Khẩn trương thu hoạch nhanh hơn 70.000ha lúa và hoa màu tránh bão

Với nhận định bão số 6 (Trami) sẽ gây mưa khá lớn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý người dân di chuyển ô tô đến nơi khô ráo, khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu, chằng chống nhà cửa...

Ngày 25-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hai cuộc họp về công tác ứng phó với bão Trami nhằm đảm bảo an toàn cho miền Trung trước nguy cơ mưa lũ.

 Cuộc họp chống bão số 6 vào chiều 25-10, tại Bộ NN-PTNT

Cuộc họp chống bão số 6 vào chiều 25-10, tại Bộ NN-PTNT

Trao đổi thêm với báo chí ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Đây là cơn bão đầu tiên trong năm 2024 trực tiếp đổ bộ vào miền Trung, diễn biến phức tạp như thế này sẽ gây ra mưa lớn”.

Thứ trưởng cảnh báo không loại trừ khả năng lũ lụt lịch sử như năm 2020 có thể tái diễn. Trong các phương án ứng phó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung sơ tán ngư dân, đặc biệt là những người đang ở trên các lồng bè nuôi thủy sản ven biển.

Ông nhấn mạnh: “Dứt khoát không để bất kỳ ngư dân nào ở lại lồng bè. Trước mắt, phải đưa họ vào bờ an toàn”. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh hơn 70.000ha lúa và hoa màu còn lại, tránh thiệt hại do mưa lớn tràn vào vùng đồng ruộng, trước chủ nhật này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khuyến cáo người dân tại các đô thị: “Cần đưa xe ô tô tới nơi đỗ an toàn, kê cao đồ đạc tránh nước tràn vào. Đặc biệt, với những ngôi nhà lợp bằng mái tôn, bà con nên chằng thêm các bao cát để chống gió mạnh”.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông báo chi tiết về bão Trami, một cơn bão có hoàn lưu rộng tới 600km, với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 tại vùng biển Hoàng Sa.

Vị trí và họa đồ dự báo hướng đi của bão số 6, chiều 25-10. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia

“Cơn bão này thay đổi liên tục từ lúc hình thành, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao vì dự báo đến ngày 27-10, bão sẽ tiến gần khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi, kèm theo lượng mưa lớn 300-500mm, có nơi lên tới 700mm”, ông Khiêm cảnh báo.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã hoàn tất công tác kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 67.000 tàu thuyền cùng 307.822 người dân về đường đi của bão.

Đến chiều 25-10 không có tàu thuyền nào nằm trong vùng nguy hiểm, nhưng có 35 tàu cá từ Quảng Ngãi đang hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa đã được chỉ đạo di chuyển vòng tránh bão.

Tại cuộc họp chiều 25-10, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin, các địa phương ven biển đã nhận chỉ đạo chi tiết từ Bộ NN-PTNT về phương án gia cố, chằng chống nhà cửa. Tại khu vực đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các đơn vị được yêu cầu cắt cử lực lượng sẵn sàng, phòng ngừa nguy cơ sạt lở và lũ tràn.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương chuẩn bị từng chi tiết, đảm bảo không để xảy ra “bất ngờ” khi bão đến. Bộ trưởng chỉ đạo: “Phải có kịch bản cụ thể, từ di dời người dân ở vùng xung yếu đến từng phương án bảo vệ tài sản, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi cơn bão đi qua”.

Cập nhật đến chiều tối 25-10 từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tâm bão số 6 đã di chuyển đến tọa độ khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc - 116,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Tại thời điểm này, bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20 km/giờ.

Ảnh chụp vệ tinh lúc 18 giờ ngày 25-10 với đĩa mây rất lớn quanh bão số 6

Dự báo đến chiều 26-10, bão vẫn duy trì hướng Tây, cách quần đảo Hoàng Sa còn khoảng 20km với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Đến chiều 27-10, bão tiếp tục tiến gần bờ biển Trung Trung bộ, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 180km, với sức gió giảm còn cấp 10, giật cấp 12. Sang ngày 28-10, bão đổi hướng Tây Nam rồi Đông Đông Nam, duy trì cường độ cấp 9, giật cấp 11.

Từ sáng 27-10, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm và Lý Sơn sẽ có gió mạnh dần, đạt cấp 10-11, giật cấp 14, sóng cao 3-7m. Khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão từ 0,4-0,6m kèm nguy cơ sạt lở đê, kè biển.

Trên đất liền, từ sáng 27-10, ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần cấp 6-7, vùng gần tâm bão đạt cấp 8-9, giật cấp 11. Mưa lớn sẽ diễn ra từ chiều tối 26-10 đến 28-10, với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm, có nơi trên 700mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa to, nơi cao nhất đạt 300mm.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khan-truong-thu-hoach-nhanh-hon-70000ha-lua-va-hoa-mau-tranh-bao-post765330.html
Zalo