Khẩn trương xử lý vấn đề rác thải
Tiến độ khắc phục bãi rác đang quá tải; tình hình xây dựng, vận hành một số nhà máy xử lý rác thải; hoạt động xử lý rác, ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại khu dân cư… là nội dung được đưa ra chất vấn liên tục tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhiều năm nay. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 20 (giữa năm 2024) HĐND tỉnh lại tiếp tục chọn nội dung này để yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) trả lời.
Giao trách nhiệm xử lý bãi rác quá tải
Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 3 bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng (phường Long Phú - TX. Tân Châu; thị trấn Chợ Mới - huyện Chợ Mới; thị trấn Núi Sập - huyện Thoại Sơn); 7 bãi rác đang hoạt động; 22 bãi rác đã ngưng hoạt động. Để xử lý gần 30 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường, năm 2021, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh các dự án xử lý triệt để. Cụ thể, đóng cửa, xử lý ô nhiễm tại 25 bãi rác thải sinh hoạt; đầu tư xây dựng công trình đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường tại 2 bãi rác ở huyện Chợ Mới, Thoại Sơn (tất cả đều do Sở TN&MT làm chủ đầu tư). UBND huyện Châu Thành và TX. Tân Châu làm chủ đầu tư dự án đóng cửa, xử lý bãi rác trên địa bàn phụ trách.
Quá trình triển khai, vướng phải một số yếu tố khách quan: Không thống nhất đơn giá của đơn vị trúng thầu (TX. Tân Châu); công nghệ xử lý cần phải xin ý kiến Bộ TN&MT; một số địa phương lần đầu làm chủ đầu tư nên gặp không ít khó khăn, lúng túng… dẫn đến các dự án này chậm tiến độ. UBND tỉnh thống nhất theo đề xuất của Sở TN&MT, giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư đối với 9 bãi rác (thuộc huyện Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú, TX. Tân Châu). Chủ đầu tư mới đang hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đóng cửa, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 9 bãi rác này, theo Công văn 1475/SKHĐT-KHN, ngày 7/6/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình thẩm định lần 2.
Cùng với đó, UBND huyện Châu Thành làm chủ đầu tư bãi rác tại xã Bình Hòa (bãi cũ); dự kiến trong năm 2026 triển khai thi công, hoàn thành vào năm 2027. Gần 20 bãi còn lại, giao cho địa phương quản lý; Sở TN&MT có hướng dẫn xử lý tạm thời.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác
Hiện nay, Nhà máy xử lý rác thải huyện Thoại Sơn (công suất 50 tấn/ngày) đang vận hành ổn định, xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang vận hành từ năm 2019. Mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận xử lý khoảng 55 tấn rác. Nhà máy xử lý chất thải rắn Chợ Mới (công suất 100 tấn/ngày) được triển khai giai đoạn 2017 - 2023. Sau khi lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền thiết bị, nhà máy đang trong quá trình vận hành thử nghiệm 90 ngày. Ngày 6/6/2024, tập kết rác vào nhà máy để tiến hành tách lọc thủ công. Từ ngày 14/6 đến 19/6, đốt rác kiểm tra công suất thực tế của lò đốt. Sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm, sẽ tiến hành làm thủ tục để hoàn thiện cấp giấy phép môi trường và chính thức hoạt động.
Nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên tại Khu liên hợp xử lý rác thải xã Bình Hòa (huyện Châu Thành) để xử lý rác huyện Châu Thành, Châu Phú, TP. Long Xuyên, quy mô 300 tấn/ngày. Ngày 29/5/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngày 21/6/2024, nhiều hạng mục được khởi công: Dọn dẹp mặt bằng, xây dựng lán trại, văn phòng ban chỉ huy công trình, nhà điều hành. Dự kiến, tháng 8/2026 đưa nhà máy vào vận hành.
Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên có công suất 1.000 tấn/ngày. Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phú Thạnh (huyện Phú Tân) có công suất 200 tấn/ngày. Cả 2 đều được UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, làm chủ đầu tư dự án đầu tư mới hạ tầng kỹ thuật.
“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhà máy xử lý rác, xử lý rác tạm thời trong thời gian chờ nhà máy đi vào hoạt động, Sở TN&MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nhiều văn bản. UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; báo cáo giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh tháng 5/2024. Ngoài ra, ngày 20/6/2024, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp sở, ngành, UBND cấp huyện liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo đề xuất các giải pháp tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo thực hiện” - Giám đốc Sở TN&MT Thái Minh Hiển cho biết.
Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.220 tấn/ngày, được thu gom khoảng 931 tấn/ngày (đạt trên 76%). Từ đó, vận chuyển về 6 cụm xử lý bằng hình thức chôn lấp (khoảng 880 tấn): Khu xử lý Bình Hòa (huyện Châu Thành); kênh 10 (TP. Châu Đốc); Phú Thạnh (huyện Phú Tân); An Cư (TX. Tịnh Biên); An Tức (huyện Tri Tôn); 5 bãi rác trên địa bàn huyện Chợ Mới. Cả 6 cụm xử lý đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, cần thiết đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt. Lượng rác còn lại (khoảng 52,5 tấn/ngày) được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác huyện Thoại Sơn.