Khai thác hiệu quả quỹ đất bãi bồi sông Hồng:Hướng tới không gian xanh, du lịch sinh thái

Hà Nội sở hữu quỹ đất bãi sông rộng lớn, đặc biệt là vùng đất ven sông Hồng trải dài qua nhiều quận, huyện. Đây vốn là nguồn lực quý giá nhưng bị lãng phí nhiều năm do thiếu cơ chế quản lý phù hợp và hành lang pháp lý rõ ràng.

Trong bối cảnh thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, vấn đề đặt ra là không chỉ bảo vệ mà còn cần khai thác hiệu quả "vùng đất vàng" ven sông, đưa nơi này trở thành không gian xanh, nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm... góp phần nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Việc khai thác hợp lý không gian đất bãi sông Hồng giúp phát huy được giá trị tài nguyên đất, hướng đến xây dựng Hà Nội xanh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái

Việc khai thác hợp lý không gian đất bãi sông Hồng giúp phát huy được giá trị tài nguyên đất, hướng đến xây dựng Hà Nội xanh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái

Hiệu quả nhưng chưa bền vững

Thời gian qua, tại các quận như Tây Hồ, Long Biên..., người dân đã chủ động khai thác đất bãi ngoài đê, hình thành các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, như: Bãi đá sông Hồng (phường Nhật Tân, Tây Hồ), vườn hoa tại Phúc Lợi, Thạch Bàn (Long Biên)… trở thành điểm đến hấp dẫn.

Dù hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và cảnh quan đô thị nhưng phần lớn những mô hình này vẫn đang hoạt động tự phát, thiếu cơ sở pháp lý. Nhiều hộ dân không có hợp đồng thuê đất dài hạn, không được công nhận mô hình du lịch chính quy, dẫn đến khó khăn khi muốn đầu tư mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Hưng, nông dân trồng đào ở phường Nhật Tân, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có chính sách rõ ràng để yên tâm đầu tư. Hiện nay, đất được giao nhưng không rõ có được phép dựng nhà tạm, lắp điện hay làm dịch vụ không. Nếu không sớm có cơ chế phù hợp, nguy cơ các mô hình này sẽ bị xử lý là rất cao"...

Huyện Phú Xuyên có khoảng 1.000ha đất bãi sông Hồng, trải từ thị trấn Phú Minh đến các xã Quang Lãng, Hồng Thái, Khai Thái… Sau khi các lò gạch thủ công bị dừng hoạt động, đất bãi được tận dụng nuôi trồng thủy sản, trồng cây ngắn ngày; những năm gần đây, hình thành thêm một số mô hình trồng cây dược liệu, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nhưng còn manh mún, thiếu ổn định...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét: Đất bãi ven sông Hồng trên địa bàn huyện rất giàu tiềm năng, song quy hoạch chưa rõ ràng, chưa có cơ chế đặc thù, thời hạn thuê đất dưới 5 năm không đủ để người dân yên tâm đầu tư, nhất là với cây lâu năm, vì có khi chưa kịp hoàn vốn, đã hết hạn thuê đất. Chưa kể, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, khi gặp thiên tai, thiệt hại rất lớn...

Ngoài ra, vùng đất bãi cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực, nổi cộm là tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải sinh hoạt, lấn chiếm trái phép. Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) là ví dụ điển hình. Chủ tịch UBND xã Liên Hà huyện Đan Phượng Đinh Hữu Thành cho biết, đầu tháng 4-2025, xã phải huy động hơn 20 xe tải, 4 máy xúc/mỗi ngày để xử lý hơn 5.000m³ phế thải đổ trộm ven sông. Dù đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Cùng với Đan Phượng, nhiều địa phương khác cũng đang chịu áp lực do tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải tràn lan, làm biến dạng địa hình, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, đe dọa hệ thống thoát lũ...

Du khách vui chơi, chụp ảnh tại vườn hoa Thạch Cầu (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Du khách vui chơi, chụp ảnh tại vườn hoa Thạch Cầu (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

"Cởi trói" từ hành lang pháp lý

Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong khai thác tiềm năng vùng bãi ven sông, nơi có hàng chục nghìn héc ta đất màu mỡ bị bỏ quên, là do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Đây là vùng đất bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt liên quan đến đê điều, phòng chống lũ nên rơi vào tình trạng “ba không”: Không được xây dựng, không được đầu tư dài hạn, không được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tháo gỡ nút thắt này, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi có đê. Dự thảo được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm...

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích đất bãi từ 300m² trở lên để xây dựng các công trình tạm phục vụ sản xuất như lán trại, nhà sơ chế, nhà bảo quản nông sản, kho vật tư, nhà kính, nhà màng… với điều kiện không lấn vào hành lang thoát lũ, không làm thay đổi địa hình tự nhiên, dễ tháo dỡ và nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều. Đặc biệt, lần đầu tiên, chính sách đề xuất mở rộng mục đích sử dụng đất bãi cho các mô hình kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, phù hợp nhu cầu của người dân...

Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Hà Diệu Thư chia sẻ, địa phương hiện có hơn 100ha đất bãi ven sông. Nếu Nghị quyết được thông qua, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư, biến vùng đất bị bỏ hoang thành khu vực nông nghiệp kết hợp du lịch, tạo việc làm, cải thiện cảnh quan...

Từ góc độ quản lý địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh đề xuất thành phố sớm có cơ chế riêng cho đất bãi ven sông, bao gồm cho thuê đất dài hạn 20-30 năm, gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Ngoài ra, cũng cần giao quyền cho cấp cơ sở trong lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ năng lực để khai thác vùng đất này hiệu quả. Nếu có chính sách phù hợp, vùng đất bãi có thể đem lại giá trị kinh tế từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên, đồng thời trở thành “lá phổi xanh” cho Thủ đô.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vùng đất bãi giữa sông Hồng hoàn toàn có thể quy hoạch thành các công viên nông nghiệp đô thị, tích hợp nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ nhu cầu dã ngoại, giáo dục trải nghiệm, tạo thêm điểm nhấn sinh thái trong lòng thành phố. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, nếu làm tốt, sông Hồng có thể trở thành điểm nhấn đặc sắc trong cấu trúc đô thị Hà Nội. Việc khai thác hợp lý không gian đất bãi còn giúp quản lý hiệu quả khu vực, thúc đẩy giao thông đường thủy...

Có thể thấy, nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ "cởi trói", các vùng bãi sông sẽ phát huy được giá trị tài nguyên đất, hướng đến xây dựng Hà Nội hiện đại, sinh thái, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại:
Xây dựng chính sách quản lý đất bãi để phát triển kinh tế bền vững

Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất bãi ngày càng đa dạng, không chỉ để sản xuất nông nghiệp truyền thống mà còn phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương xây dựng chính sách quản lý đất bãi bảo đảm an toàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững.

Dự thảo Nghị quyết về sử dụng đất bãi sông có đê được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo chuyển đổi quan trọng trong quản lý đất đai vùng bãi. Việc khai thác, sử dụng đất cần gắn liền với bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sở tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, cách thức sử dụng đất bãi hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:
Phát huy hiệu quả đất bãi ven sông gắn với du lịch sinh thái

Đất bãi ven sông Đáy qua địa phận Hoài Đức có diện tích lớn, là tài nguyên quan trọng được huyện định hướng khai thác bền vững, hiệu quả. Sử dụng đất bãi trong sản xuất nông nghiệp truyền thống còn mở ra cơ hội phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức kinh tế sử dụng đất bãi xây dựng mô hình sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa chức năng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ hành lang đê điều, phòng chống lũ lụt và quy hoạch liên quan. Điều này nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, duy trì ổn định hệ sinh thái, giảm rủi ro do thiên tai. Huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Hoài Đức cũng luôn khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái để gia tăng giá trị.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau củ quả sạch Vinh Hà (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Nhung:
Cần chính sách phù hợp để yên tâm đầu tư vào đất bãi

Phát triển nông nghiệp tại vùng đất bãi ven sông không chỉ khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn mở ra cơ hội lớn cho các mô hình sản xuất xanh, sạch gắn với du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất tại các hợp tác xã gặp không ít rào cản, đặc biệt là quyền sử dụng đất và chính sách hỗ trợ đầu tư. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái chỉ thực sự phát triển nếu người sản xuất có niềm tin vào tính ổn định và khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Hợp tác xã mong muốn thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất đất bãi, như đường nội đồng, điện sản xuất, trạm sơ chế tập trung... để giảm chi phí, nâng cao giá trị nông sản, mở ra cơ hội tiêu thụ ổn định hơn. Chúng tôi tin rằng, nếu những bất cập này sớm được tháo gỡ, đất bãi ven sông sẽ không chỉ là vùng sản xuất đơn thuần mà trở thành những vành đai nông nghiệp xanh, hiện đại, hiệu quả, đóng góp tích cực vào kinh tế nông thôn...

Sơn Tùng ghi

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khai-thac-hieu-qua-quy-dat-bai-boi-song-hong-huong-toi-khong-gian-xanh-du-lich-sinh-thai-702626.html
Zalo