Khẩn trương trung chuyển hành khách, khắc phục sự cố hầm Chí Thạnh
Những ngày này, lượng khách đi tàu Bắc - Nam tăng cao, ngành Đường sắt nỗ lực trung chuyển hành khách đi qua khu vực sạt lở tại tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, tại công trường hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhiều máy móc cùng người lao động đang miệt mài làm việc để khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt.
Từ ngày 21/5, hầm đường sắt Chí Thạnh ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị sạt lở, tất cả các chuyến tàu khách qua khu vực này đều phải trung chuyển bằng ô tô. Cụ thể, từ phía Bắc vào, các tàu dừng lại tại ga La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, tất cả hành khách xuống tàu lên ô tô để vào ga Tuy Hòa, sau đó lên tàu tiếp tục hành trình. Ở phía Nam ra cũng trung chuyển tương tự. Chỉ 1 tháng qua, đoạn đường sắt qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bị ách tắc dài ngày do sạt lở hầm đường sắt, buộc phải trung chuyển bằng ô tô.
Bà Nguyễn Thị Hiền, 81 tuổi, đi tàu từ thành phố Nha Trang về thành phố Huế lo lắng: "Tôi đâu ngờ, đâu có biết tăng bo. Có xe chở ra La Hai lần nữa mình mới được tiếp tục lên tàu. Đi xe mình già rồi nó khổ. Mua vé giường nằm cứ tưởng lên nằm rồi đi thẳng Huế thôi chứ, nếu khi mua vé các cô nói rõ tàu tăng bo, như vậy thì tôi đi 2 tay không, không mua gì hết. Xách áo, quần rồi 3-4 thùng xoài, khổ dễ sợ".
Hiện nay, học sinh đang nghỉ hè, nhiều đường bay bị cắt bỏ nên lượng người đi tàu rất đông. Nhiều người vẫn lựa chọn tàu hỏa cho việc đi lại. Các đoàn tàu cơ bản kín chỗ, đặc biệt những chặng đường ngắn. Đội ngũ nhân viên phục vụ trên các đoàn tàu nhiệt tình hỗ trợ hành khách trung chuyển.
Anh Lê Xuân Bắc, nhân viên Tàu SE12 chia sẻ: "Khi sự cố xảy ra, vì việc chung của ngành nên mình phải chịu khó thôi. Sài Gòn ra đến Tuy Hòa, giờ qua đây, tý chờ tàu lại quay vào. Ở Hà Nội vào đến La Hai quay lại. Trợ giúp hành khách đầy đủ cả, có xe đẩy vào trợ giúp các hành khách có hành lý nặng vào mình vận chuyển cho họ. Người già, trẻ em mình giúp hết".
Hiện nay, mỗi ngày 12 đoàn tàu chạy tuyến Bắc - Nam, bình quân mỗi tàu vận chuyển từ 300-350 hành khách. Kinh nghiệm trung chuyển khắc phục sự cố hầm Bãi Gió vào giữa tháng 4 vừa qua đã giúp các đơn vị tổ chức trung chuyển lần này nhịp nhàng hơn. Mỗi ngày, các đơn vị trung chuyển gần 4.000 hành khách. Số ghế, số giường của khách trên các toa tàu được bố trí tương ứng trên các xe khách giường nằm để trung chuyển giữa 2 ga La Hai và Tuy Hòa với cự ly hơn 50km. Đây là 2 nhà ga có phòng chờ nhỏ, hẹp, nên hành khách được đề nghị ở lại trên các toa tàu, sau đó tuần tự lên các xe khách.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam cho biết: "Mình làm sao để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hành khách không phải xuống dưới ga để chờ đợi. Vì ở dưới ga môi trường không có máy lạnh, không có điều kiện sinh hoạt cá nhân. Đã có phối hợp nhịp nhàng giữa nhà tàu và nhà xe rồi, điều phối xe tốt. Bố trí tất cả xe giường nằm nên khách đi trên tàu mệt thì họ lên xe nằm trong 1 tiếng nhưng được ngả lưng và nghỉ ngơi".
Những ngày này, tại hầm đường sắt Chí Thạnh, công nhân chia 3 ca làm việc liên tục, phun bê tông để gia cố hầm từ 2 cửa Bắc - Nam dồn về điểm sạt lở. Ngoài lực lượng của ngành Đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị, trong đó có máy khoan, máy phun và 40 công nhân tham gia khắc phục sự cố. Công nhân được chia thành nhiều nhóm thay nhau làm việc vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo sức khỏe. Các đơn vị đang nỗ lực, tập trung khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình khắc phục, đất đá vẫn tiếp tục sạt lở. Các đơn vị thi công dự kiến hoàn thành khắc phục hầm Chí Thạnh vào ngày 26/5 nhưng đến sáng 26/5 khoảng 260m3 đất đá tiếp tục sạt xuống làm cho thời gian khắc phục sự cố bị kéo dài.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: "Đầu tiên phải gia cố địa tầng phía sau vỏ hầm, phía trên hố sụt, sau đấy tiến hành phun vữa cố kết thành vỏ hầm, các vì khung chống 2 bên. Lấn dần 2 bờ Bắc và bờ Nam vào, sau đấy dùng bê tông cường độ cao mới đào được phần đất ở bên trong".