Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn

Để chủ động phòng, chống hạn mùa khô 2025, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó.

Người dân lo lắng nếu nắng nóng kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất sẽ thiếu hụt mạnh

Người dân lo lắng nếu nắng nóng kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất sẽ thiếu hụt mạnh

NGUỒN NƯỚC SỤT GIẢM

Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân huyện Di Linh, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đam Rông,... đã tất bật ra vườn tưới cho các loại cây trồng để bảo đảm đủ nước cho cây ra hoa, đậu quả tốt. Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) hiện có gần 3 ha cà phê trồng xen 3 sào dâu, niên vụ vừa qua thu hoạch được khoảng 12 tấn cà phê nhân. Việc trồng, chăm sóc cây cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước nên ngay sau Tết, gia đình ông đã bắt đầu tưới nước cho vườn cà phê để hoa nở đều, quả đậu nhiều. Gia đình cũng đã đào ao chứa nước để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô nhưng tới thời điểm hiện tại, mực nước ao đã rút bớt khoảng 40% do nhiều tháng nay chưa có trận mưa nào lớn.

Tương tự, nhiều hộ dân khác tại xã Ninh Gia, Phú Hội,... đang lo lắng, khoảng 1 tháng nữa nếu nắng nóng kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất sẽ thiếu hụt cục bộ.

Theo UBND huyện Đức Trọng, diện tích gieo trồng cây hàng năm trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa huyện là 11.382 ha; diện tích cây trồng dài ngày là 21.036 ha. Dự kiến mùa khô năm 2025, Đức Trọng có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích khoảng 1.249 ha đất sản xuất tại các khu vực xa nguồn nước thuộc địa bàn các xã vùng Loan và các xã Ninh Gia, Phú Hội,... Do đó, từ cuối năm 2024, Đức Trọng đã sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, đảm bảo đủ nước cung cấp cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, góp phần ổn định sản xuất.

Trong khi đó, tại địa bàn huyện Đam Rông, người nuôi cá nước lạnh đã phải giảm 50% công suất nuôi do lượng nước suối đã giảm nghiêm trọng. Ông Nông Mạnh Cường, một trong những hộ nuôi cá tầm diện tích lớn ở xã Rô Men thông tin, mùa khô trên địa bàn tỉnh thường bắt đầu vào tháng 12 và kéo dài đến khoảng hết tháng 4 năm sau. Như một số năm gần đây, tới thời điểm này, người nuôi cá tầm đã bắt đầu thiếu hụt nước lớn .“Gia đình tôi có 18 bể nuôi cá tầm nhưng hiện tại đã phải giảm 50% công suất nuôi do thiếu hụt nước”, ông Cường nói.

Thống kê tại xã Rô Men có khoảng 61 hộ, công ty, hợp tác xã nuôi cá tầm với tổng 7 ha mặt nước. Hiện nay, do nguồn nước sụt giảm nên huyện Đam Rông đang khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích nuôi, giảm sản lượng cá thương phẩm hoặc chuyển trang trại qua nuôi các loại thủy sản khác để đảm bảo an toàn.

Còn tại huyện Di Linh, dự báo nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích khoảng 2.500 ha đất sản xuất thuộc địa bàn các xã: Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng, Tam Bố, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Tân Nghĩa. Bên cạnh đó, theo nhận định của địa phương, nếu vào cao điểm mùa khô, mực nước các sông, suối xuống thấp thì các công trình cấp nước sinh hoạt sẽ có nguy cơ thiếu nước cục bộ cho một số hộ dân.

Tại huyện Đạ Huoai, người dân cho biết, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, khả năng nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ lên tới hàng trăm ha. Thống kê từ địa phương, tình trạng thiếu nước tưới năm 2025 khoảng 685 ha đối với các khu vực xa công trình thủy lợi và diện tích khoảng 2.471 ha đối với các khu vực ngoài công trình thủy lợi thuộc địa bàn các xã Quảng Ngãi, Nam Ninh, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Đạ Pal, Bà Gia, Hà Lâm và các thị trấn Cát Tiên, Phước Cát, Đạ M’ri. Huyện Đạ Huoai đã và đang tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng hồ, đập; thực hiện vận hành điều tiết nước một cách chủ động, khoa học, hợp lý, đảm bảo việc cân đối lưu lượng nước tại đầu nguồn và cuối nguồn hợp lý, tiết kiệm nguồn nước,...

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng dự báo, từ tháng 2 đến tháng 3/2025, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh giảm dần, khả năng cao sẽ gây hạn hán trong mùa khô hạn năm 2025, đặc biệt các khu vực ở xa nguồn nước. Đồng thời, diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi vẫn còn khá lớn nên luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra hạn hán nếu trời nắng nóng kéo dài. Cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2025 trên địa bàn tỉnh xảy ra ở mức trung bình đến cao.

Hiện nay các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Cụ thể, đối với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp dự kiến có khoảng 11.075 ha đất sản xuất sẽ bị thiếu nước tại một số khu vực, trong đó đa phần thuộc các khu vực xa nguồn nước. Riêng đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn dự kiến có khoảng 73 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Trước thực trạng thiếu hụt nước trong mùa khô 2025, UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn, thiếu nước mùa khô 2024 - 2025 phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước và tình hình thực tế tại địa phương. Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tăng cường nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; quản lý thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước để chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202502/khan-truong-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-han-f594b19/
Zalo