Khánh Hòa cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án điện hạt nhân trước 31-12
Tỉnh Khánh Hòa triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với cam kết đúng tiến độ.
Ngày 18-7, UBND tỉnh Khánh Hòa họp với các cơ quan chức năng, hai xã Vĩnh Hải, Phước Dinh về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Theo ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, tổng diện tích thu hồi của hai dự án là 1.279 ha của 1.288 hộ.

Khu vực thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, ngày 1-4, Thủ tướng có văn bản giao UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân theo thẩm quyền và phù hợp quy định pháp luật.
Tuy nhiên, qua rà soát nhiều nội dung của dự án di dân, tái định cư các dự án nhà máy điện hạt nhân được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định ngày 8-6-2015 đến nay không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, cập nhật cho sát với thực tế.
Đặc biệt, các khu tái định cư cần điều chỉnh quy mô, tính chất theo kiến nghị của các địa phương nơi đặt các nhà máy điện hạt nhân. Dự kiến, khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tăng 26 ha, còn khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tăng 9,4 ha.
Cũng theo ông Ninh, một khó khăn khác là việc điều chỉnh ranh giới giải phóng mặt bằng cả hai dự án điện hạt nhân.
Ngày 17-6-2015, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Theo đó, bản đồ ranh giới đính kèm đều thể hiện diện tích vùng cách ly tính từ hàng rào nhà máy phải giải tỏa 500 m.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng di dân tái định cư phục vụ các nhà máy điện hạt nhân theo khoảng cách quy định này. Đồng thời, các công tác quản lý khác liên quan đến dự án đầu tư, sinh kế của người dân cũng tuân thủ bán kính an toàn 500 m.
Tuy nhiên, ngày 17-4, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản xác định khu vực cấm dân cư là khu vực có ranh giới ngoài cách hàng rào nhà máy tối thiểu 1 km.
Ông Ninh cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Cụ thể, sẽ tăng diện tích thu hồi khoảng 598 ha của cả hai nhà máy.
Trong đó, có nhiều công trình giáo dục, y tế, trụ sở các cơ quan nhà nước, hạ tầng giao thông và hai dự án năng lượng tái tạo đã vận hành thương mại từ năm 2020-2021.
Riêng nhà máy điện hạt nhân 2, sau khi mở rộng khoảng cách sẽ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong đó, ảnh hưởng vùng lõi khu dự trữ sinh quyển 144 ha; còn vùng đệm 783 ha.
Ông Ninh cho biết điều này sẽ làm tăng kinh phí bồi thường khoảng 12.100 tỉ đồng. Trong đó, nhà máy 1 tăng 7.600 tỉ đồng và nhà máy 2 tăng 4.500 tỉ đồng.
“Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí tái định cư cho các dự án, nhất là tại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vì quỹ đất tại địa phương rất hạn chế, hiện nay khu tái định cư đang quy hoạch có một phần diện tích nằm trong bán kính 1 km tính từ nhà máy. Đồng thời, ảnh hưởng tiến độ thực hiện vì phải điều chỉnh lại quy hoạch các khu tái định cư, điều chỉnh dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân”- ông Ninh thông tin.

Việc mở rộng phạm vi dự án ảnh hưởng đến di dân, kinh phí bồi thường của hai dự án điện hạt nhân. Ảnh: HUỲNH HẢI
Hiện tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện kiểm kê, xác định lại theo thực tế số lượng hộ dân trong vùng dự án cần di dời, mức giá đền bù và cập nhật chi phí xây dựng các dự án thành phần của hai dự án nhà máy điện hạt nhân.
Qua đó, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư vào gần 12.400 tỉ đồng. Trước mắt địa phương cần khoảng 3.200 tỉ đồng để thực hiện các công việc liên quan đến nhiệm vụ di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng hai dự án.
Lãnh đạo Sở Công Thương Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm bố trí nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ ngoài kế hoạch đầu tư công của tỉnh để triển khai thực hiện dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân. Trong đó nhu cầu trước mắt khoảng 3.200 tỉ đồng, số còn lại sẽ bổ sung cho đủ khi có đủ điều kiện phạm vi, ranh giới, nhu cầu cấp thiết.
Kiến nghị Thủ tướng xem xét, ban hành quyết định bãi bỏ quyết định về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư hai dự án trước đây; sớm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để địa phương chủ động thực hiện mà không phải chờ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án theo đề xuất mới của EVN và PVN.
Phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 31-12
Tại cuộc họp, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu lãnh đạo các địa phương tiếp cận các văn bản chỉ đạo của tỉnh để thống nhất cách thực hiện xuyên suốt.
"Các cán bộ mới của hai xã phải tiếp cận các tài liệu về hai dự án từ cán bộ cũ, sở, ngành, UBND tỉnh để nắm chắc các phần việc cũng như công tác triển khai. Từ đó, không để việc bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh ảnh hưởng tiến độ hai dự án điện hạt nhân. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh đối với Trung ương"- ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng yêu cầu các sở liên quan sớm thực hiện bàn giao hồ sơ cho hai xã Phước Dinh, Vĩnh Hải để có cơ sở tiếp tục thực hiện, không bị gián đoạn.
Đối với phạm vi thu hồi đất, ông Hoàng cho biết đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được đồng ý giải tỏa theo hướng mở rộng bán kính 1 km như văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tỉnh Khánh Hòa họp triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án điện hạt nhân. Ảnh: XUÂN HOÁT
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo các xã Phước Dinh, Vĩnh Hải phối hợp chặt với sở, ngành liên quan tập trung giải phóng mặt bằng dự án và phải hoàn thành trước ngày 30-12.
“Tỉnh đã cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian xong công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư và phải làm cho được. Vừa rồi bị gián đoạn một tháng vì công tác sáp nhập, bỏ cấp huyện. Do vậy, trong tháng 7-2025, hai xã phải xong công tác ban hành thông báo, niêm yết thu hồi đất; tháng 8 phải xong toàn bộ công tác này để khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua kinh phí thì chi trả ngay cho người dân”- ông Hoàng chỉ đạo.