Khánh đá chùa Điều - Bảo vật quý của Hà Nam

Chùa Điều (Điều tự) thuộc thôn Đông Tự (Vũ Bản, Bình Lục) xây dựng trên thái ấp Quắc Hương của Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương Trần Thủ Độ (thời Trần). Thời hậu Lê, chùa Điều được tu bổ lớn. Hiện di tích còn bảo lưu một số hạng mục kiến trúc, đồ thờ, hiện vật mang đậm phong cách nghệ thuật thời hậu Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII - XIX). Đặc biệt, chiếc khánh đá cổ tạo dựng đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692) là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc, được xem như bảo vật quý của quốc gia.

Khánh đá cao 0,95m, rộng 1,45m, dày 0,7m, nặng khoảng 300kg, được trang trí ở cả 2 mặt. Mặt trước có đỉnh khánh cao 23 cm, dài 59 cm. Giữa đỉnh khánh khắc hình lá đề, bên trong lá đề tạo vòng tròn như hình mặt trời. Vòng tròn có chấm to ở giữa, xung quanh là các đường cong cách quãng, hình dung như mặt trời tỏa ánh hào quang. Diềm lá đề tạo các đao to, nhỏ, cao, thấp không đều nhau, hướng ngược lên, trái, phải hai bên mỗi bên tạo một con rồng chầu, đầu có mào, mắt to, lồi, miệng rộng, lưỡi ngậm ngọc, cằm có râu, thân cuộn ba khúc, chân dài 3 ngón. Thân rồng được tạo bằng một đường cốt, xung quanh là các hành chấm. Đuôi rồng uốn cong vút ngược, tạo thế rồng giáng, hai bên đuôi các đao ngược như phát lửa xung quanh lá đề.

Cổ khánh chia làm hai phần không đều nhau, ranh giới đóng khung bằng các đường chỉ chìm nhỏ. Giữa hai đường chỉ chia đều 6 ô. Hai ô bên phải khắc chìm hai chữ "Cửu thiên". Hai ô giữa để trống. Hai ô bên trái khắc chìm hai chữ "Ứng nguyên" (Cửu thiên ứng nguyên- ứng vào bậc nhất thấu chín tầng trời). Bên phải chữ "Cửu" tạo một núm khánh. Bên trái chữ "Nguyên" tạo một núm khánh. Hai núm hình tròn lồi như hình mặt trời. Phía trên núm khánh, bên trái khắc hình con bướm xòe cánh như đang bay. Giữa hai phần cổ khánh có khoảng trống nhỏ. Phần thứ hai rộng hơn, tạo khung bằng các đường chỉ, khắc chìm. Phần này có 4 chữ Hán nổi: "Bảo khánh Điều tự" (Khánh quý chùa Điều) được khắc nổi trong lòng hình lá đề biến thể trên nền của nửa tám bông hoa cúc mãn khai, trên dưới, trái, phải đối xứng. Giữa phần cổ là lỗ tròn tra cán treo khánh.

Khảo sát thực tế giá trị khánh đá chùa Điều.

Khảo sát thực tế giá trị khánh đá chùa Điều.

Hai bên tay khánh tạo khắc mỗi bên một con phượng múa, cùng chầu lên trên, hướng vào lá đề ở đỉnh khánh. Đôi phượng sải rộng cánh, cổ đầu, thân như ngỗng trời, chân dài bốn ngón, đuôi xòe rộng thướt tha mềm mại. Dưới chân phượng, bên phải có chữ "Xuân" (Mùa xuân), bên trái chữ "Thu" (Mùa thu) đều khắc trong lòng lá đề biến thể. Đuôi phượng phía trên trùm hai bên chữ "Xuân" bị mất. Dưới chữ "Hạ" bên trái tạo hình con rái cá trong khoảng nước, đầu, tai, đuôi đều to, bốn chân choãi ra, thân thon nhỏ uốn cong, đang vờn con cá chép cuộn khúc.

Lòng khánh đóng khung hình lục giác bằng đường chỉ chìm cách nhau. Lòng khung khắc chìm 46 chữ Hán. Số chữ mỗi hàng không đều nhau. Nội dung ghi lại chủ hưng công người tạo khung dựng khánh: Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân phù Nam vệ kiêm thầy thuốc Tri tế sinh đường, cẩm đường bá Trần Viết Nho, thụy là Phúc Điền, hiệu đạo là Huyền uy Đại Pháp, vợ là Trần Thị Nhấn hiệu Từ Thông cùng con cháu nội, ngoại và chức sắc quan viên xã Quắc Thị, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường tiến cúng công sức, tiền, gạo để tạo lập khánh... Đặc biệt dành riêng một phần ghi họ tên, đạo hiệu, học vị, chức sắc những người thân thích đã mất của chủ hưng công người tạo khánh. Phần cuối khắc ngày, tháng, năm, niên hiệu tạo khánh…

Đường diềm bao viền của khánh điểm xuyến là các mô típ hình hoa mai, cành tùng, đan xen các linh thú, hình chim cò trong tư thế khác nhau.

Mặt sau: Đỉnh khánh mặt này để trơn, không có trang trí. Giữa cổ khánh là lỗ tra cán treo. Phần này có hai hàng chữ Hán. Hàng trên khắc 6 chữ: "Lôi thanh phổ hóa thiên tôn" (như tiếng sấm trong trẻo báo hiệu, cảm hóa tới tận các bậc tôn kính ở trời). Hàng dưới khắc 10 chữ, mỗi chữ nằm trong một hình bát giác biến thể. Bên phải 5 chữ: "Niên niên tăng phú quý" (năm lại năm tăng thêm phú quý). Bên trái 5 chữ: "Nhật nhật thọ vinh hoa" (ngày nối ngày sống vinh hoa).

Tay khánh bên phải khắc chữ "Thu" (mùa thu), bên trái khắc chữ "Đông" (mùa đông), đều nằm trong lòng chiếc lá đề cách điệu. Hai bên lòng khánh, bên phải dưới chữ "Thu", bên trái dưới chữ "Đông" đều được tạo khắc đôi rồng, mắt lồi to, miệng mở rộng, chân con nọ như quắp lấy miệng con kia. Thân rồng được tạo bằng một đường cốt ở giữa, xung quanh là hai hàng chấm nhỏ. Đuôi rồng uốn ngược tạo thế rồng giáng. Chân rồng có bốn móng nhọn, mặt rồng bờm râu dữ tợn, hai bên đuôi tạo đao lớn nhỏ, cao thấp như phát lửa. Lòng khánh tạo khung chữ hình lục giác, như ở mặt trước. Mặt này khắc 36 dòng chữ Hán. Nội dung là một bài minh nêu rõ lý do, mục đích, ý nghĩa của việc tạo khánh, ca ngợi phật cảnh chùa, ghi nhớ tấm lòng công đức, nhắn nhủ niềm tin yêu hướng về đức Phật từ bi quảng đại, nỗi khát khao cho quê hương, đất nước cùng với Phật pháp mãi mãi trường tồn. Phần dưới ghi một số tín chủ tiến cúng và người soạn văn chữ khắc trên khánh.

Qua khảo sát nghiên cứu và căn cứ Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009, quy định về tiêu chí đối với bảo vật quốc gia thì khánh đá chùa Điều được đánh giá bảo vật đã hội tụ các giá trị cơ bản sau:

Hiện vật gốc, độc bản: Hiện cả nước đã phát hiện nhiều khánh đá từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn nhưng chưa có khánh đá nào trang trí độc đáo, đặc sắc như khánh đá chùa Điều. Qua đề tài, họa tiết trang trí cho thấy nghệ nhân xưa hoàn toàn dùng kỹ thuật thủ công để tạo tác phẩm và đạt tới vẻ đẹp hoàn hảo. Về niên đại, đây là khánh đá cổ nhất nhì trong số khánh đá được phát hiện ở Hà Nam và cả nước được khắc vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692) đời vua Lê Hy Tông. Vì vậy, khánh đá chùa Điều là một tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật mang tính đại diện cho thời Lê Trung hưng.

Hình thức độc đáo: Nội dung, mỹ thuật trang trí trên khánh hòa quyện tạo thành một thể thống nhất, đặc sắc như một bức tranh sinh động, kết hợp giữa văn tự và cảnh trí, giữa biểu tượng truyền thống với thẩm mỹ dân gian, vừa mang chức năng là một trong những môn đạo khí của Phật pháp, vừa mang chức năng của bia đá. Những biểu tượng trên khánh mang phong cách riêng, hết sức độc đáo, thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng dân gian sinh động, chưa có khánh đá nào trang trí đầy đủ, công phu như khánh đá chùa Điều.

Biểu tượng Phật giáo: chủ đạo là lá đề, gồm: lá đề tạo tác vòng tròn như hình mặt trời, có chấm to ở giữa, xung quanh là các đường cong cách quãng, tỏa ánh hào quang và lá đề cách điệu, lồng trong lòng các lá đề là 4 chữ: “Xuân, Hạ, Thu, Đông”.

Biểu tượng Nho giáo: Hình tượng rồng trên trán khánh tạo khắc đôi rồng trong tư thế giáng, đầu có mào, miệng ngậm ngọc, thân cuộn ba khúc, chân có ba ngón, hai bên đuôi các đao ngược như phát lửa xung quanh lá đề. Cặp rồng vừa biểu hiện cho uy quyền, đồng thời ẩn chứa những ước mơ, khát vọng của người xưa về nguồn nước, về mùa màng bội thu…

Biểu tượng Đạo giáo: Đó là hình tượng ba chấm tròn khắc nổi, tạo đường gân xoáy trôn ốc trong lòng lá đề trên cặp rồng chầu lá đề được bố cục hài hòa, cân xứng, trang nghiêm.

Đề tài tín ngưỡng dân gian xen lẫn cung đình: Hình ảnh đại diện là con rái cá trong khoảng nước, bốn chân choãi ra, thân thon nhỏ uốn cong, đang vờn một con cá chép cuộn khúc, hình ảnh chim cò đang hút mật hoa trong các tư thế sinh động. Bên cạnh đề tài dân gian còn có đề tài cung đình như cây tùng, cành mai.

Giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học: Khánh đá chùa Điều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tiêu biểu thời Lê Trung Hưng, mang tính đại diện cho giai đoạn mà nền điêu khắc cổ Việt Nam đạt đến đỉnh cao, để lại nhiều kiệt tác cho hậu thế. Đề tài trang trí khánh chùa Điều thể hiện sự dung hòa, hòa hợp tôn giáo thời Lê Trung hưng, minh chứng rõ nhất cho tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, đồng thời gửi gắm ước vọng của muôn dân về một đất nước thanh bình, thống nhất. Nội dung khánh là tư liệu quý cung cấp thông tin trên các phương diện: lịch sử, ký tự học, mỹ thuật học, giúp cho việc tìm hiểu lịch sử, tôn giáo, chữ viết, địa danh hành chính, tiền tệ, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân thời Lê Trung hưng. Bên cạnh đó, khánh đá không chỉ là pháp nhạc của nhà Phật mà còn là bảo vật giúp nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc các loại hình nhạc khí thờ tự bằng đá có niên đại tạo tác dưới thời Lê hiện còn tồn tại trên vùng đất cổ Hà Nam và cả nước.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ nêu trên khánh đá chùa Điều hội tụ đủ các điều kiện đề nghị Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đỗ Văn Hiến (Giám đốc Bảo tàng Hà Nam)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/khanh-da-chua-dieu-bao-vat-quy-cua-ha-nam-135905.html
Zalo