Khánh Vĩnh: Xây dựng hạt nhân phong trào văn hóa dân gian các dân tộc

Tối 27-9, UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức lễ ra mắt 3 câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin trên địa bàn huyện. Việc thành lập và đưa vào hoạt động các CLB một cách bài bản được xem là yếu tố cần thiết để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), phát triển phong trào văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư.

Góp phần giữ bản sắc dân tộc

Tiết mục độc tấu đing năm kết hợp hát dân ca của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Ê đê thôn Hòn Lay.

Tiết mục độc tấu đing năm kết hợp hát dân ca của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Ê đê thôn Hòn Lay.

Để thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương năm 2024 là triển khai xây dựng 3 CLB sinh hoạt văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư. Qua thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huyện đã xây dựng được 3 CLB thuộc 3 DTTS tiêu biểu trên địa bàn, gồm: CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá (xã Khánh Trung); CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Ê đê thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp); CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc T’rin thôn Gia Lố (xã Giang Ly). Những thành viên tham gia các CLB là già làng, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, thanh niên có niềm yêu thích văn hóa, văn nghệ. "Sau ngày đất nước giải phóng, ở thôn chúng tôi từng có đội văn nghệ hoạt động rất sôi nổi và tham gia nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ người dân trong xã, trong huyện. Tuy nhiên, theo thời gian, đội văn nghệ không còn duy trì hoạt động. Giờ đây, chính quyền địa phương quan tâm thành lập lại đội văn nghệ của thôn, chúng tôi thấy vui lắm. Đội văn nghệ thôn có 30 thành viên, với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó nhiều nhất là thanh niên. Chúng tôi đã tập luyện sử dụng được nhạc cụ mã la, kèn bầu, hát một số làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Raglai”, ông Cao Đình Khánh (CLB sinh hoạt văn hóa dân gian Raglai thôn Suối Cá) cho biết.

Tiết mục hòa tấu mã la, chapi, hát dân ca của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc T’rin thôn Gia Lố.

Tiết mục hòa tấu mã la, chapi, hát dân ca của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc T’rin thôn Gia Lố.

Trong buổi lễ ra mắt, thành viên của 3 CLB lần lượt trình diễn những tiết mục văn nghệ đã tập luyện trong thời gian qua. Ở đó, khán giả được xem màn trình diễn hát dân ca, múa truyền thống, hòa tấu các loại nhạc cụ cồng chiêng, đing năm, đing chót, đing goong, đing oan… của đồng bào Ê đê đến từ thôn Hòn Lay. Phần biểu diễn mã la, kèn bầu, múa dân gian của đồng bào Raglai ở thôn Suối Cá có sự đầu tư trong việc dàn dựng, biên đạo. Các thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian T’rin thôn Gia Lố cũng cho thấy sự nỗ lực trong việc thể hiện các tiết mục hòa tấu mã la, đàn chapi, đàn đá, đàn co nhi, hát dân ca, múa dân vũ… “Tham gia CLB, chúng tôi rất vui và tự hào khi bản thân góp phần làm được một việc có ý nghĩa nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Hiện tại, CLB mới có 24 thành viên, chúng tôi sẽ cố gắng để mời gọi thêm những người khác cùng tham gia trong thời gian tới. Khi sinh hoạt trong CLB, chúng tôi có thêm nhiều cơ hội được đi biểu diễn, giao lưu, học hỏi ở những CLB khác, tham gia nhiều chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh”, chị Cà Pha (thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian T’rin thôn Gia Lố) chia sẻ.

Nhân rộng mô hình

Tiết mục múa của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá.

Tiết mục múa của các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá.

Để xây dựng được 3 mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thành lập ban tổ chức xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian. Từ đó, tiến hành việc tập huấn, truyền dạy nghi lễ, nghi thức văn hóa, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian, kỹ năng chế tác và cách sử dụng các loại nhạc cụ… Lồng ghép vào đó là việc phổ biến những kiến thức, hiểu biết về các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để đồng bào cùng chung tay gìn giữ. Những kỹ năng được trang bị là nền tảng để mỗi thành viên trong các CLB tiếp tục phát huy, phát triển hoạt động của CLB. Huyện Khánh Vĩnh đã hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng/CLB để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động như: Âm thanh, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ… Ông Phan Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: “Xã Khánh Trung có phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Việc thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian Raglai thôn Suối Cá có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn, phát huy và lan truyền những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai trên địa bàn xã, nhất là giới trẻ. Xã cũng đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể cho CLB để hàng tuần, hàng tháng có những buổi tập luyện, truyền dạy hiệu quả”.

Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh trao kinh phí hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động của các câu lạc bộ.

Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh trao kinh phí hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động của các câu lạc bộ.

Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, địa phương luôn khuyến khích, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn. Việc thành lập 3 CLB sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin đã tạo ra những mô hình điểm trong quá trình khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Ngoài ra, các CLB còn là nơi trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ, góp phần tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc. Để duy trì, phát triển và nhân rộng 3 mô hình này trong thời gian tới đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn của chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện và nhất là chính bản thân các thành viên trong CLB. Mỗi thành viên trong các CLB cần có ý thức trong việc tập hợp, đoàn kết thành viên, phối hợp hoạt động giữa các thành viên vì lợi ích chung của CLB; quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, trang thiết bị của CLB theo đúng quy định, đạt hiệu quả cao... Từ 3 mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng, thành lập thêm các CLB ở những địa phương khác trong toàn huyện. Từ đó, giúp cho việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt hiệu quả, hướng tới việc đưa văn hóa truyền thống vào phục vụ hoạt động du lịch.

GIANG ĐÌNH - VĨNH THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/khanh-vinh-xay-dung-hat-nhan-phong-trao-van-hoa-dan-gian-cac-dan-toc-79962f7/
Zalo