Khẳng định vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới
Từ ngày 16 đến 17-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn Việt Nam đã có chuyến công tác tại Italy tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, theo lời mời của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Antonio Tajani.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tham dự, cho thấy sự đánh giá cao của Italy và các nước G7 đối với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã chia sẻ với báo chí về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến công tác.
Phóng viên (PV): Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tới Italy?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, song còn bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Đây là hội nghị định kỳ với sự tham dự của 7 nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển cùng một số nước khách mời và tổ chức quốc tế, trong đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN.
Chủ đề “Tác động của địa chính trị đối với dòng chảy thương mại và sức chống chịu của chuỗi cung ứng” của hội nghị phản ánh quan tâm, nhu cầu, đồng thời gợi mở thảo luận và định hướng hành động của các nước tham dự về một chủ đề quan trọng, thiết thực là đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và bền vững, góp phần vào đà hồi phục và phát triển kinh tế thế giới.
Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã không chỉ đảm bảo được sự ổn định trước các thách thức lớn của tình hình thế giới mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao vượt mong đợi. Việc Italy, nước Chủ tịch G7, mời Việt Nam tham dự hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, có đóng góp quan trọng vào đảm bảo chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, tiếng nói của Việt Nam tại hội nghị chia sẻ các chủ trương lớn về đối ngoại, về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; quan điểm đề cao hợp tác đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu; kêu gọi hạn chế rào cản thương mại và các biện pháp phi thuế quan không cần thiết làm gián đoạn chuỗi cung ứng; xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, linh hoạt và bền vững… chính là sự chia sẻ tầm nhìn, cách tiếp cận, bài học kinh nghiệm của Việt Nam, được củng cố bởi các thành tựu thực tiễn, là những giá trị gia tăng quan trọng mà Việt Nam mang đến, góp phần vào thành công của hội nghị.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc gặp với các đối tác như Canada, New Zealand, Brazil, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… trao đổi xử lý các vấn đề, thách thức trong thương mại toàn cầu và thúc đẩy hợp tác song phương. Trong đó, đặc biệt là cuộc gặp quan trọng và hiệu quả với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Antonio Tajani. Hai bên đã trao đổi thực chất nhiều vấn đề và đề ra các định hướng quan trọng về các lĩnh vực hợp tác như năng lượng mới, khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của hai nước…
PV: Việc nước chủ nhà Italy mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng không chỉ là lời mời xã giao mà đây là sự ghi nhận của các nước G7 đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò hợp tác phát triển của Việt Nam đối với G7 nói chung và Italy nói riêng?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phía Italy đã nhấn mạnh việc mời Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao, thể hiện định hướng của nước Chủ tịch không muốn G7 chỉ là cuộc họp của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, mà cần phải mở rộng đối thoại và hợp tác như cách mà Việt Nam đã làm thời gian qua.
Đây là một nhận xét sâu sắc và có ý nghĩa, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa mà Việt Nam đã triển khai hiệu quả thời gian qua, được cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước G7, thừa nhận, đánh giá cao và mong muốn nhân rộng.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam là 1 trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, thuộc tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, tốp 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và tốp 46 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước, trong đó có các nước G7. Với Italy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, tốc độ tăng trưởng thương mại tích cực, trung bình ở mức trên dưới 2 con số mỗi năm.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!