Khám phá 4 phim đương đại từ nền điện ảnh năng suất nhất thế giới
Ấn Độ với khoảng 2.000 phim ra mắt mỗi năm được coi là nền điện ảnh có sức sản xuất lớn nhất trên thế giới, sẽ có 4 tác phẩm đương đại được giới thiệu đến cho khán giả Việt Nam trong dịp đầu năm 2025.
Một trong những hoạt động giao lưu văn hóa “mở màn” năm mới, dành cho tín đồ điện ảnh, là Liên hoan phim Ấn Độ tại Hà Nội, do Đại sứ quán Ấn Độ chủ trì tổ chức. Chương trình kéo dài từ ngày 5-11/1 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Bốn bộ phim đương đại được chọn lọc để giới thiệu gồm “Tiếng Anh tiếng em” (2012), “Sống chỉ một lần” (2011), “Nữ đô vật” (2016) và đáng chú ý nhất là “RRR” (2022).
“RRR” (Tiếng gầm tự do) là phim hành động, chính kịch của đạo diễn SS Rajamouli, từng trở thành hiện tượng mang tầm quốc tế nhờ lối kể chuyện khác thường. Phim lấy bối cảnh Ấn Độ năm 1920 dưới ách đô hộ thực dân, kể câu chuyện hư cấu, lấy cảm hứng từ hai nhà cách mạng có thật Rama Raju và Komaram Bheem.
Từ những người không quen biết, cả hai được gắn kết bởi lòng trung thành và hoàn cảnh lịch sử, cùng nhau tôn vinh những giá trị tình bạn, sự hy sinh, lòng yêu nước và khát khao giải phóng dân tộc.
Trên nền tảng Rotten Tomatoes, “RRR” nhận số điểm 96% "cà chua tươi" từ 104 đánh giá của giới phê bình quốc tế, với nhận định chung về phim là "độ hấp dẫn cao kéo dài trong suốt 187 phút của bộ phim." Phim thu 166,6 triệu USD toàn cầu, trong đó khoảng 90% doanh thu đến từ các thị trường nước ngoài. Ca khúc “Naatu Naatu” thắng một giải Oscar cùng nhiều giải thưởng từ trong và ngoài nước khác.
Ba tác phẩm còn lại đều là những phim được yêu thích trong nước, khai thác các chủ đề và thông điệp được chú ý trong thời hiện đại như bình đẳng giới, phát triển bản thân và sự tiếp nối, phát triển của các giá trị truyền thống.
“Nữ đô vật” (Dangal) thuộc thể loại phim tiểu sử, chính kịch-thể thao, nổi tiếng quốc tế, dựa trên nhân vật có thật về một cựu đô vật Ấn Độ tên Mahavir Singh Phogat. Phim tái hiện hành trình của ông khi huấn luyện hai con gái trở thành đô vật giống như mình, đi thi đấu quốc tế và gặt hái thành công, bất chấp những định kiến từ xã hội.
Phim có doanh thu 303 triệu USD toàn cầu, gồm gần 200 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, tập trung vào thông điệp thúc đẩy bình đẳng giới, mở rộng tiếp cận cho khán giả mọi độ tuổi có thể xem.
“Tiếng Anh tiếng em” (English Vinglish) xoay quanh một bà nội trợ bị gia đình coi thường vì khả năng tiếng Anh hạn chế. Thông qua những nỗ lực âm thầm, bà dần trở nên tự tin và có được sự công nhận từ những người xung quanh. Phim được khán giả trong nước đánh giá cao khi khai thác câu chuyện về lòng tự trọng, trao quyền cho phụ nữ và phá vỡ các khuôn mẫu xã hội. Ngoài ra phim còn tôn vinh sự phát triển và những nỗ lực không ngừng trong việc trau dồi, cải thiện bản thân. Phim mở cho khán giả đủ 13 tuổi trở lên.
“Sống chỉ một lần” (Zindagi na Milegi Dobara) mang đến thông điệp trẻ trung hơn, về 3 người bạn thân trên một chuyến đi tới Tây Ban Nha. Trong hành trình phiêu du, mỗi người đều phải đối mặt với một nỗi sợ của riêng mình. Vượt qua được những nỗi sợ ấy, họ không chỉ vượt qua chính mình mà còn có thể hàn gắn những mâu thuẫn khác trong cuộc sống. Phim dành cho khán giả đủ 16 tuổi.
Để xem phim, khán giả cần đăng ký bằng cách quét mã trên mỗi phim. Các buổi chiếu mở đón khách đến khi hết chỗ.
Bollywood chỉ là một phần của điện ảnh Ấn Độ
Bollywood là tên gọi của loạt phim Ấn Độ nói tiếng Hindi với sự pha trộn của nhiều ngoại ngữ khác, nổi tiếng với những tác phẩm như “3 chàng ngốc” và loạt từng giành giải Oscar như “Lagaan: Cuộc chiến tự do” “Triệu phú khu ổ chuột” và “RRR”...Một số khác từng góp mặt tại các liên hoan phim quốc tế lớn, trong đó có Liên hoan phim Cannes.
Với dân số lớn và nhu cầu giải trí cao, hàng năm, đất nước tỷ dân này sản xuất khoảng 2.000 phim và được coi là nền điện ảnh năng suất nhất thế giới. Bollywood chỉ chiếm khoảng 12,5% sản lượng này.
Bên cạnh Bollywood, Ấn Độ còn có các mảng điện ảnh khác như Tollywood (mảng phim nói tiếng Telugu), Kollywood (tiếng Tamil), Mollywood (tiếng Malayalam) và Sandalwood (tiếng Kannada)...