Khám phá tính cách lưỡng phân
Xây dựng nhân vật với kiểu tính cách lưỡng phân sẽ giúp nhà văn phản ánh chân thực và sống động bản chất của con người.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Quốc Việt
Tính cách lưỡng phân của nhân vật trong tác phẩm tự sự là một khía cạnh khá mới mẻ, hấp dẫn, thể hiện sự phức tạp, đa chiều trong tâm lí, hành động và tư duy của nhân vật. Nếu được trang bị kỹ năng khám phá đặc điểm tính cách lưỡng phân thì người học không chỉ hiểu rõ hơn về nhân vật, thông điệp của tác phẩm mà còn thấy được tài năng và phong cách nghệ thuật của tác giả.
Tính cách lưỡng phân là khái niệm dùng để mô tả sự thống nhất giữa những đặc điểm tính cách đối lập, tồn tại song song bên trong một nhân vật, tạo nên sự mâu thuẫn hoặc đa chiều trong cách hành xử, suy nghĩ, và cảm xúc.
Xây dựng nhân vật với kiểu tính cách lưỡng phân sẽ giúp nhà văn phản ánh chân thực và sống động bản chất của con người. Bởi vì con người trong đời thực không bao giờ đơn giản, một chiều mà luôn tồn tại sự phức tạp, mâu thuẫn trong tính cách và hành động.
Nhờ tính cách lưỡng phân, nhân vật sẽ có chiều sâu, phản ánh được tính chất phức tạp của đời sống nhân sinh, từ đó thể hiện được nhiều triết lý, quy luật sâu sắc. Phân tích tính cách lưỡng phân giúp độc giả nhận thức rõ hơn về bản chất con người, đồng thời nâng cao khả năng thấu hiểu, đồng cảm với những người xung quanh trong đời thực, từ đó đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Để phân tích tính cách lưỡng phân của nhân vật, người học có thể áp dụng quy trình với ba bước sau đây.
Tìm kiếm các biểu hiện đối lập ở nhân vật
Các nhân vật thường biểu hiện sự mâu thuẫn, đối lập qua các hành động, nội tâm, lời nói, các mối quan hệ. Các biểu hiện đối lập quen thuộc ở trong tính cách lưỡng phân của nhân vật thường xoay quanh: Sự đối lập giữa lý trí và tình cảm, sự đối lập giữa ý thức và bản năng, sự đối lập giữa khát vọng cá nhân và bổn phận, trách nhiệm xã hội.
Ở mỗi nhân vật thì sự đối lập này lại có biểu hiện phong phú, sinh động khác nhau như sự đối lập giữa vị tha và ích kỉ, cao thượng và thấp hèn, đạo đức và tội lỗi, mạnh mẽ và yếu đuối, yêu thương và thù hận, mù quáng và tỉnh táo…
Khi phân tích, người học cần chú ý các chi tiết miêu tả hành động, lời nói, hay sự đấu tranh, giằng xé trong nội tâm nhân vật. Ví dụ nhân vật Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân thể hiện sự mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm, giữa ý thức trao duyên là cho đi và bản năng sở hữu của tình yêu là muốn giữ lại: Chiếc thoa với bức tờ mây/ Duyên này thì giữ vật này của chung (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao) vừa là kẻ mù quáng nhất làng Vũ Đại khi bị Bá Kiến biến thành tay sai vừa là kẻ tỉnh táo nhất làng Vũ Đại, là một nô lệ thức tỉnh khi nhận ra rằng không ai cho hắn lương thiện được nữa.
Nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) vừa yếu đuối, nhẫn nhục, đầu hàng hoàn cảnh, lại vừa nổi loạn với sức sống tiềm tàng bên trong. Nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) vừa thất học vừa sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời…
Phân tích nguyên nhân của sự đối lập và mâu thuẫn
Thông thường tính cách lưỡng phân của nhân vật có gốc rễ từ các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất là do nguyên nhân bên trong từ bản chất cố hữu của con người. Con người là một thực thể riêng biệt với cơ chế tâm sinh lí đa tầng, phức tạp không có phiên bản thứ hai. Với cơ chế tâm sinh lí ấy, con người tự nó đã tồn tại những mặt đối lập, dù rơi vào hoàn cảnh sống như nhau thì vẫn có những biểu hiện lưỡng phân khác nhau. Sự lưỡng phân của nhân vật chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ giữa hai phần khác nhau bên trong con người: Đạo đức và bản năng, lý tưởng xã hội và tính dục.
Ví dụ nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) với bản năng ham sống mãnh liệt, khi bị cái đói bức thiết, chị phải chao chát, chỏng lỏn để có được miếng ăn, bám vào Tràng để mong được sống sót qua nạn đói. Thời điểm này là bản năng sinh tồn chiến thắng lý tưởng xã hội và chuẩn mực thẩm mĩ. Nhưng khi bước qua được thời điểm ấy, thì ý thức thân phận, lòng tự trọng lại trở về, hiện ra ở thái độ dè dặt và hành xử đúng mực của chị khi về nhà gặp bà cụ Tứ.
Thứ hai, nhân vật tồn tại sự phức tạp trong nội tâm và tính cách do lai lịch, xuất thân, hoàn cảnh sống. Các nhân vật trong truyện thường gắn với hoàn cảnh xuất thân cụ thể, dưới sự tác động của môi trường sống và quan hệ với các nhân vật khác sẽ tự làm nảy sinh tính lưỡng phân. Nhân vật người đàn bà hàng chài bên ngoài nhu nhược, cam chịu, bên trong kiên cường, mạnh mẽ.
Nhân vật quản ngục (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân) vừa là một cai ngục khắt khe vừa là người có tâm hồn nghệ sĩ khao khát cái đẹp. Nhân vật Anna Karenina (Anna Karenina - Leptonxtoi) bị giằng xé giữa khao khát tình yêu cá nhân và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thứ ba, nhân vật bị đặt vào trong một tình thế đặc biệt buộc phải lựa chọn giữa các phương án giải quyết. Như nhân vật Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân) bị đặt vào sự lựa chọn giữa việc từ chối hay chấp nhận người đàn bà theo mình về nhà, nghĩa là lựa chọn giữa một bên là sự sống và bên kia là hạnh phúc.
Nếu Tràng lựa chọn đưa người đàn bà về thì mạo hiểm vì phải san sẻ một phần miếng ăn - thời điểm này đồng nghĩa với sự sống - cho người khác. Còn bên kia là từ chối người đàn bà cũng là từ chối niềm vui, niềm hạnh phúc bản thân.
Nhân vật ông họa sĩ (Bức tranh - Nguyễn Minh Châu) bị đặt vào trong tình thế phải lựa chọn giữa việc mang bức tranh về cho người mẹ già đang trông tin con và việc đưa bức tranh đi tham dự các cuộc triển lãm nghệ thuật. Với nhân vật họa sĩ, đây là sự lựa chọn giữa hai quan điểm: Nghệ thuật nên tồn tại vì số phận mỗi cá nhân hay nghệ thuật nên phục vụ lợi ích cộng đồng?
Thứ tư, tính cách lưỡng phân của nhân vật có thể được xây dựng xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của tác giả. Có những trường hợp, tác giả xây dựng tính cách lưỡng phân của nhân vật thành một ẩn dụ, biểu tượng cho sự phức tạp của con người hay một hiện tượng xã hội, văn hóa, hoặc chỉ đơn giản là làm tăng sự kịch tính, tạo nên sự bất ngờ và cuốn hút trong cách phát triển nhân vật.
Với nhân vật ông Diểu (Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp) sự đấu tranh giữa việc mang con khỉ đực trở về sau cuộc đi săn và một bên là trả tự do cho nó về với rừng xanh là biểu tượng, ẩn dụ cho sự đấu tranh giữa phần hoang dã và văn minh, giữa phần thú tính và phần nhân bản trong tính cách.
Ở nhân vật lão Khúng (Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu), sự đối lập giữa niềm hạnh phúc khi được trả tự do cho con Khoang Đen và nỗi đau khổ bất lực khi phải chấp nhận nó quay về bên mình trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn của khát vọng giải phóng bản thân với môi trường xã hội áp đặt, định kiến, giữa mong muốn được tự do và sự nô lệ trong ý thức ăn sâu trong tiềm thức của con người nói chung.

Cô Thái Thị Thanh Huyền và học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Tìm hiểu ý nghĩa của tính cách lưỡng phân
Tính cách lưỡng phân giúp cho nhân vật hiện lên một cách sống động, chân thực, có chiều sâu, gần gũi với đời sống hiện thực. Tính cách lưỡng phân cho thấy những mâu thuẫn nội tại của nhân vật thường là đại diện cho mâu thuẫn lớn hơn trong xã hội hoặc giữa cá nhân với xã hội.
Nó phản ánh tính chất phức tạp, đa chiều của hiện thực đời sống. Mặt khác, nhân vật có tính cách lưỡng phân thường đứng trước những sự giằng xé, lựa chọn khó khăn, điều này làm cho nhân vật trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Nhân vật có tính cách lưỡng phân cũng có ý nghĩa thúc đẩy xung đột và phát triển cho mạch truyện.
Thông thường trong các tác phẩm tự sự, những phân đoạn miêu tả sự giằng xé, đấu tranh bên trong nhân vật thường là những điểm cao trào của cốt truyện, tạo nên kịch tính và điểm nhấn cho câu chuyện. Từ đó, nhân vật mang tính cách lưỡng phân thường là phương tiện hữu hiệu chuyên chở tư tưởng, triết lí hoặc góc nhìn sâu sắc về cuộc sống nhân sinh.
Những nhân vật có tính cách lưỡng phân thường đại diện cho những con người bị chi phối bởi hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử hoặc mâu thuẫn xã hội. Tính cách lưỡng phân góp phần tạo nên tính điển hình của các nhân vật bởi sự sống động chân thực độc đáo và tính chất đại diện của nó.
Phân tích nhân vật ở tính cách lưỡng phân là cách tiếp cận sâu sắc và toàn diện để khám phá chiều sâu nhân vật, tư tưởng tác phẩm và bối cảnh xã hội phản ánh trong tác phẩm. Kỹ năng này không chỉ giúp người đọc hiểu hơn về con người mà còn khơi gợi những bài học giá trị về đạo đức, triết lý và ý nghĩa của cuộc sống. Khi phân tích tính cách lưỡng phân, người đọc có cơ hội khám phá chiều sâu tâm lý của nhân vật, từ đó thấu cảm hơn với hoàn cảnh và lựa chọn của họ.
Qua việc xây dựng những mâu thuẫn trong tính cách, các nhà văn kêu gọi sự đồng cảm và đấu tranh cho những giá trị nhân văn. Các giáo viên và học sinh được trang bị kỹ năng tiếp cận nhân vật ở khía cạnh lưỡng phân tính cách, sẽ khám phá được vẻ đẹp và giá trị của các tác phẩm tự sự.
Trong chương trình GDPT 2018 ở bộ môn Ngữ văn, mục tiêu cần đạt của các bài học về thể loại tự sự là giúp học sinh phát triển khả năng phân tích các yếu tố nội dung và nghệ thuật như cốt truyện, kết cấu, điểm nhìn, tình huống, nhân vật, chi tiết nghệ thuật và ngôn ngữ trần thuật. Tuy nhiên trong các tiết học về các tác phẩm tự sự, giáo viên và học sinh chủ yếu vẫn còn giữ cách tìm hiểu nhân vật theo lối truyền thống nên chưa mang lại nhiều hứng thú cho người học.