Khẩn trương ứng phó bão số 2
Ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1021/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với bão và mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN), các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó.
Các địa phương phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.
Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ủy ban quốc gia UPSCTT&TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, nhất là các khu vực dự báo mưa lớn, nguy cơ ngập sâu chia cắt để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông... (QUỐC BẢO)
Bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoàn lưu của bão số 2 nên ngày 1 và 2-8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt. Từ 1 đến 5-8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Từ 1 đến đêm 2-8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Nhiều nơi vùng biển động mạnh. (HOÀNG XUÂN)
Khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó: Sáng 1-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó bão. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành phải khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân và của Nhà nước. Đối với các hồ đập kiểm tra, rà soát nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Tây Bắc vừa hứng chịu các đợt động đất và dư chấn vừa qua. Các địa phương cần có phương án vừa phòng, chống bão, mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, vừa đồng thời phải đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19. (PHÚC THÁI)
Bão sẽ có cường độ và đường đi khó lường: Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay ngoài cơn bão số 2 đang hướng về nước ta thì ở khu vực phía Đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nữa, chính sự tồn tại của ATNĐ đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2. ATNĐ phía ngoài Philippines sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão ở gần Việt Nam. Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới, cơn bão gần Việt Nam sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực, do đó nó sẽ di chuyển lúc nhanh, lúc chậm, và có khả năng thay đổi cường độ do đang tồn tại trên vùng biển nóng, khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của nó sẽ còn rất khó lường. (LÊ HẠNH)