Khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông, sáng 1-8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai (PCTT) tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tổng số tàu thuyền đã được thông báo, hướng dẫn: 46.125 tàu, thuyền, 108 tàu, thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện còn 1.642 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển cần có biện pháp đảm bảo an toàn. Các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà dưới mực nước cho phép từ 0,8m-18,07m; tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 4,1 tỷ m3, đến mực nước dâng bình thường là 12,55 tỷ m3. Hiện các hồ thủy điện khu vực miền Trung mực nước còn thấp...
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay: Trong 24 giờ qua ATNĐ di chuyển ổn định với tốc độ 10-15 km/giờ, bán kính ATNĐ này rất rộng gây khó khăn cho công tác dự báo. Dự kiến, ATNĐ sẽ đi vào phía Nam Bắc Bộ và Thanh Hóa. Từ chiều 1-8, có do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng xảy ra giông lốc ở các địa phương này.
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, dự báo do ảnh hưởng của ATNĐ có thể xảy ra giông lốc, mưa lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc vì thế các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý. Yêu cầu đặt ra trong công tác ứng phó là phải giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và của Nhà nước. Về 1.642 tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần khẩn trương tổ chức hướng dẫn các tàu thuyền này vào nơi trú tránh an toàn. Đối với các địa phương ven biển cần có phương án sơ tán người dân ở 25.000 lồng bè và bảo vệ nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sơ tán dân khỏi vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ ngập úng, nhà cửa không đảm bảo an toàn, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho khách du lịch hiện vẫn còn ở địa phương. Đối với các hồ đập cần tiếp tục kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Tây Bắc vừa hứng chịu các đợt động đất và dư chấn vừa qua cần phải hết sức lưu ý. Các địa phương cần có phương án vừa phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” vừa phải đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khi có mưa, lũ, sạt lở đất xảy ra. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có phương án đảm bảo thông tin liên lạc để công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả.