Khẩn cấp ngăn chặn sạt lở, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 743 điểm sạt lở, với chiều dài 794km. Trong đó bờ sông là 686 điểm với chiều dài 591km và bờ biển là 57 điểm với chiều dài 203km. Các tỉnh xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gồm: Cà Mau, Tiền Giang, An Giang và Đồng Tháp.

Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất từ 300-500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sụt lún trung bình hằng năm toàn vùng ĐBSCL trong giai đoạn này là 1,07cm. Ngoài ra, mùa khô năm 2024, xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở vùng ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến phức tạp, khó lường.

Sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến phức tạp, khó lường.

Tại Cà Mau, số liệu của Sở NN-PTNT cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 83km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là hơn 61km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50m, có những nơi lên đến 50-80m; sạt lở nguy hiểm dài 22km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20-40m. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: tỉnh có 188km đường bờ biển (hơn 70%) bị sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh Cà Mau chỉ mới xử lý được khoảng 78km đường bờ biển, còn hơn 80km khác cần xử lý gấp. Khu vực nội đồng, sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Trong tổng số hơn 8.000km chiều dài hệ thống kênh mương, sông ngòi của tỉnh Cà Mau, có khoảng 425km bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Riêng mùa khô năm 2024, tỉnh Cà Mau xuất hiện 730 vị trí sụt lún, với chiều dài hơn 19km, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2km.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2024 đến nay, xảy ra 6 vụ sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài 236m, diện tích sạt lở hơn 5.000m2. Ngoài ra, còn xảy ra sụt lún mái, chân kè chống xói lở bờ sông Tiền (đoạn thuộc ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) với chiều dài 24m. Khu vực nội đồng, sạt lở xảy ra nhiều hơn, với 28 vụ có tổng chiều dài 915m, gây ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân.

Tại Tiền Giang, sạt lở thường xảy ra tại các tuyến sông, kênh, rạch thuộc những huyện phía tây như: huyện Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy. Khoảng 10 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra sạt lở gần 1.200 điểm bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài hơn 117km. Tiền Giang có 32km bờ biển và sạt lở diễn ra ở mức đáng báo động.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã được đầu tư hoàn thành khoảng 78km kè bảo vệ bờ biển, với kinh phí 2.779 tỷ đồng, trong đó bờ biển tây là 56km và bờ biển đông là 22km. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai 25,6km kè bảo vệ bờ biển, với kinh phí 1.041 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã triển khai nhiều dự án công trình, kè chống sạt lở. Các dự án, công trình hoàn thành, phát huy tác dụng ngăn chặn sạt lở, bảo vệ bờ sông, đường giao thông, tài sản và tính mạng của nhân dân. Ngoài giải pháp công trình, các tỉnh còn áp dụng biện pháp phi công trình để phòng, chống sạt lở, khuyến khích người dân trồng các loại cây có khả năng giữ đất, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

Vùng ĐBSCL đã xây dựng 15 hệ thống thủy lợi tương đối khép kín (7 liên tỉnh, 8 nội tỉnh) phục vụ 2,5 triệu ha (chiếm 64% diện tích ĐBSCL), cơ bản đảm bảo cấp, tiêu thoát nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Công tác chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển, đã có hiệu quả nhất định nhưng hệ thống chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là vùng ngọt hóa. Hạ tầng thủy lợi đã từng bước được hoàn thiện nhưng trong những năm cực đoan về hạn hán, ngập lụt vẫn còn bộc lộ nhiều rủi ro, đòi hỏi phải hoàn thiện và tiếp cận ở mức độ quản lý rủi ro, đồng bộ cùng các giải pháp mềm khác.

Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) phân tích: Bờ sông và bờ biển vùng ĐBSCL đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, như: giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phi công trình, quy hoạch lại khu dân cư dọc theo tuyến bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên cơ sở so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để quyết định cho phù hợp. Đối với xử lý sạt lở bờ sông, cần thiết lập quy hoạch chỉnh trị tổng thể các sông lớn, sông rạch chính để đảm bảo lợi dụng tổng hợp của các ngành kinh tế có liên quan.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/khan-cap-ngan-chan-sat-lo-sut-lun-tai-dong-bang-song-cuu-long-i753433/
Zalo