Tháo gỡ 'điểm nghẽn' pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp 'đầu tàu' của nền kinh tế, lĩnh vực thị trường trọng điểm cần được hỗ trợ trước những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Nếu không được kịp thời tháo gỡ sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội…

Trung tâm Công nghiệp Năng lượng và Hậu cần Kỹ thuật PTSC. Ảnh T.L
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới đã đặt ra yêu cầu: trong năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật gây ra.
Tinh thần này tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 5/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đã ban hành Kế hoạch số 04 về chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nói chung và ngày 31/7/2025 phải trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng được kỳ vọng rất lớn và các cơ quan Trung ương theo dõi sát sao.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc lớn như mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hoặc giữa các VBQPPL; quy định của VBQPPL chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa hợp lý, khả thi, gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật; quy định của VBQPPL tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; chưa có quy định hoặc có quy định của VBQPPL nhưng hạn chế việc đổi mới sáng tạo, phát triển động lực tăng trưởng mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế...
Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), hiện Tập đoàn này cũng gặp phải một số vướng mắc pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh như: hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của PVN còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Dầu khí, Luật Chứng khoán, Luật Bảo vệ môi trường… gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư, mua bán điện, định giá doanh nghiệp, xác định người có liên quan, giao dịch với bên thứ ba;
Nhiều quy định pháp lý còn thiếu rõ ràng, không đầy đủ hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong các lĩnh vực như thẩm quyền phê duyệt dự án, chuyển nhượng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, khiến PVN gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường và triển khai các dự án hợp tác quốc tế;
Thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp lớn. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, dự án trong các khu công nghiệp, cũng như thủ tục quyết toán các hạng mục đầu tư dầu khí vẫn còn nhiều bất cập, kéo dài tiến độ và "đội" chi phí đầu tư; hiện chưa có chính sách ưu đãi đặc thù về tài chính, tín dụng, thương mại cho các ngành nghề mới và lĩnh vực trọng điểm như năng lượng tái tạo, hydrogen, LNG, công nghệ cao…, khiến việc thu hút đầu tư gặp khó khăn, giảm năng lực cạnh tranh quốc tế.
Trên cơ sở đó, đại diện Tập đoàn kiến nghị rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật có liên quan, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới; hướng dẫn chi tiết về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, quản trị doanh nghiệp nhà nước, giao quyền triển khai dự án; xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù cho các ngành nghề chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng mới và tái tạo; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho hoạt động nghiên cứu - phát triển, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp.
Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Viettel, đại tá Phan Thị Loan cũng phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập do quy định của pháp luật qua hoạt động thực tiễn của Tập đoàn vẫn còn nhiều quy định của VBQPPL không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật.
Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn không có định nghĩa về "mục tiêu chính" cũng như cách xác định "mục tiêu chính" của dự án đầu tư ra nước ngoài, không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (1/1/2021) mà chưa thực hiện xác định, phân chia rõ "mục tiêu chính" và "mục tiêu không phải là mục tiêu chính" trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thì khi nhà đầu tư triển khai mục tiêu mới sẽ phải làm những gì, trình tự, thủ tục như thế nào?
Hiện Viettel có 07/10 thị trường có giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép trước năm 2020, trong giấy chứng nhận chỉ ghi là "Mục tiêu", điều này khiến Viettel gặp khó khăn khi xác định trách nhiệm đăng kỳ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Do đó, đề xuất nghiên cứu, ban hành nội dung hướng dẫn về mục tiêu chính của dự án đầu tư ra nước ngoài để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai trên thực tế…
Hay như về hoạt động đặt trạm BTS trên đất công còn bất cập. Mặc dù Nghị định 114/2024/NĐ-CP và Nghị định 50/2025/NĐ-CP đã tháo gỡ được vướng mắc của Viettel, tuy nhiên một số quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hóa đơn, mức thu nộp vẫn gây khó khăn, vướng mắc…
Trước những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm,chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần thiết thực vào việc tháo gỡ "điểm nghẽn" do quy định pháp luật trong thời gian tới.