Khám phá hệ thống pháo phản lực đa nòng cỡ lớn mà Triều Tiên vừa ra mắt

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/8 đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã quan sát phóng thử nghiệm và nghiệm thu hệ thống tên lửa đa nòng cỡ 240 mm do nước này tự sản xuất.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quan sát kết quả phóng tên lửa qua màn hình (Ảnh: KCNA).

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quan sát kết quả phóng tên lửa qua màn hình (Ảnh: KCNA).

Được biết, hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cỡ đạn lớn này được các doanh nghiệp công nghiệp quân sự trực thuộc Ủy ban Kinh tế thứ Hai Triều Tiên sản xuất.

Theo báo cáo, hệ thống vũ khí phóng tên lửa đã được nâng cấp công nghệ về tính cơ động và khả năng tấn công. Trong lần phóng thử nghiệm thu này, hệ thống đã chứng minh được tính ưu việt của tất cả các chỉ số như hệ thống dẫn đường mới được áp dụng, khả năng cơ động và sức mạnh hủy diệt của vũ khí.

 Ông Kim Jong-un nghe báo cáo về hệ thống phóng tên lửa mới (Ảnh: Reuters).

Ông Kim Jong-un nghe báo cáo về hệ thống phóng tên lửa mới (Ảnh: Reuters).

Tháp tùng ông Kim Jong-un trong chuyến thị sát có các ông Park Chung-chon, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Ri Yong-ji, Tổng Tham mưu trưởng và những người khác.

Theo Yonhap, hệ thống phóng tên lửa cỡ nòng 240 mm là loại vũ khí được Triều Tiên phát triển “dành riêng cho khu vực thủ đô của Hàn Quốc”. Vào tháng 2/2024, Triều Tiên thông báo Học viện Khoa học Quốc phòng đã phát triển một loại đạn tên lửa cỡ 240 mm mới có tính năng dẫn đường; vào tháng 5, họ đã "tích hợp hệ thống chỉ huy bắn tự động" vào hệ thống phóng tên lửa mới này với khả năng cơ động và độ tập trung hỏa lực được nâng cao.

 Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ phóng nghiệm thu vũ khí (Ảnh: Yonhap).

Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ phóng nghiệm thu vũ khí (Ảnh: Yonhap).

Theo Yonhap, việc Triều Tiên công khai hiện trường bắn thử nghiệm thu hệ thống vũ khí phóng tên lửa mới của mình nhằm phô trương sức mạnh với thế giới bên ngoài, đồng thời cũng có thể xem xét khả năng cung cấp vũ khí này cho Nga.

Yonhap cho biết thông tin Triều Tiên cung cấp bệ phóng tên lửa cỡ 122mm cho tiền tuyến của Nga sử dụng trong các cuộc tấn công Ukraine đã được xác nhận nên không thể loại trừ khả năng nước này cũng sẽ cung cấp các bệ phóng tên lửa 240mm.

 Tên lửa rời bệ phóng (Ảnh: Sohu).

Tên lửa rời bệ phóng (Ảnh: Sohu).

Trước đó, hôm 11/5/2024, KCNA đưa tin bắt đầu từ năm nay Triều Tiên sẽ trang bị cho quân đội của mình hệ thống vũ khí phóng tên lửa đa nòng 240mm mới, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Triều Tiên sẽ trải qua "những thay đổi trọng đại" trong việc tăng cường khả năng chiến đấu bằng pháo binh.

Ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ "thúc đẩy hơn nữa sự tiến triển của công tác kinh tế quốc phòng" khuyến khích việc "nâng cao lên mức cao nhất việc sản xuất hệ thống vũ khí phóng tên lửa được đổi mới công nghệ và đạn tên lửa có điều khiển".

 Tên lửa lao xuống mục tiêu.

Tên lửa lao xuống mục tiêu.

Hệ thống phóng tên lửa đa nòng 240mm (MLRS) sử dụng khung gầm xe tải 6x6 với cabin kíp pháo thủ ở phía trước và bệ phóng tên lửa ở phía sau. Xe phóng tên lửa được trang bị 2 bộ ống phóng, mỗi bộ 11 nòng (ống phóng), xếp thành 3 hàng: hàng thứ nhất có 3 ống phóng, hàng thứ hai và thứ ba mỗi hàng có 4 ống phóng. Có thông tin đạn tên lửa nặng 407 kg, mang đầu nổ nặng 85 kg, khi nổ có bán kính sát thương 300m, tầm bắn đạn thường 40 - 60 km.

Loại bệ phóng tên lửa đa nòng mới này là một bước tiến lớn trong hệ thống pháo binh của Triều Tiên. Triều Tiên cũng đang tập trung phát triển hệ thống bệ phóng tên lửa đa nòng cỡ 300mm. Bệ phóng tên lửa đa nòng 240mm hiện nay được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động và có thể phóng cả đạn tên lửa tiêu chuẩn và tên lửa dẫn đường.

 Tên lửa đánh trúng mục tiêu giả định.

Tên lửa đánh trúng mục tiêu giả định.

Hệ thống pháo binh mới này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2024 đến năm 2026 và thay thế các trang bị hiện có của quân đội Triều Tiên. Việc nâng cấp phản ánh những nỗ lực không ngừng của Triều Tiên nhằm hiện đại hóa công nghệ quân sự và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu trong môi trường an ninh khu vực đang diễn biến nhanh chóng.

Trong những năm qua, Triều Tiên đã liên tục tăng cường phát triển năng lực quân sự, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hỏa lực pháo binh thông qua các công nghệ như hệ thống phóng tên lửa đa nòng. Những hệ thống này rất quan trọng trong việc nhanh chóng đưa đạn nổ tới khu vực có diện rộng, đóng vai trò quan trọng đối với vai trò bão hòa và chế áp hỏa lực trong chiến tranh hiện đại.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát các máy bay không người lái (Ảnh: CCTV).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát các máy bay không người lái (Ảnh: CCTV).

Sự phát triển hệ thống phóng tên lửa đa nòng của Triều Tiên chú trọng những cải tiến đáng kể về tầm bắn và tải trọng. Những cải tiến này cho phép hệ thống tấn công sâu hơn và mạnh mẽ hơn, mở rộng phạm vi tác dụng chiến lược.

Ngoài ra, việc đưa công nghệ tên lửa dẫn đường vào các bệ phóng tên lửa đa nòng cỡ đạn lớn như 300mm và 240mm mới cho thấy sự nâng cao đáng kể về độ chính xác của chúng.

Nhìn chung, việc Triều Tiên tập trung phát triển các hệ thống vũ khí này trong nước làm nổi bật cam kết của nước này về khả năng tự lực cánh sinh năng lực phòng thủ. Điều này không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự của Triều Tiên mà còn làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài đối với các thiết bị quân sự quan trọng.

Theo Guancha, Yonhap, Sohu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kham-pha-he-thong-phao-phan-luc-da-nong-co-lon-ma-trieu-tien-vua-ra-mat-post177723.html
Zalo