Khẩn trương kiện toàn ban lãnh đạo EVN trước ngày 15/11
Thường trực Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiện toàn ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước ngày 15/11. Trong đó, lưu ý nghiêm cấm việc 'chạy chức, chạy quyền, vận động thiếu trong sáng'.
Xử lý dứt điểm dự án điện than BOT chậm tiến độ
Thông tin này được nêu tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024.
Theo kịch bản do Bộ Công Thương và EVN xây dựng và báo cáo, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% trong điều kiện tổng nguồn điện chỉ có từ 50.000MW đến tối đa là 52.000MW.
Để thực hiện được kịch bản này, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, EVN và các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phân công thực hiện kịch bản đề ra; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, có thể tính toán cao hơn khi có điều kiện cho phép tăng trưởng cao hơn.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu triển khai các dự án truyền tải theo quy hoạch để nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống cung ứng điện.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, đơn vị phối hợp tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Đông Bắc chủ động, tích cực triển khai ngay các giải pháp tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Về nguồn thủy điện, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Quản lý vốn căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (AO) và các đơn vị có liên quan chỉ đạo điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước; bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào cao điểm hè (tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Với nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm...
Ngoài việc cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, Thường trực Chính phủ cho rằng trường hợp cần thiết có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải chủ động sớm dự báo chính xác.
Với điện than BOT, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn, EVN phải thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11.
“Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng. Việc này ta phải nắm quyền chủ động”, văn bản của Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Khẩn trương kiện toàn Ban lãnh đạo EVN
Đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiện toàn Ban lãnh đạo EVN trước ngày 15/11/2023 (gồm hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc) theo thẩm quyền của các cơ quan liên quan; đảm bảo lựa chọn công khai, dân chủ, khách quan theo các quy định.
"Nghiêm cấm việc chạy chức, chạy quyền, vận động thiếu trong sáng... ", Thường trực Chính phủ lưu ý.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ này đã yêu cầu EVN thực hiện nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị được chỉ ra trong kết luận thanh tra. Các hình thức kỷ luật đã được cáo báo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
EVN bị kiểm điểm vì đã chậm đầu tư hoàn thành một số nguồn và lưới điện; việc đảm bảo dự trữ nguồn nguyên liệu sơ cấp; điều độ hệ thống điện và cân đối nguồn điện; vi phạm chỉ đạo điều hành và lập lịch; để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc...
Đến nay, EVN đã kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm; đưa ra giải pháp khắc phục và báo cáo các đơn vị liên quan, đảm bảo kiểm điểm đúng những vi phạm và tồn tại.
Kết quả, đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân. Quá trình kiểm điểm, kỷ luật thực hiện theo quy định và cơ bản hoàn tất.
EVN làm rõ trách nhiệm, kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Bao gồm xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách một Phó Tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện; kỷ luật khiển trách với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, đề xuất kỷ luật khiển trách với một nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn và thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn. Các trường hợp này vượt thẩm quyền nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang báo cáo các cấp.