Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023- 2025, tỉnh Ninh Bình đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tạo sự đồng thuận cao, đảm bảo tính tổng thể. Thông qua việc sắp xếp ĐVHC nhằm cơ cấu lại lãnh thổ, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho phát triển.

Một góc thành phố Ninh Bình.

Một góc thành phố Ninh Bình.

Thận trọng, công khai, minh bạch

Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), tỉnh Ninh Bình đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ. Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đó là: Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, đúng quy định; chú trọng và cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù, đặc biệt là các giá trị riêng có về văn hóa, điều kiện tự nhiên, hình thái lãnh thổ. Phương thức triển khai bài bản, thận trọng nhưng khoa học, tập trung, quyết liệt, dân chủ, công khai, bảo đảm mục tiêu sắp xếp ĐVHC nhằm phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bám sát các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức thảo luận dân chủ, thấu đáo và ban hành Nghị quyết số 16 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Trong đó, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quy định, toàn tỉnh có 11 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt 45%. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị (7 đô thị trung tâm, 2 đô thị chức năng, 8 đô thị khác), phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 trình cấp có thẩm quyền. Theo phương án, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện sắp xếp đối với 2 đơn vị hành chính cấp huyện (nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư) và 32 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị) và 125 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 18 đơn vị).

Điểm nhấn nổi bật trong quá trình này là việc thành lập thành phố Hoa Lư và sắp xếp ĐVHC cấp xã. Đây là đợt sắp xếp ĐVHC có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay, có tới 7/8 ĐVHC cấp huyện (chiếm 87,5%) phải thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc; có 32/143 ĐVHC cấp xã phải thực hiện sắp xếp, chiếm gần 1/3 tổng số ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh. Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chiếm gần 15% tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh.

Để việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh thành công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện; UBND tỉnh cũng thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để định hướng, chỉ đạo triển khai đồng bộ, nhất quán ngay từ bước đầu. Trong tổ chức thực hiện, tỉnh yêu cầu triển khai đồng thời cả cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu tổng thể trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác; sự phối hợp, tham gia tích cực và kịp thời của các sở, ban ngành, cơ quan cấp tỉnh để cùng với cấp huyện, cấp xã thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, tạo nhận thức đồng bộ, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nhất là cán bộ, đảng viên, Nhân dân tại các xã, các huyện thuộc diện sắp xếp và các xã, các huyện liền kề có liên quan đến sắp xếp ĐVHC. Chính quyền cấp huyện, cấp xã cũng đã chủ động đăng tải kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cổng/trang thông tin điện tử của huyện, của xã; niêm yết thông tin về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã và tại Nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn (xóm), tổ dân phố…

Đồng thời với quá trình xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiên cứu tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC như: Điều chỉnh bổ sung quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đồng bộ, phù hợp với phương án sắp xếp và quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính. Các phương án bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư cũng được các địa phương tập trung xây dựng. Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Đảm bảo lộ trình, tạo sự đồng thuận cao

Theo đồng chí Đinh Công Toản, Giám đốc Sở Nội vụ: Quá trình tổ chức lập Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình nói chung và thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư nói riêng đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt công sở, các chế độ, chính sách đặc thù... khi thực hiện phương án sắp xếp đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về quá trình sắp xếp đã giúp người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và những lợi ích mà việc sắp xếp mang lại. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực, các cơ quan chức năng đã chủ động giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân, tạo sự tin tưởng và yên tâm. Do vậy, phương án sắp xếp ĐVHC đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của cử tri trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên (Yên Khánh) cho biết: Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Khánh Tiên sẽ sáp nhập vào xã Khánh Thiện, lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Khánh Thiện. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy, UBND xã Khánh Tiên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc sáp nhập xã; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức; chủ động rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ, công chức xã, trên cơ sở đó tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền về phương án bố trí cán bộ sau sắp xếp. Do vậy mà phương án sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân xã Khánh Tiên. 100% đại biểu HĐND xã cũng đã biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã theo đúng quy định.

Đồng thuận với chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư, bà Đinh Thị Thanh ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Qua tuyên truyền, tôi nhận thấy việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư nói riêng là thực sự cần thiết nhằm mở rộng không gian, dư địa cho các địa phương sau sắp xếp. Về tên gọi thành phố Hoa Lư, tôi cũng nhận thấy đây là tên rất ý nghĩa, mang màu sắc đặc trưng của người dân Ninh Bình với niềm tự hào về Cố đô Hoa Lư. Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng việc sắp xếp mang lại, như việc giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo kế hoạch, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trong năm 2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó, cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025. Để hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn sẽ còn rất nhiều việc phải làm, song sự đồng thuận của mỗi người dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC là sự khởi đầu thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo đảm đúng quy định, tiến độ, khoa học và hiệu quả, tạo tiền đề tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, đáp ứng sự kỳ vọng phát triển của Nhân dân.

Bài, ảnh: Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khan-truong-hoan-thanh-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh/d2024091019529727.htm
Zalo