Khẳng định tính trung thực về chi phí đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Sáng 1/11, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều ý kiến đề cập đến kinh phí đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Sách giáo khoa làm "nóng" nghị trường Quốc hội

Tại phiên thảo luận sáng ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Chúng ta tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Bây giờ đề xuất Bộ Giáo dục xây dựng bộ sách giáo khoa nữa liệu có giải quyết được những vấn đề hiện nay đang đặt ra hay không?

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Vấn đề giá chẳng hạn, nếu có vấn đề giá, chúng ta khắc phục vấn đề giá, chúng ta có thể trợ cấp, chúng ta có thể nghĩ ra một hình thức huy động để cho mượn sách giáo khoa ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách đẻ ra một bộ sách giáo khoa của Nhà nước làm mà giải quyết được vấn đề. Nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?

Còn đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sáng - Đoàn Quảng Ngãi thì cho rằng: Về lĩnh vực giáo dục, ghi nhận việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 Quốc hội khóa XIV đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế.

Mạng lưới trường, lớp, điều kiện, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, tôi đề nghị xem xét tăng chi cho sự nghiệp giáo dục, ưu tiên việc đảm bảo nhu cầu kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục của các địa phương trong tổng dự toán chi cân đối được giao.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến- Đoàn Vĩnh Phúc cho hay: Tôi đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 1 bộ sách giáo khoa như đề xuất của Đoàn giám sát, bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, từ chủ trương Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa. Nghị quyết 88 cho phép xã hội hóa các tổ chức được tham gia biên soạn. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục không nên biên soạn, thậm chí không được làm, như vậy có đúng quan điểm Nhà nước phải chăm lo cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu không? Có đúng với nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xã hội hóa giáo dục không? Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất nên nền giáo dục Việt Nam cũng phải được thống nhất ở các bậc học. Từ những lý do trên, tôi đề nghị Bộ Giáo dục nên ban hành 1 bộ sách giáo khoa chung.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ không đồng tình với việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục biên soạn sách giáo khoa. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ không đồng tình với việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục biên soạn sách giáo khoa. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Trước đó, trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh- Đoàn tỉnh Cà Mau chỉ rõ: Báo cáo giám sát có nêu số liệu trong giai đoạn 2015 - 2022, Chính phủ đã bố trí 213.449 tỉ đồng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 38,3%, chi đầu tư chiếm 61,7%.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu cho biết mức chi trên vượt bao nhiêu so với mức chi bình thường cho giáo dục phổ thông theo quy định? Mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Theo đại biểu, nếu không rành mạch, rõ ràng, con số này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách nhà nước và kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Khẳng định về chi phí đổi mới sách giáo khoa

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Đoàn tỉnh Sơn La cho biết: Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến về tính xác thực của kinh phí chi cho thực hiện nhiệm vụ đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2014-2022 và đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề cập đến trong phiên cuối giờ sáng ngày 1/11.

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ khẳng định: Với trách nhiệm của cơ quan thường trực của Đoàn giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin được khẳng định số liệu được thể hiện trong báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát số 638 ngày 4/10/2023, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại Phiên họp số 25 và thể hiện trong Nghị quyết số 686 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổng hợp từ Báo cáo số 36 ngày 14/2/2023 của Chính phủ, thể hiện tại Phụ lục 4 của báo cáo của Chính phủ. Các số liệu này cũng đã được thống nhất giữa Đoàn giám sát tại các phiên làm việc với các bộ, ngành và phiên làm việc với Chính phủ và không có ý kiến gì khác.

Cụ thể, tổng số chi ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 là 213.449,72 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 13.236,26 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 152.739,34 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 41.053,89 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa là 6.420,22 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ xác nhận và khẳng định tính trung thực và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước việc tổng hợp số liệu báo cáo của Chính phủ để các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo được biết.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khang-dinh-tinh-trung-thuc-ve-chi-phi-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-282755.html
Zalo