Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Bình Định, Kon Tum

Trong những ngày qua, mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt nhiều nơi. Lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đang nỗ lực khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra.

Bình Định khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Bình Định khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ngày 1/12, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ đã làm 3 người tử vong, 2 người bị thương, nhiều khu dân cư bị nước lũ chia cắt.

Các nạn nhân tử vong tại Bình Định là bà Đinh Thị Đách (sinh năm 1956, ở thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn trôi, đến 15 giờ ngày 29/11, đã tìm thấy thi thể nạn nhân; bà Lê Thị Bữa (79 tuổi, ở thông Lý Tây, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) bị hụt chân té ngã tử vong khi bước xuống giường, lúc này nước ngập trong nhà khoảng 30cm, và ông Hồ Văn Dũng (sinh năm 1975, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích lúc 13 giờ 15 phút ngày 30/11.

Toàn tỉnh Bình Định có 9 nhà bị sập, hơn 30 nghìn ngôi nhà bị ngập nước; 241,9ha lúa, 95,6ha hoa màu bị ngập sâu; 38,2 tấn lúa bị ướt; 52,5ha ruộng bị sa bồi, thủy phá; 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 1.540m kè, 17.581m kênh mương, 4.960m bờ sông, bờ suối, 26 đập bổi, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; 6.452m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, 12.845m3 đất đá, 10 cống bị hư hỏng…

Mưa lớn trong các ngày qua làm nước dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng ở 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát và thị xã An Nhơn. Hiện, đỉnh lũ gần tương đương trận lũ lịch sử năm 2016.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại các xã nằm ven đê Đông tiếp giáp đầm Thị Nại, cuối nguồn sông Côn và sông Hà Thanh, gồm xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh (huyện Phù Cát), nhiều nhà dân ngập sâu hơn 1m. Chính quyền địa phương cho di dời dân ở những nhà ngập sâu lên trú tạm ở những nhà cao hơn và bố trí ghe máy sẵn sàng di dời các hộ ở vùng nguy cơ cao lên ở tại các nhà văn hóa thôn và trường học an toàn.

Trong đó, có 52 xã/10 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 31.378 nhà dân bị ngập nước, nhiều nhất là huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền thành phố Quy Nhơn đã di dời 261 hộ/751 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa; huyện Phù Cát di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh bị uy hiếp sạt lở đất do mưa lớn đến nơi an toàn; thị xã An Nhơn di dời tại chỗ 137 hộ/278 nhân khẩu đến nhà cao, kiên cố liền kề; huyện Tuy Phước di dời 5 hộ/21 nhân khẩu ở xã Phước Nghĩa và thị trấn Diêu Trì đến nhà cao, kiên cố.

Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 142 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục cập nhật thiệt hại.

Trong khi đó, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho hay, đến sáng 1/12, hơn 66.000 học sinh của tỉnh không thể đến trường do mưa lũ diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp để bảo đảm an toàn.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, sáng 30/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định chỉ đạo các đồn biên phòng huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ và 2 ca-nô phối hợp lực lượng của Đoàn thanh niên, quân sự, công an và dân quân trên địa bàn các xã bị cô lập, tổ chức di dời, cấp phát lương thực, thực phẩm cho hơn 60 hộ dân tại thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ, đề phòng ngập lụt và khi lũ chia cắt…

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, chính quyền địa phương bám sát các địa bàn xung yếu, thông báo và tạo điều kiện di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm; các lực lượng chức năng ứng trực cảnh giới các đường đi hạn chế người dân qua lại ở các khu vực nguy hiểm, bảo đảm lưu thông an toàn; lực lượng quân đội sẵn sàng ứng trực, chủ động cứu dân khi nước dâng cao và sẵn sàng cứu trợ dân khi cần thiết; bảo đảm dự trữ lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm để thích ứng với lụt dài ngày”.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Trong ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cùng các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở huyện Vân Canh, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng đoàn công tác các sở, ngành đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.

Tại các nơi đến kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức khắc phục ngay các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân; khắc phục tạm sạt lở kênh mương, đê kè; kiểm tra tình trạng an toàn các hồ chứa nước; kiểm tra giống lúa, cây trồng chuẩn bị cho sản xuất…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phi Long giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định phối hợp các địa phương kiểm tra các gia đình có nhà sập, hư hỏng để hỗ trợ theo chính sách; lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục duy trì trên địa bàn, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông; Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện tổ chức vệ sinh, sửa chữa trường, lớp bị ngập nước; Sở Giao thông vận tải triển khai khôi phục các tuyến tỉnh lộ xói lở, bảo đảm giao thông; hướng dẫn các địa phương khắc phục đường giao thông nông thôn…

Đồng thời, UBND các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người tử vong do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất sau lũ.

Mưa lũ gây sạt lở tại tỉnh lộ 676, tỉnh Kon Tum.

Mưa lũ gây sạt lở tại tỉnh lộ 676, tỉnh Kon Tum.

* Từ ngày 28 đến 30/11, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to đến rất to ở nhiều nơi làm 1 người tử vong và hư hỏng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện. Đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang khẩn trương tiến hành công tác khắc phục thiệt hại.

Trường hợp tử vong là bà Y Hong (53 tuổi), ngụ thôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Bà bị tử vong do nước lũ cuốn trôi trong lúc đi làm. Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình người bị nạn.

Đối với các vị trí sạt lở, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum quản lý gồm quốc lộ 40B, quốc lộ 24, tỉnh lộ 673, 676, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh (nhánh 2) bị sạt lở ta-luy âm và dương, đất tràn mặt đường và có khoảng 40 vị trí bị sạt lở với khối lượng lớn gây ách tắc giao thông. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường điều động xe máy, nhân lực hót đất, đá sụt lở để bảo đảm giao thông, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh. Đến sáng 1/12, các vị trí sạt lở cơ bản đã giao thông được.

 Mưa lớn kéo dài gây sạt lở nặng tại Km 193, đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở nặng tại Km 193, đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Riêng đối với đường Trường Sơn Đông, do mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở nặng ở nhiều vị trí. Tại Km 193, mưa lớn đã làm xói lở ta-luy dương với khối lượng đất đá lớn, gây chia cắt toàn bộ giao thông từ xã Ngọc Tem đến trung tâm huyện Kon Plông. Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để sớm giúp giao thông thông suốt qua vị trí này.

Trong khi đó, thiên tai cũng gây thiệt hại nặng đến hệ thống lưới điện. Tại Km 177 đường Trường Sơn Đông, do ảnh hưởng của sạt lở đã kéo theo trụ điện trung thế xuống vực sâu, gây ra sự cố mất điện trên diện rộng tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Điện lực Kon Tum đã tiến hành khẩn trương khắc phục, đến nay đã hoàn thành việc cấp điện trở lại cho các hộ dân tại xã Ngọc Tem.

Riêng đối với đường dây 22kV cấp điện cho hai xã Hiếu và Pờ Ê, các trụ 127 và 128 đang bị sạt lở nghiêm trọng, khả năng gây sự cố làm mất điện toàn bộ phụ tải tại 2 xã trên. Hiện, Điện lực Kon Tum đã bố trí nhân lực, phương tiện để xây dựng mới 6 trụ điện, hơn 300m đường dây trung thế để khắc phục, dự kiến hoàn thành trong ngày 2/12.

Theo dự báo, trong 24 đến 48 giờ tới, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giảm mạnh, chỉ còn từ 5-15mm. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh cần chủ động nắm tình hình, diễn biến của mưa lũ để khẩn trương có các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm giảm nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-truong/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-binh-dinh-kon-tum-676358/
Zalo