Khám phá 'quái vật 3 mắt' từng tung hoành khắp đại dương cách đây hơn 500 triệu năm

Một loài săn mồi cổ đại, sở hữu ba mắt, hàm răng tròn và vây bơi hai bên thân, vừa được các nhà khoa học phát hiện qua hóa thạch tại Canada. Dù chỉ dài bằng ngón tay, sinh vật này mang hình hài kỳ dị chưa từng thấy trong thế giới hiện đại.

Mang tên Mosura fentoni, sinh vật này sống cách đây hơn 508 triệu năm, trong thời kỳ Cambri – giai đoạn sự sống bùng nổ dưới đại dương. Hóa thạch của nó được tìm thấy tại đá phiến Burgess (Burgess Shale) nổi tiếng của Canada – một kho báu địa chất nơi mô mềm, cấu trúc nội tạng và các chi tiết cực nhỏ của sinh vật cổ đại được bảo tồn đáng kinh ngạc.

Một bản tái tạo nghệ thuật của Mosura fentoni .

Một bản tái tạo nghệ thuật của Mosura fentoni .

Mosura có ba mắt, hàm răng tròn bao quanh miệng, hai càng có gai để bắt mồi, vây bơi ở hai bên cơ thể và đặc biệt là 26 đốt thân – nhiều nhất trong nhóm radiodonts (một nhánh đã tuyệt chủng, có họ hàng xa với loài chân đốt ngày nay như côn trùng, cua, nhện...).

Các nhà nghiên cứu đặt tên “Mosura” vì hình dáng của nó gợi đến loài bướm đêm, dù không có mối liên hệ tiến hóa trực tiếp.

“Mosura có 16 đốt gắn mang ở phần sau – giống như cách cua móng ngựa hay côn trùng hiện đại sắp xếp cơ quan hô hấp,” nhà cổ sinh vật học Joe Moysiuk từ Bảo tàng Manitoba cho biết.

Nhờ điều kiện bảo tồn tuyệt vời tại đá phiến Burgess, nhóm nghiên cứu đã phân tích 61 mẫu hóa thạch Mosura và phát hiện các chi tiết cực hiếm: dấu vết của bó dây thần kinh kết nối mắt, cùng hệ tuần hoàn hở – tương tự như côn trùng hiện đại, nơi tim bơm máu trực tiếp vào khoang cơ thể thay vì qua mạch máu.

Đặc biệt, các khoang máu (gọi là lacunae) trong cơ thể Mosura vẫn còn rõ nét trên hóa thạch, mở ra cách hiểu mới về hệ tuần hoàn cổ đại của các loài cùng thời.

“Những cấu trúc này từng gây tranh cãi, vì không rõ chúng là gì. Nhưng giờ đây, Mosura xác nhận rằng kiểu tuần hoàn này đã tồn tại từ rất sớm,” Moysiuk nhận định.

Phần sau của Mosura có cấu trúc hô hấp khác thường, có thể là bằng chứng cho thấy nó sống ở môi trường khác hoặc săn mồi theo cách đặc biệt so với những họ hàng radiodont khác. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng vẫn cần thêm dữ liệu để giải mã rõ hơn về chức năng này.

Theo nhà nghiên cứu Jean-Bernard Caron từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Mosura cho thấy các loài chân đốt sơ khai đã vô cùng đa dạng và có khả năng thích nghi cao không thua gì hậu duệ hiện đại của chúng.

“Radiodont là nhóm chân đốt đầu tiên tách nhánh trên cây tiến hóa, nên mỗi phát hiện về chúng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tổ tiên chung của các loài động vật ngày nay,” Caron chia sẻ.

Nghiên cứu về Mosura fentoni vừa được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science.

Như Ý (Science Alert)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kham-pha-quai-vat-3-mat-tung-tung-hoanh-khap-dai-duong-cach-day-hon-500-trieu-nam/20250525073625849
Zalo