Khai thác tiềm năng du lịch sen Hà Nội

Là một trong những vùng trồng sen nổi tiếng cả nước, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch sen mang thương hiệu riêng.

Trong đó, một số địa phương như quận Tây Hồ với lợi thế nhiều di tích, điểm tham quan hấp dẫn, gần trung tâm... có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách vào mùa sen.

Du khách chụp ảnh với hoa sen tại khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ). Ảnh: TTXVN

Du khách chụp ảnh với hoa sen tại khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ). Ảnh: TTXVN

Tìm ra những lợi thế

Hiện thành phố Hà Nội có 600ha diện tích trồng sen, tập trung ở các quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức, Mê Linh, Thạch Thất... Những đầm sen, ngoài trở thành điểm tham quan, chụp ảnh còn giúp Hà Nội khai thác, phát triển các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, ẩm thực từ sen. Nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tiêu biểu, như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao), trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao, như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nhận định về lợi thế trong việc xây dựng sản phẩm du lịch sen Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, nhiều tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch từ hoa rất hiệu quả, chẳng hạn như thành phố Hải Phòng có Lễ hội Hoa phượng đỏ; tỉnh Hà Giang định vị thương hiệu du lịch từ hoa tam giác mạch và có Lễ hội Hoa tam giác mạch tổ chức định kỳ vào tháng 10 hằng năm; tỉnh Gia Lai có Lễ hội Hoa dã quỳ đặc trưng. Hà Nội có diện tích trồng sen lớn, nhiều sản phẩm OCOP từ sen nên hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm du lịch về sen hiệu quả. Trong đó, một số địa phương có thể trở thành điểm du lịch đặc trưng của Hà Nội, điển hình như quận Tây Hồ.

“Với lợi thế có nhiều đầm sen trồng tập trung ở khu vực hồ Tây, cùng nhiều điểm tham quan, di tích thắng cảnh nổi tiếng có sẵn trên địa bàn, trong đó có các khu, điểm vừa được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố, quận Tây Hồ đủ tiêu chuẩn trở thành điểm du lịch về sen của Hà Nội, tăng sức hút du khách vào mùa hè”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu du lịch

Năm nay, UBND quận Tây Hồ lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, đây là cơ hội để quận khẳng định thương hiệu văn hóa, du lịch trên địa bàn.

Theo UBND quận Tây Hồ, trên địa bàn có hơn 70 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, xung quanh hồ Tây có nhiều di tích nổi tiếng, điển hình như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ. Ngoài ra, ở quanh khu vực hồ Tây đã hình thành những điểm tham quan, trải nghiệm gắn với lợi thế trồng hoa, như: Khu du lịch Nhật Tân, thung lũng hoa hồ Tây nằm ở đường sen hồ Tây, Không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây với nhiều hoạt động du lịch đêm. Trên địa bàn quận đã hình thành các điểm vui chơi, ẩm thực, mua sắm và cơ sở lưu trú 5 sao, như: Công viên nước hồ Tây, Trung tâm thương mại Lotte...

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, quận Tây Hồ có cơ sở hạ tầng cùng quần thể các điểm vui chơi, mua sắm khá thuận lợi cho du khách trải nghiệm. Vì thế, Tây Hồ có thể xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với Lễ hội Sen Hà Nội để tạo thành sản phẩm mang thương hiệu riêng cho mình cũng như thương hiệu du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm du lịch mang đậm tinh hoa sen Hà Nội, quận Tây Hồ cần chú trọng thêm những hoạt động, sản phẩm văn hóa, ẩm thực liên quan đến sen. Chẳng hạn như, hoạt động trải nghiệm, giới thiệu tinh hoa trà ướp sen của Hà Nội tại một số gia đình nghệ nhân; khuyến khích các cơ sở ẩm thực, nhà hàng sáng tạo thêm những món ăn về sen.

Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, để phát triển thương hiệu du lịch gắn với mùa sen, Hà Nội nên duy trì và thực hiện Lễ hội Sen Hà Nội hằng năm; mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn quận Tây Hồ; tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch gắn với sen Hà Nội; liên kết thêm các điểm trồng sen và sản phẩm du lịch về sen tại nhiều địa phương khác.

Theo UBND quận Tây Hồ, vào ngày 13-7 tới, quận sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn với sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành, nhằm tăng cường liên kết điểm đến, tạo thành tour, tuyến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi tham gia Lễ hội Sen Hà Nội. Những điểm khảo sát sẽ là các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng và điểm du lịch mới, như: Di tích lịch sử đền Đồng Cổ (phường Bưởi), chùa Kim Liên (phường Quảng An), đình Nhật Tân và khu du lịch Nhật Tân...

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, những địa điểm này rất thuận lợi cho du khách tham quan khi trải nghiệm Lễ hội Sen Hà Nội. “Chúng tôi kỳ vọng, chuyến khảo sát sẽ giúp các đơn vị lữ hành khai thác thêm những điểm đến cho du khách, nhất là khách quốc tế”, ông Nguyễn Đình Khuyến bày tỏ.

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức từ ngày 12 đến 16-7, tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ). Lễ khai mạc và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ diễn ra từ 20h đến 21h30 tối nay (12-7).

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khai-thac-tiem-nang-du-lich-sen-ha-noi-671822.html
Zalo