Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 2: Tăng tốc thi công, xử lý những khu vực nguy hiểm

Khi mùa mưa bão đang cận kề, tại tỉnh Nghệ An hiện tồn tại nhiều điểm sạt lở vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Nỗ lực thi công, xử lý điểm sạt lở có tính cấp bách nguy hiểm

Cứ vào mùa mưa là khu vực núi Truông, thuộc xóm Hồng Sơn, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An lại sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí, đất đá từ trên cao tràn xuống vùi lấp cả vườn, đe dọa đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Đặc biệt, sau mùa mưa lũ năm 2020, tại khu vực Rú Truông bất ngờ xuất hiện các vết nứt, điểm sạt lở kéo dài. Vào thời điểm đó, hơn 10 hộ dân cư phía dưới núi phải tổ chức sơ tán.

Qua kiểm tra hiện trạng sạt lở núi của các ngành liên quan cho thấy: Vết sạt lở núi Truông dài 1.160m, vị trí các vết nứt rộng 2,5-3m, sâu khoảng 1,5-2m. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân cần phương án khẩn cấp chống sạt lở.

Hơn 10 hộ dân nằm dưới khu vực thường xuyên sạt lở núi Rú Truông.

Hơn 10 hộ dân nằm dưới khu vực thường xuyên sạt lở núi Rú Truông.

Trước thực trạng trên, các ban, ngành liên quan đã về khảo sát, trong năm 2024, UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Nam Đàn triển khai xử lý chống sạt lở. Thời gian thi công 24 tháng, với tổng khối lượng đất đá thi công xử lý sạt lở là hơn 600m3.

Cụ thể, đơn vị thi công sẽ đào bạt mái taluy, tiến hành giật cấp mái taluy với chiều cao tầng 10m, cứ mỗi tầng tạo 1 cơ rộng 5m; bố trí rãnh thoát nước dọc tại chân cơ; bố trí các rãnh thoát nước đứng trên mái núi để tiêu nước mặt từ đỉnh núi… Sau khi hoàn thành tổ chức trồng cây phục hồi môi trường theo phương án đã được duyệt.

Bà Lê Thị Thủy, trú xóm Hồng Sơn, xã Nam Thái cho biết: "Từ sau Tết Nguyên đán, chúng tôi thấy các đơn vị đưa máy móc vào triển khai công tác thi công. Họ đào đất đá trên cao và làm sạch phía sau nhà. Người dân cũng bớt lo lắng khi mùa mưa bão đang cận kề".

Ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đến nay đơn vị quản lý giao thông đã tập trung hệ thống máy xúc, máy đào và xe ô tô vận tải khẩn trương thi công, hiện đã đạt trên 50% khối lượng. Dự kiến đến hết năm 2025, dự án xử lý sạt lở núi Truông sẽ hoàn thành.

"Đây là dự án cấp bách, vì vậy huyện thường xuyên đôn đốc và giám sát đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án xử lý chống sạt lở theo kế hoạch, đảm bảo an toàn cho trên 10 hộ dân ở khu vực này", đại diện huyện Nam Đàn cho biết.

Dự kiến sang năm, dự án chống sạt lở sẽ hoàn thành.

Dự kiến sang năm, dự án chống sạt lở sẽ hoàn thành.

Núi Nguộc nằm ven sông Lam thuộc địa bàn 2 xã Thanh Ngọc và Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, có 3 ngọn, cao 109m. Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc khá hiểm trở vì một bên núi cao, một bên sông sâu.

Những năm qua, vào mùa mưa, Quốc lộ 46B đoạn qua núi Nguộc thường xuyên xảy ra sạt lở. Đặc biệt, vào năm 2020, núi Nguộc đã sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 2km, gây ách tắc hoàn toàn Quốc lộ 46B.

Hàng trăm khối đất đá đổ ập xuống khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn năm 2020.

Hàng trăm khối đất đá đổ ập xuống khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn năm 2020.

Vì vậy, khi dự án "Xử lý sạt lở đoạn KM39 +200 - KM39 +750 Quốc lộ 46B, tỉnh Nghệ An" do Khu Quản lý đường bộ II làm chủ đầu tư được triển khai thì không những người tham gia giao thông, mà người dân địa phương cũng rất ủng hộ. Dự án khởi công từ ngày 18/5 vừa qua, dự kiến sẽ hoàn thành trong 6 tháng.

Theo thiết kế, núi Nguộc sẽ được bạt taluy theo bậc tùy vào vị trí và độ cao của núi nhằm chống sạt lở. Đường dây điện đi trên núi ảnh hưởng đến công trình đang thi công sẽ được di dời lên phía trên.

Núi Nguộc sẽ được bạt taluy theo bậc tùy vào vị trí và độ cao của núi nhằm chống sạt lở.

Núi Nguộc sẽ được bạt taluy theo bậc tùy vào vị trí và độ cao của núi nhằm chống sạt lở.

Theo ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, dự án chống sạt lở tại núi Nguộc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đi lại của nhân dân, bởi đây là con đường huyết mạch kết nối giữa huyện Thanh Chương với thành phố Vinh và các vùng phụ cận.

"Chính vì lẽ đó, khi Cục Đường bộ có chủ trương xử lý đoạn này, huyện đã tích cực phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện. Dự án hoàn thành sẽ giúp cho các phương tiện giao thông lưu thông qua đoạn đường này thuận lợi hơn, đặc biệt là khi mùa mưa đến", ông Nhã nói.

Nhiều khó khăn trong quá trình chống sạt lở

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết hằng năm đều tiến hành rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn.

Trong đó, các trường hợp uy hiếp an toàn tính mạng, nhà cửa của người dân, những địa bàn xung yếu, những điểm sạt lở có tính cấp bách ở các địa phương,… thì đơn vị đã thống kê để đề xuất hỗ trợ xử lý.

Từ nguồn vốn của Trung ương, nỗ lực của tỉnh và các địa phương, một số điểm sạt lở đã được khắc phục. Như khu vực núi Voi ở xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc, đã được bạt đất, giảm bớt chiều cao núi, từ đó giảm tải lên chân núi, giảm nguy cơ sụt lún gây nguy hiểm cho gần 70 hộ dân sống dưới chân núi.

Hiện, một số điểm sạt lở bờ sông, sườn núi cũng đang được đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng để xử lý trước mùa mưa bão 2024 sắp đến.

Ngọn núi ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn sạt lở, đổ sập xuống một số nhà ở chân núi năm 2022. Thế nhưng, đến hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Ngọn núi ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn sạt lở, đổ sập xuống một số nhà ở chân núi năm 2022. Thế nhưng, đến hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để xử lý các điểm sạt lở, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, có thể lên tới 20- 50 tỷ đồng/dự án. Vì vậy, tại một số điểm sạt lở ngân sách chưa thể bố trí đủ.

Về phương án xây dựng các khu tái định cư để chuyển hẳn người dân sang ở nơi an toàn cũng đã được quan tâm, thế nhưng vấp phải nhiều khó khăn cả về quỹ đất ở và cả về nguồn kinh phí.

"Giải pháp khả thi nhất hiện nay đó là cho doanh nghiệp vào tổ chức khai thác đất, hạ thấp độ cao và san phẳng núi để giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên thực tế, việc thực hiện phương án này cũng không đơn giản", ông Thành nói.

Quốc lộ 7 đoạn qua Dốc Chó, huyện Con Cuông thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mưa bão.

Quốc lộ 7 đoạn qua Dốc Chó, huyện Con Cuông thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mưa bão.

Đơn cử như điểm sụt lún tại núi Thọ Bùi, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Từ năm 2021, UBND huyện đã có chủ trương đầu tư dự án cấp bách xử lý sạt lở núi Thọ Bùi, nhằm khai thác đất đá, san bớt độ cao của núi để giảm ảnh hưởng, nguy cơ sụt lún, đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng các hộ dân sống dưới chân núi.

Theo dự tính, các đơn vị sẽ bạt mái taluy ở những vị trí sạt lở nghiêm trọng, di dời các hòn đá lớn trên đỉnh núi. Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu,… đều đã được phê duyệt từ tháng 7/2021.

Thế nhưng, nhiều đơn vị đã vào khảo sát sau đó đều từ chối nhận thầu. Nguyên nhân do nhiều lý do như: cung đường vận chuyển khó khăn, nằm sát khu dân cư không đảm bảo an toàn khai thác…

Trong khi đó, về phương án xây khu tái định cư cho bà con cũng không thực hiện được do vướng mắc về tài chính, nhà cửa, đất ở khu tái định cư không rộng bằng,… nên người dân cũng chưa đồng thuận.

Thiên tai trong năm 2023 tại tỉnh Nghệ An đã làm 3 người chết, 5 người bị thương; 39 nhà bị sập; 793 nhà tốc mái, hư hỏng; 15 nhà bị di dời khẩn cấp; gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khan-truong-chong-sat-lo-truoc-mua-mua-bao-bai-2-tang-toc-thi-cong-xu-ly-nhung-khu-vuc-nguy-hiem-204240808132022315.htm
Zalo