Khám cho có?
Từ nhiều năm nay, tình trạng 'mua bán' giấy khám sức khỏe để xin đi học, đi làm, thi hoặc đổi giấy phép lái xe đã không còn xa lạ với nhiều người. Cũng đã có không ít cơ sở y tế bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý về hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, bên cạnh việc 'mua bán' này, một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại đang tồn tại ở một số cơ sở y tế nhưng ít được nhắc đến, đó là kiểu 'khám cho có'.

Bác sĩ làm đúng trách nhiệm trong việc khám sức khỏe cho người thi hoặc cấp đổi giấy phép lái xe cũng là góp phần giúp giảm các vụ tai nạn giao thông (Ảnh mang tính chất minh họa).
Trong quá trình tác nghiệp để tuyên truyền về lĩnh vực này chúng tôi đã “mục sở thị” tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Thái Nguyên, với nội dung khám sức khỏe để lái xe hạng B. Quy trình khám sức khỏe để đổi giấy phép lái xe (GPLX) ở đây khiến chúng tôi hết sức bất ngờ.
Chỉ khoảng 30 phút là người khám đã hoàn tất toàn bộ các bước và cầm trên tay tờ giấy khám với dòng kết luận “đủ sức khỏe lái xe hạng B”. Điều đáng nói là trong khi có khá nhiều nội dung cần được khám thì người khám chỉ được đo huyết áp, thị lực và xét nghiệm nước tiểu. Các nội dung khác như khám tâm thần, thần kinh, cơ xương khớp… đều được bác sĩ điền “bình thường” sau một hai câu hỏi.
Khám sức khỏe đi học, đi làm hay cấp đổi GPLX là thủ tục bắt buộc theo quy định nhằm đánh giá người đó có đủ sức khỏe hay không. Việc cấp đổi GPLX để nhằm đánh giá khả năng điều khiển phương tiện của người lái, đảm bảo họ không mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến an toàn giao thông như tim mạch, thần kinh, thị lực, phản xạ chậm… Tuy nhiên, mục tiêu này đôi khi bị xem nhẹ bởi kiểu khám mang tính hình thức.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh lớn của toàn xã hội, thì việc buông lỏng khâu khám sức khỏe cho tài xế - đặc biệt là lái xe ô tô là vấn đề không thể xem nhẹ. Một người có vấn đề về sức khỏe nhưng vẫn được cấp đổi GPLX sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và cộng đồng. Nếu việc kiểm định phương tiện là cần thiết để đảm bảo an toàn kỹ thuật, thì khám sức khỏe cũng cần được coi là “kiểm định con người” - bước lọc đầu tiên để loại trừ các rủi ro tiềm ẩn trên đường.
Do đó, để siết chặt công tác này, trước hết, cơ quan chức năng cần có sự rà soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm. Chỉ những cơ sở có đủ năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất và đảm bảo thực hiện đúng quy trình mới được tiếp tục thực hiện khám.
Về phía các cơ sở khám, đặc biệt là bác sĩ - người được quyền cầm bút ký vào những tờ giấy khám, cần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Một dòng kết luận “bình thường” tưởng như đơn giản, nhưng có thể là sự sống còn của cả một gia đình nếu chẳng may người cầm vô-lăng gặp vấn đề sức khỏe trên đường.
Đừng vì sự dễ dãi, chiều lòng một nhóm khách hàng nào đó để cạnh tranh với cơ sở khác mà vô tình mang đến những ẩn họa khôn lường cho chính người khám và người khác.