Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Hàng không dân dụng

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 363/TB-VPCP, truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi toàn diện). Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo và báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành được Quốc hội ban hành từ năm 2006, lần sửa đổi gần nhất là năm 2014. Sau gần hai thập kỷ, nhiều nội dung pháp lý đã bộc lộ sự bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, gây khó khăn trong điều hành và phát triển ngành hàng không.

Thường trực Chính phủ nhận định, Việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật diễn ra chậm, khiến công tác quản lý còn lúng túng, phải vận dụng các chính sách đặc thù để xử lý tình huống phát sinh. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi toàn diện nhằm khắc phục các tồn tại, tháo gỡ điểm nghẽn và thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng hàng không theo định hướng hiện đại, hội nhập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ động rà soát, cập nhật các chính sách thuộc lĩnh vực quản lý, tiếp thu đầy đủ ý kiến các cơ quan liên quan và chỉ đạo của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật. Báo cáo trình Chính phủ cần thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, đầy đủ, đảm bảo nguyên tắc “6 rõ” trong các nội dung: những nội dung lược bỏ; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; những nội dung phân cấp, phân quyền; trong đó cần nêu rõ lý do đề xuất; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Chính phủ để cho ý kiến chỉ đạo.

Dự thảo Luật cần đảm bảo các nguyên tắc nền tảng là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; tuân thủ chặt chẽ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời bổ sung các quy định mang tính đặc thù, phù hợp điều kiện Việt Nam.

Luật sửa đổi phải tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong thu hút đầu tư vào hạ tầng hàng không. Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không tham gia, còn lại cần phát huy vai trò xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.

Trong công tác quy hoạch, Thường trực Chính phủ thống nhất quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhằm tăng tính chủ động và trách nhiệm trong quản lý nhà nước.

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến giá, phí trong lĩnh vực hàng không sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường, có sự giám sát của Nhà nước, nhưng không quy định giá cụ thể trong Luật nhằm đảm bảo tính linh hoạt.

Dự thảo Luật cần cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo đó, giao cho các bộ, ngành, địa phương thẩm quyền quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trong quản lý lĩnh vực hàng không tại địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà, chồng chéo.

Về phân công chức năng, chức năng quản lý hoạt động bay phải do Nhà nước đảm nhiệm. Các cảng hàng không, sân bay trừ các sân bay riêng phục vụ quốc phòng đều thực hiện theo cơ chế lưỡng dụng; việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng giao Chính phủ quy định tiêu chí, còn thẩm quyền giao hoặc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Với vấn đề quản lý đất đai, tài sản công tại các sân bay, Thường trực Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi quy định để tránh tình trạng phải trình nhiều cấp, gây chậm trễ trong huy động vốn. Theo đó, có thể giao Bộ Tài chính quyết định, nhằm thống nhất và thông suốt trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng.

Thường trực Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không trong tiếp cận hạ tầng, dịch vụ. Các quy định của Luật phải được xây dựng minh bạch, công khai, không tạo cơ chế xin - cho hoặc ưu ái cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng, đảm bảo bao quát và đầy đủ để nâng cao hiệu lực thực thi, phòng ngừa vi phạm.

Với xu thế phát triển phương tiện bay không người lái (drone), Chính phủ yêu cầu có quy định mở, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, không ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng và quân sự.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát toàn diện các quy định pháp luật có liên quan đến hàng không dân dụng để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc kiến nghị lộ trình sửa đổi trong thời gian tới. Những dự án, công trình đang triển khai cần có quy định chuyển tiếp cụ thể, tránh xáo trộn, bảo đảm tính liên tục trong thực hiện.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và trình Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khan-truong-hoan-thien-du-thao-luat-hang-khong-dan-dung-730195.html
Zalo