Khánh thành Công trình tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Sáng 9/8 tại Thái Nguyên diễn ra Lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).

Toàn cảnh Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Huấn

Toàn cảnh Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Huấn

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện một số ban, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham dự có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), 75 năm Ngày Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025).

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích.

Các đại biểu tại di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Trần Huấn

Các đại biểu tại di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Trần Huấn

Ngày 18/01/2024, thiết thực chào mừng 75 năm Ngày aThành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Sau gần 7 tháng thi công, công trình hoàn thành đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật. Với việc khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên mong muốn khai thác, phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của di tích; bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Công trình thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời, tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cùng với rất nhiều di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận, Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một “địa chỉ đỏ” trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là “Thủ đô kháng chiến”, làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Nhớ về những ngày đầu khi xây dựng di tích, nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam (đại diện chủ đầu tư) cho biết: “Năm 2014, trong quá trình tiếp nhận các hiện vật để làm đề án xây dựng bảo tàng Báo chí Việt Nam thì có được bản gốc cuốn sổ cảm tưởng của các học viên, giảng viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Dựa vào đó, chúng tôi đã tiếp tục sưu tầm những hiện vật, câu chuyện về ngôi trường này. Những nung nấu về việc phục dựng lại 1 di tích về ngôi trường đặc biệt, xứng đáng với tầm vóc của ngôi trường Báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu được hình thành”.

Cũng theo nhà báo Kim Hoa, trước đó vào tháng 4 năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ khánh thành Bia Di tích nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Sau đó, đến đầu năm 2024 những nguyện vọng về việc tu bổ, phục dựng lại ngôi trường đã được thực hiện. Thời điểm bắt đầu có rất nhiều băn khoăn, tuy nhiên nhờ kết hợp với các nhà điều khắc, kiến trúc sư đã phục dựng lại được 1 di tích đặc biệt.

“Sau 7 tháng thi công thì các hạng mục chính của di tích đã hoàn thành, công trình sẽ giúp công chúng, đặc biệt là các nhà báo ngày nay hiểu hơn về lịch sử, cũng như hoạt động đào tạo báo chí, nhà báo trong cách mạng”, nhà báo Kim Hoa bộc bạch.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hiện được trùng tu, xây dựng hoàn thiện với 3 đơn nguyên chính trên diện tích 859m2.

Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thiết kế dưới hình thức căn nhà cấp 4 xây trên đồi cao. Lớp học ngày xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2 được phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh.

Lần về quãng thời gian lịch sử, trong những năm chống Pháp, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được đích thân Bác Hồ sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Thời điểm thành lập Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người.

Do bối cảnh kháng chiến khốc liệt, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên gồm 42 cán bộ từ cả nước gửi về, 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những lãnh đạo giàu kinh nghiệm như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu...

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khanh-thanh-di-tich-lich-su-quoc-gia-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-a25780.html
Zalo