Khẩn trương khôi phục sản xuất

Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã để lại hậu quả nặng nề đối với các tỉnh vùng Bắc Bộ nói chung và Phú Thọ nói riêng. Ngoài thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 3.591ha lúa,1.697ha hoa màu bị ngập, úng, gãy đổ; gần 200ha cây lâu năm, trên 150ha cây trồng hàng năm, hơn 370ha cây ăn quả, gần 120ha rừng bị gãy, đổ. Ngoài ra còn có 28 lồng cá bị chìm, vỡ. Thiệt hại nặng nề nhất là các huyện ven sông Thao như Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê...

Người dân xã Hương Nộn, huyện Tam Nông buộc, dựng lại diện tích lúa bị gãy, đổ do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.

Người dân xã Hương Nộn, huyện Tam Nông buộc, dựng lại diện tích lúa bị gãy, đổ do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.

Ngay sau khi nước bắt đầu rút, cùng với dọn dẹp nhà cửa để trở về sau khi di dời, người dân tại các địa phương nói trên cũng khẩn trương khôi phục sản xuất, dựng buộc lại diện tích lúa bị gẫy, đổ do mưa, úng ngập; thu hoạch diện tích ngô có thể tận dụng; xử lý diện tích rau màu, chuối bị hư hỏng ở các vùng đất bãi ven sông...

Dù nước trong ruộng vẫn còn ngập song bà Lê Thị Nhiệm cùng con gái ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông vẫn ra ruộng buộc lại lúa theo dạng “chân kiềng” đã được tổ khuyến nông xã hướng dẫn, chống đổ, tạo điều kiện thuận lợi để lúa tiếp tục vào chắc và chín trong trường hợp vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn.

Bà Nhiệm cho biết: “Năm nay, mưa bão xảy ra vào đúng thời gian chuẩn bị thu hoạch vụ Mùa nên chúng tôi phải nhanh chóng dựng, buộc lại lúa cho cây đứng thẳng, nếu không chỉ cần ngâm nước 1-2 ngày, lúa sẽ ra mộng, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm”.

Để giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị đã chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng như dân quân tự vệ, công an xã, đoàn viên thanh niên... hỗ trợ bà con thu hoạch lúa, rau màu, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, sản xuất.

Đồng chí Trần Minh Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: Ngay sau khi nước rút, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động bà con tập trung thu hoạch diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch; áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn để buộc, dựng lại để lúa tiếp tục chín; tổ chức thu hoạch đối với ngô, chuối thuộc khu vực bãi ven sông; tiêu hủy các loại cây trồng bị thối, rữa, không thể khắc phục, tránh gây ô nhiễm và ngộ độc đất trong sản xuất vụ Đông. Các xã không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng nhẹ bởi mưa lũ cũng đã cử lực lượng hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

Từ ngày 11/9, bên cạnh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất tại các địa phương, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các địa phương tập trung tiêu nước cứu lúa; hướng dẫn kỹ thuật buộc, dựng lúa đang chín sáp, tránh đổ nếu tiếp tục xảy ra thiên tai; thu hoạch lúa đến kỳ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chuẩn bị đất để gieo trồng cây vụ Đông. Đối với diện tích rau, màu tranh thủ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi thu gom để tiêu hủy, dùng vôi bột khử trùng, xới xáo đất để tránh yếm khí, vi khuẩn, vi trùng tồn tại trong đất, chuẩn bị đất để sản xuất vụ Đông. Hướng dẫn kỹ thuật cụ thể xử lý thiệt hại, phục hồi cây trồng đối với các loại cây hàng năm, cây lâu năm, cây ăn quả...

Đồng thời, các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có biện pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp trong trường hợp tiếp tục xảy ra thiên tai.

Phan Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-219186.htm
Zalo