Khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới, khắc phục hậu quả mưa lũ
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, ngày 12-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp để chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 13-10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 7h ngày 14-10, tâm bão nằm trên vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11...
Về diễn biến mưa, dự báo từ nay đến ngày 13-10, các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khoảng 200-400mm, có nơi cao hơn 500mm; các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng 100-200mm; các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 80-150mm...
Trong khi đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, các tỉnh, thành phố miền Trung vẫn còn 176 xã, phường, với khoảng 94.277 hộ bị ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, có nơi ngập sâu đến 3m. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình còn 32 xã, tỉnh Quảng Trị 80 xã, tỉnh Quảng Nam 16 xã, tỉnh Thừa Thiên - Huế 54 xã, phường và thành phố Đà Nẵng còn 10 xã, phường còn úng ngập...
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các đơn vị quân đội đã điều động 9.607 cán bộ, chiến sĩ, 267 ô tô, tàu, xuồng hỗ trợ các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng sơ tán 15.392 hộ dân với 45.835 người sinh sống ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở an toàn...
Về tình hình thiệt hại, tính đến sáng nay (12-10), mưa, lũ, bão xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên đã làm 18 người chết (trong đó 15 người chết do lũ cuốn, 3 thuyền viên chết trên biển); 14 người mất tích (10 người do lũ cuốn, 4 thuyền viên trên biển).
Ngoài thiệt hại về người, mưa, lũ, bão còn làm 382 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 ngôi nhà và 70 điểm trường học bị ngập, 108 điểm trên các tuyến quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 584ha lúa và 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 271 gia súc, 150.489 gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Trước tình hình trên, các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 4.000 tấn gạo, 10.000 thùng mì tôm, 2 tấn lương khô, 110 tấn giống ngô, rau các loại và các loại thuốc, hóa chất... phục vụ công tác cứu trợ, khôi phục, khắc phục hậu quả thiên tai...
Kết luận cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và hậu quả thiên tai những ngày vừa qua; trong đó, các địa phương ven biển tập trung thông tin, hướng dẫn, kiểm đếm, bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền hoạt động trên biển và nơi neo đậu; rà soát và triển khai phương án sơ tán người dân sinh sống trên các chòi canh, lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn; chủ động ban hành lệnh cấm biển...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại...
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổng hợp nhu cầu của các địa phương về lương thực, nước sạch, y tế, đề xuất cơ quan thẩm quyền quyết định hỗ trợ; đồng thời, cử các cán bộ, đoàn công tác đến các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão...