Khánh Hòa: Vượt qua thách thức, khai thông điểm nghẽn

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng Khánh Hòa đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về hạ tầng, nguồn nhân lực, công tác quản lý và phát triển bền vững. Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần một chiến lược tổng thể, tầm nhìn dài hạn, đi cùng với sự đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương.

 Khánh Hòa sở hữu nhiều cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Trong ảnh là tàu lớn cập cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa sở hữu nhiều cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Trong ảnh là tàu lớn cập cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Những “điểm nghẽn” cần khai thông

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, Khánh Hòa vẫn đang vấp phải những rào cản không nhỏ để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có rào cản từ việc tăng trưởng của tỉnh chưa bền vững, động lực kinh tế mới chưa rõ nét; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là các dự án giao thông, khu công nghiệp, năng lượng chậm triển khai do vướng thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, khoa học công nghệ chưa tạo đột phá; chưa khai thác hết các cơ chế đặc thù được Trung ương trao quyền. Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Khánh Hòa mở rộng tiến gần hơn tới TP.HCM - thị trường lớn nhất của vùng nhưng bài toán đầu tư hạ tầng sẽ là thách thức lớn nhất. “Để phát triển đô thị hiện đại, Khánh Hòa cần nguồn vốn khổng lồ và chiến lược sử dụng hiệu quả, minh bạch, dài hạn”, ông Sơn cho hay.

Một giải pháp then chốt được các chuyên gia đề xuất là sử dụng trái phiếu dự án gắn với khai thác giá trị đất tăng thêm. Ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh: Hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ và bao trùm là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt đối với các địa phương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để giải bài toán huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, ông Thành đề xuất một cơ chế tài chính đột phá: phát hành trái phiếu dự án gắn với giá trị gia tăng của đất đai do hạ tầng mang lại, có sự tham gia của khu vực tư nhân.

 Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - Ðại học Fulbright Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - Ðại học Fulbright Việt Nam

Cụ thể, các dự án đầu tư hạ tầng cả công và hợp tác công tư có thể được tài trợ toàn phần hoặc một phần bằng trái phiếu dự án do UBND tỉnh Khánh Hòa phát hành. Nguồn bảo đảm cho trái phiếu là dòng tiền từ các dự án hạ tầng có thu và trong trường hợp dự án công thuần túy hoặc nguồn thu hạn chế, có thể bổ sung giá trị quyền sử dụng đất từ các quỹ đất công được xác định rõ. Các quỹ đất này ưu tiên là những khu vực hưởng lợi trực tiếp từ dự án hạ tầng sẽ được đấu giá khi dự án gần hoàn thiện. Khoản thu này sẽ dùng để hoàn trả gốc và lãi trái phiếu, đảm bảo tính tự chủ và bền vững về tài chính, đồng thời giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước.

Theo ông Thành, cơ chế này tạo động lực đúng đắn cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh việc tiết kiệm chi phí đầu tư công và thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn. Khu vực tư nhân với vai trò là “động lực trung tâm” sẽ được khuyến khích tham gia mạnh mẽ hơn vào các dự án phát triển hạ tầng. Ông Thành cũng chia sẻ rằng, nhiều quốc gia đang phát triển đã triển khai thành công mô hình “thu hồi giá trị gia tăng từ đất đai” để tạo vốn cho hạ tầng đô thị. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc cơ bản: cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ hạ tầng công cộng cần đóng góp tài chính để phát triển hạ tầng đó.

Dù thừa nhận rằng mô hình này có nhiều rào cản kỹ thuật, nhưng chuyên gia Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Nếu thực hiện được, cơ chế này sẽ tăng giá trị công, tăng hiệu quả đầu tư và tăng công bằng. “Đây là phép thử lớn cho quyết tâm chính trị. Không thể có giải pháp nào lấp đầy khoảng trống vốn đầu tư hạ tầng ở Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung nếu không có bước đột phá mạnh mẽ về năng lực quản lý, minh bạch hóa cơ chế và thay đổi động lực khuyến khích theo nguyên lý thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.

Khánh Hòa còn đối mặt với những thách thức đan xen từ biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và áp lực tăng trưởng thiếu bền vững. Theo PGS.TS Phan Thị Thục Anh - Đại học VinUni, khoảng cách giữa định hướng chuyển đổi xanh và thực trạng tại địa phương vẫn còn rất xa. Để thu hẹp khoảng cách này, tỉnh cần một mô hình phát triển mới: xanh - thông minh - công bằng - thích ứng. Với cấu trúc 6 trụ cột chiến lược và những đột phá thể chế, dữ liệu, tài chính, nhân lực - Khánh Hòa có tiềm năng đi đầu trong chuyển đổi xanh cấp tỉnh tại Việt Nam.

 Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Cần một bước chuyển “thực chất”

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu và yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế xanh, việc hiện thực hóa vai trò trung tâm năng lượng quốc gia của Khánh Hòa không chỉ là một lựa chọn chiến lược, mà còn là một đòi hỏi mang tính thời đại. Từ vùng đất giàu tiềm năng nắng - gió của Ninh Thuận cũ, nay được sáp nhập vào Khánh Hòa, địa phương này đang nắm trong tay lợi thế hiếm có về tự nhiên, địa chính trị và vị trí trung tâm vùng duyên hải Nam Trung bộ. Nhưng để chuyển hóa các tiềm năng thành thực tiễn, Khánh Hòa cần một bước chuyển thực chất về thể chế, chính sách và nguồn lực đầu tư. Mục tiêu trở thành “thủ phủ năng lượng quốc gia” không chỉ đòi hỏi tư duy chiến lược dài hạn, mà còn yêu cầu phải có các quyết sách đột phá, tháo gỡ rào cản pháp lý, huy động sức mạnh liên ngành và đồng bộ giữa Trung ương - địa phương - doanh nghiệp.

“Nếu được trao cơ chế đủ mạnh và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, Khánh Hòa hoàn toàn có thể vượt qua giới hạn của một ‘vùng nắng gió’, để vươn lên thành thủ phủ năng lượng mới của quốc gia - nơi hội tụ công nghệ tiên tiến, dòng vốn quốc tế, thể chế tiên phong và nguồn nhân lực trình độ cao. Thành công tại Khánh Hòa sẽ không chỉ là điểm sáng cho địa phương, mà còn là mô hình mẫu cho chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh tại Việt Nam trong thập kỷ tới”, ông Ngô Trí Long nhìn nhận.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Ðể hiện thực hóa giấc mơ thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa đã xác định ba nhóm nhiệm vụ đột phá: Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; Ðầu tư hạ tầng chiến lược, hiện đại, ưu tiên giao thông, cảng biển, hạ tầng số, năng lượng, phát triển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Khánh Hòa đã sẵn sàng từ bộ máy tổ chức đến tư duy quản trị để chuyển mình lên một mô hình chính quyền đô thị hiện đại. Với tinh thần ‘chủ động - quyết liệt - dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung’, chúng tôi tin rằng hành trình phía trước, dù thách thức, sẽ là một cuộc bứt phá lịch sử”, ông Nam khẳng định.

Trong khi đó, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, cho biết: Các chính sách ưu đãi tại Nghị quyết 55 của Quốc hội bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo lực đẩy cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những ưu đãi hiện hành vẫn chưa đủ sức cạnh tranh, đặc biệt là khi so sánh với các chính sách tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ông Nhân đánh giá, nhiều chính sách hiện nay không còn mang tính đặc thù, thiếu sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư với các cơ chế linh hoạt và mạnh mẽ hơn.

Trước tình hình đó, tỉnh Khánh Hòa đã trình Trung ương đề án “Bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong”, với nhiều nhóm chính sách trọng tâm. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị được phân bổ thêm vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và cho phép tỉnh giữ lại một phần nguồn thu ngân sách Trung ương từ hoạt động xuất nhập khẩu tại Khu kinh tế Vân Phong. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế ưu đãi trong thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi thuế, cùng với cải tiến thủ tục đầu tư đơn giản, minh bạch hơn theo hướng đặc thù.

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, tỉnh này cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, quản lý cấp cao và lao động kỹ thuật cao trong và ngoài nước làm việc tại Khu kinh tế Vân Phong. “Việc sớm ban hành các chính sách đột phá này sẽ là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư chiến lược, tạo nền tảng phát triển bền vững cho Khu kinh tế Vân Phong - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Khánh Hòa trong giai đoạn tới”, ông Nhân cho hay.

P. Quang - T. Thanh - C. Hoan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khanh-hoa-vuot-qua-thach-thuc-khai-thong-diem-nghen-post1762332.tpo
Zalo