Khai trương Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình dành cho phụ nữ bị bạo lực giới

Trung tâm Dịch vụ một cửa nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Hòa Bình và các khu vực lân cận, hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương đã chính thức được khai trương. Đây là trung tâm thứ năm tại Việt Nam, sau bốn cơ sở khác tại nhiều địa phương.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình. (Ảnh: NGÂN ANH)

Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình. (Ảnh: NGÂN ANH)

Ngày 9/1, tại Hòa Bình, Ngôi nhà Ánh Dương, trung tâm thứ năm tại Việt Nam, chính thức được khai trương để cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái những người đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.

Là các trung tâm dịch vụ một cửa, Ngôi nhà Ánh Dương được trang bị để hỗ trợ người khuyết tật và cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mô hình này cung cấp các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi.

Là các trung tâm dịch vụ một cửa, Ngôi nhà Ánh Dương được trang bị để hỗ trợ người khuyết tật và cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mô hình này cung cấp các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi.

Việc khai trương này cũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới. Điều này đã được tái khẳng định thông qua công tác hỗ trợ khai trương thêm một trung tâm Dịch vụ một cửa - Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, Ngôi nhà Ánh Dương đã có những đóng góp quan trọng trong nỗ lực của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ thành lập và vận hành hiệu quả, bền vững Ngôi nhà Ánh Dương.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson bàn giao công tác vận hành Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình cho đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: NGÂN ANH)

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson bàn giao công tác vận hành Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình cho đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: NGÂN ANH)

Như tại các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một vấn đề nan giải tại Hòa Bình. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại địa phương đã phát hiện 26 vụ bạo lực gia đình với 32 nạn nhân, trong đó phụ nữ chiếm hơn 78%. Cùng thời gian trên, công an tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận và giải quyết 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 5 vụ bạo hành trẻ em.

Những con số đáng báo động này cho thấy nhu cầu cấp thiết để xây dựng một trung tâm dành riêng hỗ trợ người bị bạo lực như Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình để giải quyết những thách thức mà phụ nữ và trẻ em đối mặt.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Khánh Lương, nhấn mạnh, việc khai trương cửa Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình là cần thiết vì đưa các dịch vụ tích hợp đến gần hơn với những người bị bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt với người dân khu vực Tây Bắc.

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, ông Matt Jackson, khẳng định, tổ chức này đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và cung cấp hỗ trợ bảo đảm rằng người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm của họ được bảo vệ.

“Các dịch vụ do Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp được thiết kế để đáp ứng nhu cầu riêng của từng người bị bạo lực, thúc đẩy sự tôn trọng và không phân biệt đối xử. Quan trọng hơn, các dịch vụ được cung cấp mà không bị phán xét hay kỳ thị. Ngoài ra, trung tâm sẽ là nơi giáo dục cộng đồng, giúp thay đổi những quan niệm xã hội và thái độ có hại dẫn đến bạo lực. Để bảo đảm tính bền vững và tác động lâu dài của mô hình, UNFPA cam kết cùng Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác nhân rộng mô hình này trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về các dịch vụ lấy người bị bạo lực là trung tâm. Điều này sẽ chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới một cách toàn diện và nhất quán, bảo đảm người bị bạo lực có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, kịp thời, bất kể họ đang ở đâu hay hoàn cảnh của họ như thế nào”, ông Matt Jackson nhấn mạnh,

Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình được thành lập trong khuôn khổ dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Dự án được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại. Mục đích của dự án là tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bao gồm cộng đồng những người dân dễ bị tổn thương có thể có một cuộc sống không bị bạo lực.

Phát biểu tại lễ khai trương, Tham tán Phát triển tại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, bà Naomi Cook khẳng định, Australia rất vinh dự được hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam và UNFPA hỗ trợ người bị bạo lực và các bên có liên quan, những người đã chọn không im lặng trước hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Dự án này sẽ giúp tăng cường các hệ thống ứng phó với bạo lực và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận lâu dài và thiết thực này sẽ tạo ra sự khác biệt tại những nơi cần thiết nhất, giúp phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được khai trương tại Quảng Ninh vào năm 2020. Tiếp đó, các ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời, giúp thay đổi phương thức ứng phó với bạo lực giới tại Việt Nam. Các ngôi nhà Ánh Dương đã cung cấp các dịch vụ tích hợp cho hơn 1.600 người bị bạo lực và tiếp nhận khoảng 26,2 nghìn cuộc gọi qua đường dây nóng của các trung tâm.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-truong-ngoi-nha-anh-duong-tai-hoa-binh-danh-cho-phu-nu-bi-bao-luc-gioi-post855119.html
Zalo