Khai thác giá trị di sản, nâng tầm du lịch văn hóa sinh thái Hương Sơn
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, danh tiếng quê hương càng lan tỏa, qua đó mang hình ảnh và con người Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.
Lan tỏa giá trị nhân văn của Đại danh y Lê Hữu Trác
Đầu tháng 11/2023, Hội đồng UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cuối tháng 11/2024, Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được xếp hạng khu di tích quốc gia đặc biệt. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh nói chung, người dân Hương Sơn nói riêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc quảng bá hình ảnh vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu trầm tích văn hóa đến gần hơn với người dân trong nước và trên thế giới.
Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Hải Thượng Lãn Ông, nằm trong quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được công nhận di tích quốc gia đặc biệt trong dịp lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y gắn với chuỗi hoạt động vinh danh, tri ân, lễ hội đặc sắc tạo thêm những lợi thế để Hà Tĩnh đầu tư phát triển quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lên tầm vóc mới, trở thành một địa chỉ du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách viếng thăm, chiêm ngưỡng.
Những năm qua, huyện Hương Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa nhằm lan tỏa những giá trị di sản mà Đại danh y Lê Hữu Trác để lại cho hậu thế cũng như giới thiệu, quảng bá văn hóa, truyền thống yêu nước, yêu quê hương của người dân trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Hương Sơn hiện nay, được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày rằm tháng Giêng hằng năm. Nhiều sự kiện lớn được tổ chức quy mô với các nội dung chính như: lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Ngàn Phố, giải việt dã leo núi Minh Tự, hội thi sáo diều, lễ dâng hương tại khu mộ, lễ rước từ khu mộ về nhà thờ và dâng hương, lễ tế Đại danh y Lê Hữu Trác tại nhà thờ và lễ cầu an sức khỏe tại chùa Tượng Sơn.
Khai thác các giá trị di sản của Đại danh y Lê Hữu Trác tại Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng, huyện Hương Sơn đang triển khai xây dựng mô hình “Làng Hải Thượng xưa”. Mô hình nhằm mô phỏng, tái hiện không gian sinh sống của Đại danh y tại thôn Bảo Thượng (xã Quang Diệm), kết hợp với Nhà thờ và Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông được kỳ vọng sẽ thành điểm đến của du lịch văn hóa, lịch sử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh đông y, vật lý trị liệu, tắm thuốc… độc đáo, hấp dẫn.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành cùng với nguồn lực xã hội hóa, hàng loạt công trình, dự án với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư để nâng cấp khu di tích xứng tầm như: cải tạo, trùng tu khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung; trồng mới hàng trăm loại cây dược liệu, các loại hoa, cây cảnh; chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan, bố trí nội thất, hiện vật trưng bày đồ thờ tự tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm…
Ông Nguyễn Tiến Thích - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thiêng, có công trình mộ và tượng đài Đại danh y Lê Hữu Trác, chúng tôi luôn thấy tự hào, đồng thời ý thức phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị của di tích. Cùng với công tác bảo tồn, bảo vệ di tích, xã thường xuyên triển khai các hoạt động ý nghĩa như: phối hợp với các trường học tổ chức các buổi tham quan, ngoại khóa, tiết học giáo dục địa phương để học sinh trên địa bàn có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Lê Hữu Trác, lịch sử của di tích. Qua đó, giáo dục, hun đúc thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho hậu thế. Cùng đó, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, cảnh quan khu di tích sạch, đẹp; phối hợp với ngành chuyên môn của huyện tổ chức các tour tuyến về dâng hương, tham quan, coi đây là động lực quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển KT-XH của địa phương”.
“Đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái
Ông Trần Anh Nam - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hương Sơn phấn khởi: “Không chỉ là niềm tự hào, sự kiện kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông mở ra cho huyện Hương Sơn cơ hội để quảng bá hình ảnh, văn hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tháng 10/2023, Hải Thượng Resort được Diễn đàn Kinh tế quốc tế ASIA lần thứ 6 diễn ra tại Singapore vinh danh là “Điểm đến du lịch văn hóa sinh thái hàng đầu châu Á 2023” đã thu hút sự quan tâm, mến mộ của rất nhiều quan khách, du khách trên mọi miền Tổ quốc, tạo “đường băng” cho du lịch địa phương phát triển”.
Lấy quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác làm trung tâm, Hương Sơn cũng tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo (văn hóa, nông nghiệp - nông thôn, sinh thái), xây dựng tuyến du lịch chuyên đề “Hương Sơn - mảnh đất hiếu học, quê hương của những nhân sỹ, trí thức”. Theo đó, địa phương tập trung khai thác tiềm năng các điểm du lịch khác như nhà thờ các danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện, Cao Thắng… Ưu tiên nguồn lực xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Sơn Kim 1; dự án đầu tư phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối với tham quan khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu nguồn sông Ngàn Phố; tắm suối Khe Sinh, thác Xai Phố (Sơn Lĩnh)…
Giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông cũng mở ra những tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch khác như: du lịch tâm linh, tín ngưỡng, hành hương lễ chùa gắn với hệ thống chùa, đình, đền gồm 53 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng (11 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh); phát triển dịch vụ ăn uống, nhà hàng mang phong cách Hải Thượng, gồm các món ăn cổ truyền, chế biến một số thảo dược, dược liệu; phát triển mô hình du lịch nhà vườn gắn với các vườn cây ăn trái đặc trưng, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng homestay gắn với trải nghiệm văn hóa, cảnh quan nông thôn, sản xuất nông nghiệp; nghỉ dưỡng núi rừng…
Với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của huyện miền núi Hương Sơn đang được đánh thức. Theo khảo sát của huyện, trong năm 2024, Hương Sơn đón trên 100 nghìn lượt khách ghé thăm, cao hơn nhiều so với mục tiêu thu hút khách du lịch đặt ra trong năm 2025 (60 nghìn lượt người), gấp 5 lần so với lượng khách đến vào năm 2022. Năm 2025, huyện phấn đấu có từ 10-15% lượng khách lưu trú, đạt doanh thu hơn 42 tỷ đồng; năm 2030 thu hút từ 150-170 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 40-50% lượng khách lưu trú, doanh thu ước đạt khoảng 175 tỷ đồng.
Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, Hương Sơn tiếp tục rà soát lại các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về chính sách, cơ chế, từ đó, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, phát triển du lịch, nhất là khai thác phát triển mô hình homestay, farmstay; tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh các dịch vụ du lịch. Đặc biệt, bên cạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, huyện có cơ chế hỗ trợ thích hợp, đặc biệt là hỗ trợ về thuế doanh nghiệp, thuế đất, giá cho thuê môi trường rừng, GPMB … cho các dự án phát triển du lịch nói chung”.