Khám, chữa bệnh từ xa - công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế và người bệnh

Khám, chữa bệnh từ xa không thể thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Khi đó, y tế tuyến trên không còn quá tải, tuyến dưới được nâng cao trình độ, người dân được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí đi lại.

Hội chẩn trực tuyến giữa Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương với Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, có sự tham dự của các đơn vị y tế trong tỉnh để xử trí một ca bệnh sản khoa trên nền tảng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa do Sở Y tế tỉnh đầu tư

Hội chẩn trực tuyến giữa Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương với Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, có sự tham dự của các đơn vị y tế trong tỉnh để xử trí một ca bệnh sản khoa trên nền tảng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa do Sở Y tế tỉnh đầu tư

Mô hình kinh tế chia sẻ thuộc lĩnh vực ngành Y tế hiện nay là sử dụng chung các trang thiết bị y tế, chẩn đoán từ xa... Đây là một loại hình dịch vụ y tế được cung cấp bằng cách tương tác qua hệ thống âm thanh và hình ảnh điện tử giữa bệnh viện và bệnh nhân không ở cùng một địa điểm. Người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Từ những ngày đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, do diễn biến phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân nên người dân giảm sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Công suất hoạt động của các bệnh viện bị sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển hệ thống y tế. Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; đồng thời là bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đề án khám chữa bệnh từ xa đã thu được nhiều kết quả khả quan như: Đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên - tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện. Chính giai đoạn cách ly xã hội khi dịch COVID-19 bùng phát đã cho thấy khám, chữa bệnh từ xa là một nhu cầu thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, được trực tiếp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia tại các bệnh viện tuyến Trung ương trên cả nước, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương nên cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã được đầu tư phát triển cơ bản đầy đủ, đồng bộ; nhiều kỹ thuật mới được triển khai nhằm nâng cao chất lượng điều trị, khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện. Công tác khám bệnh, chữa bệnh từ xa đã được ngành Y tế Lâm Đồng quan tâm đầu tư phát triển. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai Đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021-2025 nhằm mục đích kết nối, liên thông dữ liệu với các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh triển khai hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương.

Nhờ kết nối khám, chữa bệnh từ xa, các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh đã tham gia vào mạng lưới đào tạo, hội chẩn và hỗ trợ kỹ thuật từ xa của các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương: Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng… Hàng tuần, hàng tháng, các đơn vị y tế cử cán bộ tham gia trực tuyến các buổi hội chẩn của bệnh viện tuyến trên để trau dồi chuyên môn và rút kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị; hội chẩn trực tuyến cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được đầu tư hệ thống polycom hội chẩn từ xa từ năm 2020, tham gia vào mạng lưới tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương; hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho các Trung tâm Y tế các huyện phía Bắc (Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông).

Từ năm 2021, ngành Y tế Lâm Đồng được đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến quy mô toàn ngành, trong đó 100% đơn vị tuyến huyện, thành phố trở lên được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, họp giao ban, họp khẩn trong công tác chuyên môn, họp trực tuyến với Bộ Y tế… Trong đó, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, thành phố trở lên được trang bị tối thiểu 3 điểm cầu mỗi đơn vị, đáp ứng triển khai Hệ thống chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa, khám, chữa bệnh từ xa. Kết quả từ năm 2021 đến nay, toàn ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức đào tạo trực tuyến 87 buổi với số lượng cán bộ được đào tạo lý thuyết là 430 người, số người được đào tạo thực hành là 43 người, hội chẩn tư vấn từ xa của tuyến Trung ương cho 25 bệnh nhân, hội chẩn tư vấn từ xa của tuyến tỉnh cho 28 bệnh nhân.

Khó khăn hiện nay là các trang thiết bị công nghệ thông tin tại các đơn vị khám, chữa bệnh vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được các yêu cầu để triển khai khám, chữa bệnh từ xa; chưa có đường truyền internet riêng biệt để đảm bảo được độ ổn định khi kết nối với các bệnh viện tuyến trên khi thực hiện việc hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; phân bố nhân lực y tế không đồng đều, cán bộ có tay nghề cao và các kỹ thuật y học hiện đại thường tập trung chủ yếu ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương...

Vì vậy, hiện nay, một số đơn vị y tế chỉ mới bước đầu triển khai được hoạt động hội chẩn tư vấn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ y tế, chưa triển khai được các dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa phục vụ người bệnh.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/kham-chua-benh-tu-xa-cong-cu-ho-tro-huu-ich-cho-he-thong-y-te-va-nguoi-benh-bd5031c/
Zalo