Khảo sát thực tế phạm vi giải tỏa công trình kiến trúc 'nhà lầu ông Phủ' để thực hiện Dự án đường ven sông Đồng Nai
Liên quan đến thông tin về việc thực hiện giải tỏa công trình kiến trúc lâu đời 'nhà lầu ông Phủ' tại khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa để triển khai thi công Dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), chiều 20-9, đại diện Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cùng các cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa đã khảo sát thực tế vị trí công trình bị ảnh hưởng.
Khoảng một nửa “nhà lầu ông Phủ” nằm trong quy hoạch giải tỏa
Biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa (còn được gọi là nhà lầu ông Phủ) được xây dựng vào năm 1924. Căn nhà gồm 2 tầng, được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây. Toàn bộ đồ trang trí nội thất được đặt mua từ Pháp chở về bằng tàu biển.
Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Nai, biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là ngôi nhà do ông Đốc phủ Võ Hà Thanh xây dựng cùng thời với Tòa bố Biên Hòa. Toàn bộ vật liệu kết cấu được nhập từ Pháp về.
“Chúng ta đi vào thấy nền gạch 2 tấc là đều nhập từ Pháp về. Xi măng, sắt thép cũng được nhập từ Pháp về. Kể cả thợ xây dựng ngôi nhà cũng không phải huy động người tại chỗ mà thuê thợ, trong đó có nhiều thợ là người Hoa có kinh nghiệm”, ông Trần Quang Toại cho biết.
Vì vậy, theo ông Trần Quang Toại, đây là công trình khá là có ý nghĩa về giá trị lịch sử và văn hóa.
Theo Sở Xây dựng, liên quan đến công trình kiến trúc lâu đời “nhà lầu ông Phủ”, một số thông tin đã phản ánh, nêu quan điểm đến việc giải tỏa để thi công công trình đường ven sông Đồng Nai. Để làm rõ hơn phản ánh của người dân liên quan đến công trình này, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát thực tế vị trí công trình bị ảnh hưởng khi thi công dự án.
Tại buổi khảo sát, bước đầu ghi nhận, khu vực quy hoạch để thực hiện dự án sẽ “lấn” vào công trình “nhà lầu ông Phủ” khoảng 9m, tương đương với khoảng một nửa biệt thự này nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện dự án.
“Ngoài công trình nhà Đốc phủ Võ Hà Thanh chúng ta còn có những di tích lịch sử văn hóa khác. Nếu chúng ta giữ được công trình này sẽ tạo một kết nối bền chặt hơn về văn hóa lịch sử giữa con sông Đồng Nai với khu vực trên bờ của thành phố Biên Hòa”, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Nai.
Các chuyên gia, nhà khoa học nói gì?
Liên quan đến thông tin giải tỏa công trình kiến trúc lâu đời “nhà lầu ông Phủ” để triển khai thi công Dự án đường ven sông Đồng Nai, Tiến sỹ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ quan điểm rằng, với công trình biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh và tuyến đường ven sông Đồng Nai có thể có 2 giải pháp để xử lý vấn đề.
Một là có thể nhờ “thần đèn” di dời vào bên trong và dành quỹ đất để biến khu vực này thành một điểm đến về văn hóa, du lịch. Hai là có thể “nắn” lại tuyến đường ra phía sông Đồng Nai. “Việc bảo tồn di sản này nó có ý nghĩa rất lớn.
Những công trình hạ tầng mới như tuyến đường ven sông sẽ đi ngang những công trình di sản của Biên Hòa. Lúc đó, những công trình có tuổi đời hàng mấy trăm năm với bản sắc cũ và bản sắc lịch sử cộng thêm những công trình mới với bản sắc mới thì nó dần dần sẽ biến thành những tuyến đường cảnh quan du lịch và di sản hấp dẫn cho khách du lịch. Và nó cũng sẽ mở ra tiềm năng về lâu dài cho Biên Hòa trong việc phát triển đô thị ven sông”, ông Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ quan điểm.
Trong khi đó, ông Trần Quang Toại cho rằng, trong việc quy hoạch và phát triển đô thị sẽ có một vấn đề phát sinh là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển các giá trị di sản trên địa bàn. “Giải quyết mâu thuẫn này là một vấn đề rất khó khăn”, ông Trần Quang Toại cho hay.
Quan điểm cá nhân, ông Trần Quang Toại cho biết, trong điều kiện quy hoạch phát triển của chúng ta hiện nay, việc “nắn” lại đường ven sông Đồng Nai là hoàn toàn trong khả năng. Do đó, nếu có điều kiện thì các cơ quan chức năng cũng xem xét phương án “nắn” đường vừa đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đảm bảo được view để nhìn ra sông Đồng Nai và vừa bảo tồn được công trình biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh.