Khẳng định bản lĩnh của một doanh nghiệp ở miền biên viễn

Nói đến Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên), mọi người thường nhắc đến một doanh nghiệp gạo cội trong ngành Chè Việt Nam nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Thế nhưng, sau gần 7 thập kỷ cây chè 'rút ruột nhả tơ', nhiều nương chè đã cỗi, công ty tiếp tục chuyển đổi sang một số cây trồng khác khả quan hơn. Đây là hướng đi mới, thể hiện tư duy năng động của Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Công ty, khẳng định bản lĩnh trên thương trường, trở thành 'cánh chim đầu đàn' trong đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp ở miền biên viễn Lai Châu.

Cây “xương sống” trong trụ cột phát triển
Gác lại những công việc bộn bề ngày cuối năm, ông Vũ Hoàng Mạnh - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Trà Than Uyên trò chuyện với chúng tôi bằng niềm tự hào về thành quả sau một năm miệt mài trên nương chè, nương dứa. Ông chia sẻ: Đổi mới là sự xoay chuyển tất yếu của công ty trong thời đại có nhiều thay đổi như hiện nay. Tất nhiên, chè vẫn là cây “xương sống”, là trụ cột đắc lực để thương hiệu chè Tân Uyên được gìn giữ và lan tỏa đi muôn phương, còn lại cây trồng khác đang là những “trợ thủ” đắc lực cho sản phẩm chè của công ty. Bây giờ, ngoài chè, công ty còn có cả sản phẩm dứa, nông nghiệp sạch và sắp tới có thêm mít, bơ, xoài đưa ra thị trường.
Năm nay nhờ sự định hướng thay đổi tư duy từ sản xuất theo số lượng sang chất lượng và điều chỉnh lứa hái của Ban Giám đốc Công ty, hầu hết các hộ nhận khoán chè được “lãi” thêm một lứa hái. Có khoảng 70% diện tích được hái lứa thứ 7 (những năm trước chỉ 6 lứa). Là bởi, những năm trước kéo dài 45-47 ngày/lứa hái, năm nay công ty điều chỉnh thời gian còn 38-40 ngày/lứa. Kéo dài lứa hái đồng nghĩa với chè để dài, chất lượng kém mà số lứa hái lại giảm, bởi vậy chủ trương này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả hộ nhận khoán lẫn công ty. Công ty cũng luôn động viên, khuyến khích người trồng chè đầu tư thâm canh, chăm sóc để có năng suất cao nhất. Vì thế, sản lượng chè tươi năm nay của công ty đạt 6.000 tấn, bằng 107% kế hoạch, cao hơn so với năm trước 269 tấn; chè khô đạt 1.420 tấn.

Diện tích mắc-ca trồng xen chè của công ty bắt đầu được thu hoạch đại trà.

Diện tích mắc-ca trồng xen chè của công ty bắt đầu được thu hoạch đại trà.

Về quá trình tiêu thụ, sau đợt dịch Covid-19 đi vào lịch sử khiến hàng nghìn tấn chè bị đình trệ không thể xuất ra thị trường nước ngoài trong những ngày giáp tết, với phương châm “Lấy chất lượng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh, sự an toàn của người tiêu dùng là thước đo giá trị”, công ty đã sớm thăng bằng lại và tiếp tục kết nối sâu với những bạn hàng quốc tế. Dù là khách hàng mới song thị trường tiêu thụ chính vẫn tại các nước: Đài Loan, Trung Quốc, Paskistan, Ấn Độ… Với nội chất dồi dào từ giống chè thuần chủng Shan tuyết, các bạn hàng ở nước ngoài luôn xem Công ty Cổ phần Trà Than Uyên là đối tác bền vững, lâu dài, cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ cho chế biến sâu các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nước sở tại. Thêm vào đó, Ban Giám đốc Công ty phân công một đồng chí Phó Giám đốc phụ trách marketing, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ bạn hàng xây dựng thương hiệu sản phẩm ở các nước đang nhập khẩu chè của công ty. Điều này càng thể hiện tính chuyên nghiệp của công ty trong chiến lược kinh doanh, mang lại sự tin cậy cho khách hàng. Không ngừng nâng cấp, đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại, tinh gọn, các sản phẩm chè của công ty đều được tinh chế thành các sản phẩm sử dụng ngay. Trong đó có một sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao duy nhất ở huyện Tân Uyên đến thời điểm hiện tại.

Nông dân thu hoạch lứa dứa đầu tiên mang về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với diện tích chè trước đó.

Nông dân thu hoạch lứa dứa đầu tiên mang về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với diện tích chè trước đó.

Cây chiến lược trong tương laiNhững năm trước, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên sở hữu gần 400ha chè nguyên liệu, có một phần diện tích chè đã cỗi do tuổi đời khai thác đã lâu, có nương lên tới 6 thập kỷ. Nhiều diện tích công ty phải bù lỗ do mật độ chè thưa, cỏ mọc nhiều, trâu phá hoại nên năng suất quá thấp, hiệu quả kém. Cái bắt tay giữa Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quang Hà (tỉnh Điện Biên) với Công ty Cổ phần Trà Than Uyên vào năm 2023 đã mở ra cánh cửa tương lai cho những cánh đồng dứa xanh bạt ngàn để năm 2024, công ty đón những lứa quả đầu tiên. Làm rõ sự hiện diện của giống dứa Queen đang đưa vào thay thế diện tích chè cỗi, ông Vũ Hoàng Mạnh cho hay: Công ty có 28ha dứa Queen trồng thuần và khoảng 4ha dứa trồng xen chè, trong đó toàn bộ diện tích lứa trồng đầu tiên đã cho thu hoạch, sản lượng dứa đạt 800 tấn, vượt dự kiến ban đầu. Doanh thu bước đầu từ trồng dứa khoảng 5,6 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với diện tích chè trước đó. Điều thuận lợi nhất cho cây dứa đó là tiêu thụ rất dễ dàng, thị trường phong phú, giá cả đảm bảo, thời điểm cao nhất, dứa có giá lên tới 8,5 nghìn đồng/kg. Chất lượng dứa tốt, có vị ngọt hơn so với các vùng dứa truyền thống khác.

Đoàn công tác của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên.

Đoàn công tác của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên.

Hiệu quả là vậy song vẫn chưa phải là tối đa do lần đầu trồng dứa, công ty chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên quả chưa to và điều tiết quá trình sinh trưởng của dứa có thời điểm chưa được như ý muốn… Những điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong những mùa dứa tới. Trong tương lai, công ty xem xét mở rộng trồng thuần khoảng 7ha và trồng dứa xen mít trên diện tích 20ha, tiến tới liên kết xây dựng nhà máy chế biến hoa quả từ dứa, mít. Tuy nhiên để làm được việc này, công ty rất cần sự hợp tác, liên kết từ phía người dân, đồng thời tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng dứa, cụ thể là hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón để từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung và cũng giúp huyện đảm bảo chỉ tiêu về trồng cây ăn quả.
Song song với sản xuất quy mô lớn 2 sản phẩm trên, công ty cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch gần 40ha các loại quả: mít ruột đỏ indo, xoài Đài Loan, hồng xiêm, bơ booth, bơ 34, mắc-ca trồng xen chè và dưa Ichiba (Nhật Bản) trong 3.000m2 nhà màng.
Năm 2024, tổng doanh thu của công ty đạt 104,356 tỷ đồng, vượt 17 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra. Đây là minh chứng rõ nét và sinh động cho quá trình đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Với định hướng chiến lược rõ ràng, quyết đoán, không ngừng sáng tạo, hướng về phía trước, chắc chắn trong tương lai, công ty không chỉ thành công vượt bậc mà đời sống công nhân, người lao động trên địa bàn huyện cũng được cải thiện, giúp sức đắc lực giải quyết việc làm, thu nhập, đảm bảo an sinh.

Thu Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-b%E1%BA%A3n-l%C4%A9nh-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-doanh-nghi%E1%BB%87p-%E1%BB%9F-mi%E1%BB%81n-bi%C3%AAn-vi%E1%BB%85n
Zalo