Khẩn trương khắc phục sạt lở, xâm thực bãi biển Mỹ Khê

Trưa 31-12-2024, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở bãi biển dọc đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) và yêu cầu các đơn vị chức năng có giải pháp ứng phó tình trạng xâm thực sâu hơn của sóng biển, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Cùng với các giải pháp trước mắt, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các sở ngành, địa phương nghiên cứu giải pháp xử lý ổn định, lâu dài để bảo vệ bờ biển.

Cùng với các giải pháp trước mắt, ông Lê Trung Chinh yêu cầu các sở ngành, địa phương nghiên cứu giải pháp xử lý ổn định, lâu dài để bảo vệ bờ biển.

Trong 3 ngày qua, nhiều vị trí bãi biển chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp bị sóng biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Tại khu vực bãi biển Mỹ Khê thuộc phường Phước Mỹ có hàng trăm mét bãi biển bị xâm thực sâu, sóng biển kéo sụt tới chân bờ kè. Một số vị trí bị khoét sâu tạo thành hàm ếch lộ chân bờ kè, cây xanh bị bật gốc, ngã đổ ra phía biển. Nhiều cửa hàng, ki-ốt kinh doanh tại khu vực này đã bị sóng đánh sập nằm ngổn ngang. Ông Nguyễn Văn Kim – chủ một quầy kinh doanh nước giải khát tại bãi biển Mỹ Khê cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, những ngày qua sóng biển dâng cao ăn sâu vào chân bờ kè. Để bảo vệ tài sản, các quầy kinh doanh phải huy động nhân viên đóng cọc tre, dùng hàng trăm bao cát lớn để bao bọc nhưng không ăn thua so với những đợt sóng lớn. “Đợt này sóng rất lớn và xâm nhập sâu vào phía trong. Qua nhiều ngày thì tình trạng xói lở càng nghiêm trọng. Nhiều quầy kinh doanh phải chủ động tháo dỡ kẻo bị sóng cuốn mất”- ông Kim cho hay.

Ông Phan Minh Hải - Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng gió mùa đông bắc hoạt động mạnh (đêm 27 và ngày 28-12), sóng cao gây sạt lở bãi biển dọc tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Khu vực này tập trung nhiều khách sạn và thu hút rất đông du khách tham quan, sóng biển xâm thực khiến bãi biển nhếch nhác. Khu vực bãi biển Mỹ Khê bị sóng biển xâm lấn hơn 100m, ăn sâu vào bờ biển từ 15 -20m. Có 3 hộ kinh doanh khu vực này bị ảnh hưởng. Hiện tại Ban đã tổ chức chèn chống, di dời các cây dừa có nguy cơ ngã, đổ đến vị trí khác để tránh thiệt hại. Theo ông Hải, tình trạng sạt lở bờ biển Mỹ Khê là hiện tượng xảy ra định kỳ hàng năm, mức độ nặng nhẹ và vị trí bị xâm thực nhiều hay ít là do diễn biến của thời tiết. “Cứ đến giai đoạn cuối năm, khi có gió mùa thì bãi biển Mỹ Khê xảy ra sạt lở, chu kỳ 5-7 năm/lần dịch chuyển từ phía Nam công viên Lăng Ông đến ngã ba Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp. Sau khi kết thúc các đợt triều cường bãi biển sẽ được bồi đắp trở lại bình thường”- ông Hải cho hay. Hiện Ban đã có báo cáo liên quan đến hiện tượng này và đề xuất Sở Du lịch Đà Nẵng có kiến nghị, đề xuất các cơ quan liên quan đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giải pháp chống sạt lở bờ biển Đà Nẵng.

Sóng biển xâm thực gây xói lở bờ biển, thiệt hại cho các hộ kinh doanh.

Sóng biển xâm thực gây xói lở bờ biển, thiệt hại cho các hộ kinh doanh.

Nhiều vị trí bị sụt lở kiểu hàm ếch ngay chân bờ kè.

Nhiều vị trí bị sụt lở kiểu hàm ếch ngay chân bờ kè.

Về giải pháp ứng phó trước mắt, ông Nguyễn Đăng Huy - Giám đốc Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, trước mắt sẽ sử dụng các bao cát nhỏ, xếp chồng để ngăn sóng biển, hạn chế xâm thực và tránh sạt lở từ phía bờ. Về lâu dài, TP cũng đã có dự án xây dựng kè bê tông kiên cố để bảo vệ bờ biển và các công trình.

Kiểm tra hiện trường sạt lở, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng khẩn trương di dời tài sản của các hộ kinh doanh, đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai các giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng sạt lở. “Ban phối hợp các đơn vị phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng xâm thực sâu hơn của sóng biển. Đây là bãi biển du lịch, nên phải sớm lắp các biển cảnh báo ở các vị trí nguy hiểm, khuyến cáo, hướng dẫn du khách để đảm bảo an toàn”- ông Chinh yêu cầu. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố có giải pháp xử lý ổn định, lâu dài để bảo vệ bờ biển, nhất là tại bãi biển Mỹ Khê vì đoạn bờ biển này chưa có kè chắn sóng kiên cố.

Bảo Nam

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khan-truong-khac-phuc-sat-lo-xam-thuc-bai-bien-my-khe-post306830.html
Zalo