quyển" hoặc "thất bảo" thường chỉ đến bảy loại bảo vật quý giá. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp "bảo quyển" được hiểu theo nghĩa rộng hơn, chỉ các loại kinh sách, tài liệu Phật giáo quý hiếm, như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã... Trong một số trường hợp, "bảo quyển" được hiểu là các bộ kinh, luận, sách về Phật pháp, được coi là kho tàng tri thức và là những "bảo vật" vô giá của Phật giáo. Các tài liệu này có thể bao gồm các bộ kinh như Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Di Đà, cũng như các bộ luận giải, sách về thiền, lịch sử Phật giáo...

- Sự tích: trong tiếng Việt, sự tích thường là một câu chuyện dân gian như truyền thuyết hoặc cổ tích, kể về nguồn gốc, sự hình thành của một sự vật, hiện tượng, địa danh, nhân vật, hoặc một phong tục tập quán nào đó. Đối với [TTPG] có thể kể đến các tác phẩm như: Sự tích Phật Di Lặc, Sự tích các vị Bồ Tát, Hương Sơn linh cảm quan âm sự tích...

- Diễn âm, diễn nghĩa: là quá trình chuyển đổi âm thanh, hay diễn giải ý nghĩa của các ngữ điệu hay ý nghĩa của các từ, các câu văn thành các ký hiệu hoặc chữ viết. Trong trường hợp cụ thể, "diễn nghĩa" còn có thể hiểu là việc mở rộng, phát triển, hoặc hư cấu thêm các tình tiết, chi tiết, câu chuyện xung quanh một sự kiện, nhân vật lịch sử, hoặc tác phẩm văn học, thường thấy trong các tác phẩm dã sử, tiểu thuyết hóa từ các sự kiện, nhân vật lịch sử. Trong [TTPG], loại hình diễn âm không có nhiều, có 1 số tác phẩm như: Long thư tịnh độ diễn âm, Quan Âm chân kinh diễn nghĩa...

- Hạnh: vốn là các [TTPG] diễn ca lịch sử nhà Phật có thể hình thành từ các bài ca nghi lễ chuyên dùng để “kể hạnh", một hình thức diễn xướng dân gian trong các dịp lễ tiết ở chùa chiền. “Nội dung các bài hạnh thường kể lại sự tích, đức hạnh của chư Phật hoặc các vị thần thánh được thờ ở ngôi chùa làng. Hình thức của các bài hạnh đều là thơ lục bát hoặc biến thể. Điều đặc biệt là việc kể hạnh bao giờ cũng do các bà vãi tiến hành". Trong [TTPG], loại hình hạnh khá nhiều, có thể kể đến một số tác phẩm như: Đạt Na Thái Tử hạnh, Địa tạng bản hạnh...

2. Hệ thống văn bản [TTPG] trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Các văn bản [TTPG] truyện thơ Nôm Kinh trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm bao gồm 6 loại kí hiệu: A., AB., AC., VHv., VHb. và VNv., Các văn bản đã được thực hiện công việc tu bổ văn bản, chỉnh trang lại bìa và các tờ trong sách, một số sách hư hỏng đã được đóng lại bìa mới và cắt xén lại gọn gàng.

Theo chúng tôi, căn cứ vào nội dung tài liệu Hán Nôm về [TTPG] có thể chia làm 2 loại sau: Một là: [TTPG] bằng chữ Hán, hai là [TTPG] bằng chữ Nôm (có thể xen vào 1 phần chữ Hán). Dựa trên những tiêu chí phân loại như vậy, trên cơ sở tham khảo bộ Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu và có đối chiếu với từng văn bản trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thống kê số lượng tư liệu Hán Nôm về [TTPG] hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm như sau:

2.1. [TTPG] chữ Hán, có 5 truyện (5 văn bản):

* Cao tăng thiền sư ngọc phả cổ truyện 高僧禪師玉譜古傳, 1 bản viết, 30 tr.,16 x 28, kí hiệu VHv.2941. Chép theo ngọc phả của Nguyễn Bính, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ soạn. Nội dung của của truyện:

Sự tích thần Cao tăng Thông Minh Hiển ứng Đại Vương được thờ làm Thành Hoàng ở xã Lam Điền, Lan viên (sau đổi là Lương Điền Đông viên) huyện An Lạc, tỉnh Thanh Hóa. Ông tên húy là Trọng, sống vào đời Hùng vương thứ 18, do người mẹ ứng mộng được thần trao cho cành hoa hải đường mà sinh ra. Lớn lên dốc chí theo đạo Phật, lặn lội đường rừng, vượt qua hổ báo, mãng xà lên núi Thứu tìm được thầy học đạo. Sau khi đắc đạo, ông có phép biến hóa, lại được thầy trao cho hòn đá ước, trở về theo Nguyễn Tuấn là thần núi Tản Viên giúp vua Hùng đánh tan quân Thục. Ông đã có công cứu chữa dịch bệnh cho nhân dân vùng Lam Điền, Lan viên nên được 17 xã vùng này dựng đền thờ phụng.

* Đại Nam Cao tăng truyện 大南高僧傳, 1 bản viết, 110tr., 20.5 x 14, kí hiệu VHb.313. Nhàn Vân Đình (Trần Duy Vôn) chép. Nội dung:

- Truyện các vị cao tăng Việt Nam (trích từ báo Nam Phong, các số Thiền sư Định, Thiền sư Vô Ngôn Thông, Thiền sư Cảm Thành, Thiền sư Định, Thiền sư Thiện Hội, Thiền sư Vân Phong, Đại sư Khuông Việt ở chùa Bụt Đà, Thiền sư Đa Bảo; Trưởng lão Định Hương, Thiền sư Thiền Lão, Thiền sư Viên Chiếu, Thiền sư Cứu Chí, Thiền sư Thông Biện, Đại sư Mãn Giác, Thiền sư Ngộ Ấn, Đại sư Huyền Quang, Thiền sư Huyền Chân.

* Hương Sơn bảo quyển 香山 保卷, 1 bản in, 134 tr., 28 x 16, kí hiệu A.1439. Tưởng Chi Kì (Tống, Trung Quốc) soạn. Hai bài tựa trùng san viết năm Cảnh Hưng 7 (1746), bài tựa ngự chế viết năm Cảnh Hưng 33 (1772). In tại chùa Báo Ân, Hà Nội. Nội dung:

Truyện công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương chốn nhà đi tu, về sau nàng đã lấy mắt và thịt ở cánh tay của mình chữa bệnh cho vua cha. Công chúa về sau được chính quả, trở thành Phật Bà Quan Âm.

* Nội đạo tràng truyện 內道 長傳, 1 bản in, 70 tr., 26 x 15,5, kí hiệu A.2975. Nguyễn Tảo, tự Pháp Ngôn, biệt hiệu Văn Trai biên tập. Nhà in Đông Kinh in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902). Nội dung:

Truyện Thượng sư Phật tổ tên là Lành, tự Ngọc Trân, người Châu ái (Thanh Hóa), tu hành đắc đạo, trừ được ma tà yêu quái, giúp dân yên ổn làm ăn. Sau có công chữa bệnh cho vua Lê Thần Tông (1619-1662), được tặng danh hiệu "Nội Đạo Tràng".

* Tây phương mĩ nhân truyện 西方美人傳, 1 bản in, 89 tr., 28 x 18, kí hiệu AC.290. Trương Tây Dân tập giải. Nội dung:

Truyện Thích Ca Mâu Ni (mĩ nhân) sau khi thành Phật, được sống ở cõi Niết Bàn, nơi chỉ có sung sướng, không có tật bệnh khổ đau...

Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về [TTPG] bằng chữ Hán có 05 truyện (5 văn bản). Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: có 03 bản in, 02 bản chép tay; sách có ghi niên đại 03 văn bản (trong đó thời Lê 2 văn bản và thời Nguyễn 01 văn bản), sách không ghi niên đại 02 văn bản, sách ghi tác giả, cả 05 văn bản.

2.2. [TTPG] chữ Nôm, có 06 truyện (26 kí hiệu văn bản):

* Quan Âm chân kinh diễn nghĩa 觀音真經演義 [cũng tức là các truyện: Đức Phật Bà truyện, Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca, hay Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ]. 7 bản in, 1 bản viết, có tranh Phật, có chữ Hán, có chữ Nôm, gồm:

- VHv. 725, AB. 631: Gia Liễu Đường in năm Khải Định thứ nhất (1916), 106 tr., 25.5 x 15, 27 x 15.5.

- VHv. 726, VHv. 727, AC. 174,VNv.122, AB. 224: 106 tr., 26 x 15 in.

- AB. 176/2 (高王觀世音真 經): 98 tr., 26 x 15.5, viết.

Nội dung của truyện:

Sự tích Phật Quan âm, diễn Nôm thể 6 - 8: truyện Công chúa Diệu Thiện, con gái thứ ba của Diệu Trang Vương, nước Hưng Lâm không chịu lấy chồng theo lệnh vua cha, trốn nhà đến tu ở chùa Hương Sơn, và sau đó thành Phật Bà Quan âm ở nước Nam.

Ngoài ra [TTPG] này còn được chép trong 4 văn bản khác như sau:

- Bút hương trai khuê huấn ca 筆香齋圭訓歌. 1 bản chép tay kí hiệu VNv. 295. Nguyễn Hòa Hương soạn năm Tự Đức Tân Dậu (1861). Có 1 phần chép về: (德佛婆傳Đức Phật Bà truyện hay 南海觀陰德佛事跡演歌 Nam Hải Quan âm Đức Phật sự tích diễn ca).

- Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ 南海觀音本行 國語, 1 bản in, 86 tr., 26,5 x 16, có hình vẽ; kí hiệu: AB.550. Tuệ Đăng Hòa thượng biên soạn, in năm Tự Đức 3 (1850).

- Hương Sơn linh cảm quan âm sự tích 香山靈感觀音事跡, 1 bản in, 68tr., 29x17, có chữ Hán, kí hiệu: AB.111. Hoàng Đạo Thành kể chuyện, Nguyễn Gia Chính soạn năm Thành Thái Giáp Thìn (1904). Chùa Lí Quốc Sư, Hà Nội in năm 1904.

Quan Thế Âm Thánh tượng chân kinh 觀世音聖像真經, 1 bản in 54 tr., 26 x 18, 1 nguyên dẫn (có cả 1 phần chữ Hán); kí hiệu: VNv.286. Có một phần chép : Truyện Phật Bà (chữ Nôm, thể 6-8):

* Đạt Na Thái Tử hạnh 達那 太子行, in năm Minh Mệnh 19 (1830); gồm có 2 bản: (AB.322: 84 tr, 28 x 15. Và AB.374: 92 tr, 28 x 18. (2 bản này giống nhau). Nội dung:

Truyện Thái tử Đạt Na, con vua Túc Vương nước Xá Vệ đi tu thành Phật (thể 6-8) Lí sự dung thông (ca Nôm, thể 7-7/6-8): trình bày cách tu đạo, sửa mình để thành Phật. Hồng mông tạo hóa chư duyên bản hạnh (ca Nôm, thể 6-8): trình bày về nguồn gốc của tạo hóa và công đức của Phật cứu vớt chúng sinh.

* Địa tạng bản hạnh 地藏本 行, 3 bản in, 26 tr., 17 x 12, kí hiệu: AB.44: Thịnh Văn Đường in năm Tự Đức 28 (1875) (đóng chung với AB.45, AB.46, AB.48).

Nội dung:

Truyện thơ Nôm, gồm 568 câu 6-6, kể hành trạng của Mục Liên Địa Tạng Bồ Tát.

* Long thư tịnh độ diễn âm 龍 書凈度衍音, 1 bản in, 12 tr., 26 x 14,5, kí hiệu: AB.94. Bồ Tát pháp danh Tính Định diễn âm. Chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, Hà Nội. Nội dung:

Bản diễn Nôm 9 truyện trong sách Long thư tịnh độ văn của Vương Nhật Hưu (? - 1173), người Trung Quốc, nói về những người sống ở các đời Đường, Tống do dốc lòng theo đạo Phật mà được lên cõi Cực Lạc.

* Quan Âm chính văn tân truyện 觀音正文新傳 [cũng tức là các truyện 觀音註解新傳 Quan Âm chú giải tân truyện hay 觀音送子本行 Quan âm Tống tử bản hạnh]. 9 bản in, (có xen chữ Hán), gồm:

638: Hiệu Phúc Yên in năm Khải Định 74 (1919), 42 tr., 19 x 23, có chữ Hán.

- AB.48: 觀音送子本行 Quan âm tống tử bản hạnh, Quán Văn Đường in năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894), 56 tr., 17 x 12.5.

- AB. 639: 觀音送子本行 Quan âm tống tử bản hạnh, 62 tr. (các tr., 12, 18 và 20 bị mất, đã được chép lại), 19 x 13.5.

- AB. 46, AB. 219: 觀音註解新傳 Quan âm chú giải tân truyện, Thịnh Văn Đường in năm Tự Đức Mậu Thìn (1886), 54 tr., 17 x 12.5, có chữ Hán.

Nội dung của truyện:

Truyện thơ Nôm Quan âm Thị Kính (thể 6 - 8): Thị Kính là con gái Mãng ông, người nước Cao Li, nhà nghèo, lấy chồng học trò tên là Sùng Thiện Sĩ. Một hôm học khuya, Thiện Sĩ ngủ thiếp đi bên bàn học. Ngồi may vá cạnh chồng, thấy chồng có chiếc râu mọc ngược, Thị Kính cho là điềm không hay. Sẵn dao trong tay, Thị Kính toan cắt bỏ chiếc râu đó đi. Bỗng Thiện Sĩ giật mình tỉnh dậy, cho là vợ định hại mình, bèn hô hoán lên, thế là Thị Kính bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà. Bị oan ức, Thị Kính cải trang thành con trai, đi tu ở chùa Vân Tự, pháp danh là Kính Tâm. Trong vùng có Thị Mầu, con gái một nhà giàu, tính lẳng lơ, lên chùa thấy chú tiểu Kính Tâm, Màu đem lòng say đắm. Trước sự thờ ơ của chú tiểu, Màu không nén được lòng ham muốn, bèn về nhà ăn nằm với người ở trai trong nhà và có mang. Bị hào lý trong làng tra hỏi, Màu đổ tội cho Kính Tâm, vì thế Kính Tâm bị sư cụ đuổi ra ở ngoài Tam Quan. ít lâu sau, Màu sinh con trai và đem vứt ra ngoài Tam Quan cho Kính Tâm. Thương trẻ sơ sinh, Kính Tâm đã ngày này qua ngày khác đi xin sữa, xin cơm nuôi nấng đứa trẻ. Ba năm ròng như thế, phần vì vất vả, phần vì ưu phiền, oan ức, Kính Tâm đã kiệt sức và chết. Khi khâm liệm Kính Tâm, mọi người mới biết Kính Tâm là phụ nữ. Nỗi oan của nàng từ đấy được giãi tỏ. Nàng siêu thăng thành Phật Quan âm.

* Quan Thế Âm Thánh tượng chân kinh 觀世音聖像真經, 1 bản in 54 tr., 26 x 18, 1 nguyên dẫn (có cả 1 phần chữ Hán; kí hiệu: VNv.286. Nội dung gồm 2 phần:

- Kinh Cao Vương (chữ Hán): Quan Thế Âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh khỏi ách khổ ải. Một số chuyện báo ứng. Những người nỗ lực đọc hoặc in và truyền bá kinh này sẽ tránh được tai nạn và hưởng phúc lành.

- Truyện Phật Bà (chữ Nôm, thể 6-8): Truyện Bà chúa Ba tu ở chùa Hương sơn thành Phật Religion.

Như vậy, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách ghi chép về [TTPG] bằng chữ Nôm có 06 truyện (26 văn bản). Xét về đặc điểm văn bản chúng ta thấy: có 02 văn bản chép tay, 24 bản in (có những truyện có đến 2- 3 văn bản cùng chép); văn bản có ghi niên đại

10 (tất cả là ở thời Nguyễn), văn bản không ghi niên đại 14; văn bản có ghi tác giả 04, không ghi tác giả 20 văn bản.

3. Một số nhận xét

- Về số lượng truyện thơ: trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện đang lưu giữ 11 [TTPG], bao gồm: 5 [TTPG] viết bằng chữ Hán và 06 [TTPG] viết bằng chữ Nôm, với tổng cộng là 26 văn bản. Tuy nhiên con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đây, khi có điều kiện tìm hiểu và khảo sát kĩ hơn kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Một đặc điểm văn bản nữa cần lưu ý là trong tổng số 26 văn bản nêu trên, chỉ có 04 bản chép tay, còn lại 22 bản còn lại là được khắc in (chiếm khoảng 84.61%)

- Về niên đại truyện thơ: Trong tổng số 11 [TTPG] với 26 văn bản, có 13 văn bản là xác định được niên đại cụ thể (1 thời Lê và 12 thời Nguyễn), còn lại 13 văn bản khác là không rõ thời điểm sáng tác hay sao chép văn bản (chiếm 50%).

- Về tác giả tác phẩm: trong tổng số 26 văn bản, có 9 văn ghi tác giả biên tập hoặc biên soạn, còn 8 văn bản không ghi tác giả. Trong số 9 tác giả, có những tác giả khoa bảng nổi tiếng, như Nguyễn Tử Mẫn, Trần Văn Cận...

- Về thể loại và nội dung văn bản: với số lượng 11 [TTPG] với 26 văn bản, các văn bản [TTPG] trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã khái quát được nội dung, các dạng thức đã được nêu ở phần lí thuyết thể loại, từ loại: truyện; bảo quyển; sự tích; diễn âm, diễn nghĩa, đến loại ‘‘hạnh" của Phật giáo. Ở mỗi một thể loại đều có những văn bản truyện thơ tiêu biểu cho các chủ đề mà thể loại truyện thơ đó hướng tới như: Đại Nam Cao tăng truyện 大南高僧傳, Địa tạng bản hạnh 地藏本行, Quan Âm chính văn tân truyện 觀音正文新 傳 臨泉其遇,... có thể nói là rất phong phú và đa dạng. Đây là những tư liệu rất có giá trị trong việc nghiên cứu chuyên sâu về mặt văn bản, văn tự, cũng như về các giá trị nội dung của mảng văn bản [TTPG] này.

Kết luận

Trên đây là kết quả khảo sát hệ thống tư liệu [TTPG] hiện đang lưu trữ tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, nơi được được coi là cơ sở hiện giữ nhiều sách Hán Nôm nhiều nhất trong cả nước. Song tư liệu về Hán Nôm vẫn còn được lưu giữ ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là mảng sách [TTPG] chưa được trình bày ở đây. Do đó cần tập hợp, kiểm kê số sách ở các địa phương để có được một diện mạo đầy đủ hơn về mảng [TTPG] (về các mặt như: số lượng truyện thơ, đặc điểm văn bản, chủ đề, thể loại…). Trên cơ sở đó lập ra kế hoạch bảo quản và tiến hành khai thác nghiên cứu mảng tư liệu Hán Nôm này một cách toàn diện và hiệu quả hơn nữa, góp phần làm sáng rõ hơn về một loại hình văn học thời kì trung đại của Việt Nam, một nền văn học đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả: TS.Phạm Hoàng Giang - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm, Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại. NXb. Giáo dục.H. 2007.

[2]. Lê Hoài Nam (1978), Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, tr. 210 -214. NXb. Giáo dục. H.1978.

[3]. Trần Nghĩa - François Gros (đồng chủ biên) (1993), Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

[4]. Trần Thị Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm (2010), Các thể văn chữ Hán Việt Nam, NXb. Khoa học xã hội. H. 2010.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khao-sat-tu-lieu-truyen-tho-phat-giao-luu-tru-tai-vien-nghien-cuu-han-nom.html
Zalo