Khẩn cấp di dân, không chủ quan với nguy cơ sạt lở đất

Xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) có 150 hộ, trong đó 122 hộ sinh sống gần khu vực đồi Lủ Thao. Quả đồi này có độ dốc lớn, đỉnh có độ cao trên 200m so với khu dân cư, nền đất yếu, kết cấu rời rạc nên có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Mặc dù chân đồi đã được xây kè bằng bê tông nhằm giảm tình trạng sạt trượt nhưng đây vẫn là khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa năm nay.

Xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) có 150 hộ, trong đó 122 hộ sinh sống gần khu vực đồi Lủ Thao. Quả đồi này có độ dốc lớn, đỉnh có độ cao trên 200m so với khu dân cư, nền đất yếu, kết cấu rời rạc nên có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Mặc dù chân đồi đã được xây kè bằng bê tông nhằm giảm tình trạng sạt trượt nhưng đây vẫn là khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa năm nay.

Khu vực đồi Lủ Thao thuộc xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đang được thi công để kiểm soát mức độ sạt lở, đảm bảo an toàn cho khu dân cư gần đó.

Khu vực đồi Lủ Thao thuộc xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đang được thi công để kiểm soát mức độ sạt lở, đảm bảo an toàn cho khu dân cư gần đó.

Đặc biệt nguy hiểm, khi bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa to kéo dài, đồi Lủ Thao đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt trượt xuống khu dân cư ngay sát chân đồi. Vì thế, chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời 43 hộ với 176 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng chí Lê Minh Long, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn cho biết: Trong 43 hộ phải di dời khẩn cấp đợt vừa qua, có 34 hộ đã chủ động đi ở nhờ nhà người thân hoặc cơ sở lưu trú phù hợp. Còn 9 hộ với 28 nhân khẩu, vì chưa chủ động được chỗ ở tạm thời nên chính quyền địa phương hỗ trợ, bố trí sinh hoạt tập trung tại một hộ kinh doanh thuộc địa bàn xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn. Tại đây, các điều kiện sinh hoạt đều được đảm bảo, chủ nhà luôn nhiệt tình giúp đỡ khiến bà con rất cảm kích. Trong lúc khó khăn này, tinh thần "tương thân, tương ái” và sự chia sẻ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp bà con vơi đi phần nào nỗi lo lắng, bất an.

Song song với nỗ lực di dân, huyện Lương Sơn đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để sáng 19/9 khởi công dự án Phòng chống sạt lở và bảo vệ an toàn dân sinh tại đồi Lủ Thao. Với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, dự án sẽ cải tạo khu vực kè chống sạt lở, xây dựng mới công trình phòng chống sạt lở tại các vị trí liền kề nhằm kiểm soát nguy cơ, đảm bảo an toàn một cách bền vững cho khu dân cư gần khu vực đồi Lủ Thao. Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn của các khu dân cư gần đồi núi để kịp thời triển khai các phương án ứng phó, bảo vệ người dân.

Cũng như huyện Lương Sơn, trong và sau bão số 3, nguy cơ sạt lở đất tăng mạnh tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng cao và các khu vực gần đồi núi. Tại huyện Đà Bắc, trước mùa mưa bão năm nay, huyện đã rà soát, xác định 15 điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất với 757 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi cơn bão số 3 ập đến và sau đó là hoàn lưu bão gây mưa to kéo dài, thực tế phức tạp hơn nhiều và phát sinh các điểm mới có nguy cơ sạt lở. Điển hình như khu vực đồi Ao Ếch thuộc xóm Rằng, xã Cao Sơn. Trong 2 ngày 12 - 13/9, ngay sau khi phát hiện trên đồi Ao Ếch có các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt trượt gây nguy hiểm cho toàn bộ khu dân cư gần đồi, chính quyền địa phương đã khẩn cấp huy động lực lượng để hỗ trợ sơ tán 30 hộ dân với 126 nhân khẩu. Việc sơ tán được thực hiện khẩn trương với sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có cả người cao tuổi như bà Bùi Thị Nguyên.

Bà Nguyên tâm sự: Là hộ đầu tiên phải di dời vì nhà ngay sát chân đồi và gần nơi có dấu hiệu sạt trượt, tôi đang ở nhờ nhà chị gái. Tuy hơi bất tiện trong sinh hoạt, nhưng tôi hiểu sơ tán thời điểm này là việc cần làm để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình. Theo vận động của cán bộ, tôi sẽ không quay về nhà khi chưa đảm bảo an toàn. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có chỗ ở ổn định. Mong các lực lượng xử lý được nguy cơ sạt lở của đồi Ao Ếch để chúng tôi được trở về nhà. Hoặc hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, không bị thấp thỏm mỗi khi mùa mưa đến…

Đó cũng là mong mỏi chung của hàng trăm hộ dân gần đây vừa phải khẩn cấp sơ tán vì có nhà nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất sau bão số 3. Mặc dù cơn bão khốc liệt đã đi qua nhưng đến nay vẫn để lại nhiều nguy cơ, thậm chí gia tăng nguy cơ, đòi hỏi công tác ứng phó cần được triển khai tích cực, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Đáng ghi nhận, những ngày qua, các địa phương vẫn đề cao cảnh giác, tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, nhất là tại các vị trí phát sinh nguy cơ sạt lở đất. Qua đánh giá nguy cơ đã kịp thời tổ chức di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Điển hình như huyện Lương Sơn tổ chức di dời 43 hộ, huyện Đà Bắc di dời 30 hộ, huyện Lạc Sơn di dời 50 hộ thuộc xã Tuân Đạo, sau đó là 15 hộ tại xã Quý Hòa…

Ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, lực lượng chuyên trách, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong công tác khắc phục hậu quả bão số 3, lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh tinh thần chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Vì vậy, thời gian tới, cả hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao độ khắc phục hậu quả mưa, bão. Trong đó, các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường rà soát nhằm kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn. Với tinh thần không chủ quan khi ứng phó thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu phải kiên quyết di dân ra khỏi nơi có nguy cơ cao nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người do các nguyên nhân chủ quan.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/193741/khan-cap-di-dan,-khong-chu-quan-voi-nguy-co-sat-lo-dat.htm
Zalo