Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền

Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Trước những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử đó, các thế lực thù địch, phản động luôn điên cuồng chống phá nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng bằng luận điệu quen thuộc là đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, dẫn dắt dân tộc ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, dẫn dắt dân tộc ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

1. Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Ở Việt Nam, “Đảng ta” đã trở thành cụm từ thân thuộc, trân trọng đối với mọi người dân Việt Nam. Hòng phủ nhận sự thật đó, trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách hạ thấp uy tín hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những luận điệu thâm độc chúng thường xuyên sử dụng là: “Cần loại bỏ sự toàn trị của Đảng, cần thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên”, “một đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo là không hề có dân chủ”...

Về thực chất, với những luận điệu này, chúng mưu toan xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 25-10-2024, trên trang Facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân tiếp tục điệp khúc chống phá rằng: “Chỉ cần quất một phát cho Điều 4 Hiến pháp đi chỗ khác chơi là giải quyết mọi vấn đề của đất nước”…, hay “Mấu chốt của điểm nghẽn là Điều 4 Hiến pháp”. Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải nhận diện một cách chính xác, toàn diện để đấu tranh, vô hiệu hóa thủ đoạn chống phá thâm độc này của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội như Hiến pháp quy định.

2. Xem xét từ góc độ lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa đảng chính trị và dân chủ trong lịch sử, cũng như hiện nay cho thấy, không phải cứ đa đảng là dân chủ và một đảng là mất dân chủ. Dân chủ không đồng nghĩa với đa đảng và thực hiện đa đảng không đồng nghĩa với có dân chủ. Trên thực tế, theo thống kê, số lượng đảng phái chính trị ở các quốc gia rất khác nhau; một số nước có rất nhiều đảng chính trị, như Anh có 97 đảng, Tây Ban Nha có 87 đảng, Pháp có 76 đảng…, nhưng cũng có nhiều nước chỉ có một đảng chính trị, như Cuba, Lào, Việt Nam... Singapore có nhiều đảng, nhưng chỉ có Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có 8 đảng phái khác và các đảng phái này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Thực tiễn cũng cho thấy, dù nhiều quốc gia thực hiện đa đảng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quyền làm chủ của đa số nhân dân được bảo đảm.

Ở Việt Nam, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử và thể hiện ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, vừa tuân theo quy luật lịch sử chung, vừa tuân theo quy luật lịch sử đặc thù của Việt Nam, đã giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mở ra một thời đại mới trong lịch sử xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, mọi luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động xét cho cùng đều không thể phủ nhận được lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng đến nay. Bởi, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thắng lợi vang dội của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, giải phóng và thống nhất đất nước, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đều thuộc về nhân dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những thành tựu đó là bằng chứng thuyết phục để khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước; đồng thời cũng làm cho nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận để Đảng trở thành lực lượng xã hội duy nhất lãnh đạo toàn xã hội. Do đó, cố tình phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới để xuyên tạc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lãnh đạo, chỉ khiến đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, kém phát triển. Những kẻ lấy danh nghĩa là “con dân đất Việt”, lấy hình thức viết “tâm thư”, “thư ngỏ” để kêu gọi phải từ bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cố tình chống phá Đảng, chống phá chế độ ta, cản trở sự phát triển của đất nước.

3. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Phân tích kỹ, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 về vai trò lãnh đạo của Đảng so với Hiến pháp năm 1992 có điểm mới, là khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, mà còn là đội tiên phong “của dân tộc Việt Nam”. Về trách nhiệm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung vào Điều 4 nội dung sau: “Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng Hiến pháp năm 2013 “đặt Đảng lên trên Nhà nước” là sự xuyên tạc thô thiển. Chính một số ít những kẻ đang tự cho mình quyền bình luận, xuyên tạc Hiến pháp năm 2013 nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ sự đồng thuận xã hội, xóa bỏ chế độ xã hội ta mới là những kẻ đang đứng trên Hiến pháp, đứng trên xã hội.

Với thực tiễn đó, Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 và việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Các thế lực thù địch, đặc biệt là tổ chức phản động Việt Tân, dù cố tình “nhắm mắt giả mù”, “bịt tai giả điếc”, rắp tâm thực hiện âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp sẽ không bao giờ thực hiện được. Vì bất luận trong hoàn cảnh nào, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là không thể thiếu được, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 95 năm qua và đã được xác nhận trang trọng trong Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm tới, dự báo tình hình quốc tế, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế bên cạnh thuận lợi là cơ bản sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nếu mỗi chúng ta luôn hiểu và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ góp phần củng cố, gia tăng sức mạnh cho Đảng, để Đảng ta tiếp tục là người lãnh đạo, dẫn dắt cả dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời qua đó bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thanh Nhật

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khang-dinh-vai-tro-dang-cam-quyen-683593.html
Zalo