Khẩn trương khắc phục diện tích hoa màu ngập úng

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề. Hằng trăm ha hoa màu tại một số địa phương như: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc… bị ngập úng, gãy đổ, hư hỏng nặng. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương kịp thời ứng trực và giúp đỡ người dân khắc phục diện tích hoa màu do cơn bão gây ra.

Thành phố có 381,7 ha rau màu, cây cối bị thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3.

Thành phố có 381,7 ha rau màu, cây cối bị thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do hoàn lưu cơn bão số 3, toàn tỉnh có gần 600 ha cây trồng nông nghiệp bị ngập úng, dập nát, hư hỏng. Trong đó có 420 ha lúa, 178 ha hoa màu, 26 ha cây công nghiệp... bị gãy đổ. Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa, Thạch An, Thành phố...

Tại các xã, phường trên địa bàn Thành phố có hơn 381,7 ha rau màu, cây cối bị thiệt hại; 2.400 kg thủy sản (cá lồng) bị ngập úng, nước lũ cuốn trôi. Chị Đàm Thị Khuyên, xóm Nà Chướng, phường Hòa Chung chia sẻ: Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão nào có sức tàn phá lớn như lần này. Nhiều diện tích rau màu của bà con nông dân phường trồng bị ngập úng, hư hỏng. Riêng gia đình tôi có hơn 1.000 m2 rau màu bị ngập úng, dập nát không thể thu hoạch được.

Tại huyện Nguyên Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to. Ảnh hưởng thiên tai làm 17,75 ha lúa mùa, rau màu bị đổ ngã, vùi lấp. Huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão. Vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm trên đồng ruộng; tuyên truyền, vận động nông dân tranh thủ buộc dựng diện tích lúa bị gãy, đổ; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa và rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch.

Dong riềng của người dân xã Quốc Toản (Quảng Hòa) bị ngập úng, gãy đổ.

Dong riềng của người dân xã Quốc Toản (Quảng Hòa) bị ngập úng, gãy đổ.

Trên địa bàn huyện Hà Quảng, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, mưa to diện rộng gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân. Gần 203 ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Ước thiệt hại đợt thiên tai trên 1,8 tỷ đồng. Để ứng phó với mưa bão, UBND huyện Hà Quảng chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc các yêu cầu của Trung ương, của tỉnh về việc tập trung ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các khu vực không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, lũ quét; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm thiên tai; chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai chủ động thường trực và sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo kịp thời và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh.

Để khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân. Chỉ đạo Công ty TNHH Một Thành viên Thủy nông vận hành trạm bơm, máy bơm và mở cống để tiêu nước nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Nông Quốc Hùng cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo UBND các huyện, Thành phố tập trung triển khai các giải pháp ứng phó, khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão. Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất kịp thời theo quy định. Đặc biệt, đối với diện bị thiệt hại không có khả năng khắc phục, hướng dẫn vận động người dân chủ động chuẩn bị đất chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác phù hợp điều kiện theo từng vùng miền.

Trung tâm Ddịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm, nắm chắc diễn biến, khuyến cáo nông dân phòng chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng kịp thời. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để phát hiện các loại bệnh như: Đạo ôn cổ bông, khô vằn; đen lép hạt, bệnh hoa cúc… hại lúa phòng trừ kịp thời. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tăng cường cử cán bộ đi cơ sở, kịp thời thông tin, báo cáo tình huống phát sinh để xử lý. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khắc phục, khôi phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của mưa lớn và hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với diện tích lúa và cây màu không bị ảnh hưởng do mưa lớn.

Người dân xã Đức Long và thị trấn Nước Hai (Hòa An) khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở.

Người dân xã Đức Long và thị trấn Nước Hai (Hòa An) khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở.

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3 và phối hợp với UBND các huyện, Thành phố hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, khắc phục kịp thời diện tích lúa, rau màu và các cây trồng khác bị ảnh hưởng do mưa bão. Đặc biệt, đối với diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch, tập trung máy móc thiết bị và con người nhanh chóng thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Chủ động chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương nội đồng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các mương, kiểm tra tôn cao bờ, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khan-truong-khac-phuc-dien-tich-hoa-mau-ngap-ung-3171944.html
Zalo