Khẳng định vai trò, tầm nhìn chiến lược, đột phá, sát thực tiễn trong công tác lãnh đạo
Trong lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Đảng bộ Quân khu 7 không ngừng lớn mạnh, phát triển toàn diện, lãnh đạo LLVT Quân khu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ với nhiều chủ trương, mô hình đổi mới, sáng tạo, sát thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Thành công của những chủ trương, mô hình ấy đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Ban Thường vụ, Đảng ủy Quân khu và cấp ủy đảng các cấp góp phần quan trọng xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tô thắm thêm truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết thắng” của LLVT Quân khu 7.
Ngày 10-12-1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ do Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức đã quyết định thành lập Quân khu 7. Trải qua chặng đường gần 80 năm, LLVT Quân khu đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vừa xây dựng, vừa chiến đấu giành, giữ chính quyền, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia; lập nên những chiến công lẫy lừng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Hòa bình, thống nhất, LLVT Quân khu 7 tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống anh hùng, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu trên cả 4 khu vực địa bàn: Biên giới; vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực biển, đảo; đồng thời chung sức xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống nhân dân, củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc.
Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, LLVT Quân khu luôn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu các chủ trương, biện pháp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để các địa phương trên địa bàn phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Chiến sĩ mới Trung đoàn Gia Định thực hiện kỹ thuật đánh thuốc nổ. Ảnh: DUY HIẾU
Những thành quả đó luôn có dấu ấn sâu sắc của Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, mô hình, đề án sáng tạo, mang tính chiến lược, phù hợp với đặc thù hoạt động, đặc điểm địa bàn, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Trong tình hình mới, xuất phát từ vị trí chiến lược ở địa bàn Đông Nam Bộ và cả nước, Quân khu 7 đã nghiên cứu, đề xuất ý tưởng và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhất trí, giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thí điểm nhiều chủ trương, mô hình mang tầm chiến lược, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, tương ứng với 4 khu vực địa bàn; điển hình như: Chủ trương “Xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực (DQTT) biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới”, được cụ thể hóa bằng Đề án 2454 ngày 16-10-2018.
Từ thực trạng khoảng cách giữa các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới khá xa nên việc tuần tra, kiểm soát gặp khó khăn. Trên cơ sở các chốt đã có từ trước, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất báo cáo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho phép; Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 và thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã trao đổi, thống nhất triển khai xây dựng chốt chiến đấu DQTT xen kẽ giữa các đồn, trạm biên phòng. Theo đó, trung bình mỗi xã biên giới có 1-2 chốt. Đến nay, Quân khu đã kiên cố hóa 63/65 chốt DQTT dọc tuyến biên giới trên địa bàn, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, phát triển KT-XH vùng biên.
Để phát huy hiệu quả và tăng cường sức mạnh cho các chốt DQTT biên giới, Đảng ủy Quân khu 7 tiếp tục đề ra chủ trương đưa dân lên định cư ở biên giới. Theo đó, từ năm 2019, Đề án 811 về “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng” đã được thực hiện tại 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tinh thần quyết liệt, nhanh chóng, được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương.
Gần 6 năm qua, Quân khu đã xây dựng, bàn giao 58 điểm với 722 căn nhà liền kề chốt DQTT biên giới và đồn, trạm biên phòng, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, bố trí dân đến định cư, từng bước ổn định cuộc sống; xây dựng, bàn giao 2 điểm trường mẫu giáo tại điểm dân cư biên giới; từ đó, từng bước hình thành các thôn, ấp dọc tuyến biên giới, thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo thành những “phên giậu”, “cột mốc lòng dân”, tăng cường tiềm lực bảo vệ vững chắc vành đai biên giới.
Cũng từ năm 2019, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 thống nhất chủ trương, triển khai mô hình “LLVT Quân khu tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo”. Xuất phát từ đặc điểm địa bàn Quân khu 7 có hơn 1,4 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, 15 tôn giáo được pháp luật công nhận với hơn 8.000 cơ sở thờ tự, hơn 10 triệu tín đồ (chiếm hơn 44% tổng dân số các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu). Năm 2024, Quân khu đã xây tặng đồng bào 511 căn nhà tình nghĩa quân dân, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... và 30 công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục-thể thao trong các cơ sở tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 xác định chủ trương “Xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện ngay từ cơ sở”, gồm 4 nội dung: Xây dựng chi bộ quân sự cấp xã; xây dựng trụ sở làm việc riêng của ban CHQS cấp xã đạt chuẩn; xây dựng hình ảnh đẹp dân quân tự vệ; thực hiện dân quân nắm hộ dân. Đến nay, 1.249 ban CHQS cấp xã đều có chi bộ quân sự; 100% ban CHQS được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc riêng.
Cùng với đó, Bộ tư lệnh Quân khu 7 cũng chỉ đạo tổ chức lực lượng DQTT cấp xã, cấp huyện; DQTT trong khu công nghiệp; tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng và đại đội DQTT luân phiên tập trung tại tỉnh, thành phố để huấn luyện nâng cao và sẵn sàng xử trí các tình huống.
Ở địa bàn biển, đảo có mô hình hải đội DQTT, được triển khai tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực đóng quân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân.
Từ thực tế địa bàn Quân khu có địa phương, đơn vị tiềm lực kinh tế mạnh, có địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn, để phát huy sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển, Thường vụ Đảng ủy Quân khu thống nhất chủ trương “Địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”.
Thực hiện chủ trương này, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ gần 120 tỷ đồng để kiên cố hóa các chốt DQTT, giúp đỡ các địa phương vùng biên giới, biển, đảo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng công trình phòng thủ, chăm lo đời sống nhân dân, tạo thế trận phòng thủ Quân khu liên hoàn vững chắc. Đến nay, trên địa bàn Quân khu 7, các chốt DQTT biên giới đã hoàn thiện và hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới.
Công tác xây dựng Đảng cũng ghi dấu ấn với các mô hình tiêu biểu, như: “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”, “Chi bộ 5 tốt, đảng viên 5 tốt”... Đây là 2 mô hình sáng tạo của Quân khu 7, nhằm phát huy vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, chức trách, nhiệm vụ của đảng viên, có sức lan tỏa lớn, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh. Nhiều quần chúng được dìu dắt tiến bộ, trưởng thành, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác đang được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn hoạt động của LLVT Quân khu 7...
Có thể khẳng định, những chủ trương, đề án, mô hình của Quân khu 7 đều xuất phát từ quá trình quán triệt, chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy chế lãnh đạo của Đảng, coi trọng nghiên cứu, đề xuất, cụ thể hóa quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ...
Các hoạt động của LLVT địa phương, dân quân tự vệ luôn gắn với hoạt động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân ở cơ sở. Quá trình triển khai chủ trương, mô hình đều được xác định trong nghị quyết của cấp ủy đảng; có đề án, kế hoạch của chỉ huy, hướng dẫn của cơ quan chức năng; làm tốt công tác kiểm tra, sơ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Có những mô hình mới, chưa có tiền lệ, nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã phát hiện và đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để được thí điểm, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh và nhân rộng.
Thành công của các chủ trương, mô hình, nhất là những mô hình thí điểm, đột phá, khẳng định vai trò tiên phong, tầm nhìn chiến lược, sáng tạo của Ban Thường vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 trong lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tá, TS NGUYỄN NHƯ TRÚC, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7