Khánh Hòa: Cơ sở tái chế nhôm An Nguyên 'phớt lờ' chỉ đạo của chính quyền địa phương
Mặc dù UBND xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu dừng việc sản xuất, tái chế nhưng cơ sở tái chế nhôm An Nguyên vẫn hoạt động công khai, rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Cơ sở tái chế nhôm An Nguyên có địa chỉ tại thôn Đồng Bé, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh do ông Trần Văn Trinh (SN 1971) có địa chỉ thường trú tại đường Ngô Quyền, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm chủ.
Ngày 27/12/2022, UBND xã Diên Thọ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Trinh về việc xây dựng không phép 01 nhà xưởng có diện tích 120m2; 01 nhà ăn, bếp, nhà làm việc có diện tích 70m2 tại thửa đất số 574, tờ bản đồ số 01, diện tích 5767,3m2, loại đất cây lâu năm.
Về sai phạm trên, UBND xã Diên Thọ đã phạt tiền 4.000.000 triệu đồng và buộc ông Trần Văn Trinh khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Thế nhưng đến nay, sau nhiều năm hoạt động, cơ sở sản xuất nhôm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp quyết định xử phạt và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, xưởng tái chế nhôm vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm, người dân vô cùng bức xúc.
Tháng 8/2024, UBND xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh tiếp tục tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của cơ sở sản xuất nhôm tái chế An Nguyên; đồng thời đề nghị ông Trần Văn Trinh khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã số 2027/QĐ -UBND ngày 27/12/2022 và không được hoạt động sản xuất nhôm tái chế tại xưởng.
Theo ghi nhận thực tế tại cơ sở, hiện mỗi ngày cơ sở trên đốt khoảng 3-5 tấn nhôm và hoạt động một cách công khai, phớt lờ mọi chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Ông B.P.N một người dân sống gần khu vực cho biết, cơ sở tái chế nhôm này tồn tại từ năm 2016 đến nay. Mỗi khi hoạt động, khói và chất thải đổ thẳng ra môi trường xung quanh. Người dân trong khu vực vô cùng lo lắng, bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể gây nên những bệnh lý nguy hiểm hơn cho cộng đồng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân còn lo ngại về việc kim loại từ việc tái chế nhôm sẽ thẩm thấu vào nguồn nước, gây ảnh hưởng lâu dài về môi trường sống.
Câu chuyện là không hiểu vì sao, một xưởng tái chế nhôm lớn, sai phạm trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn không thể xử lý dứt điểm?