Khai thác du lịch cộng đồng tại rừng trang cổ thụ suối Tà Má
Rừng trang cổ thụ bên suối Tà Má, thôn Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) là một cảnh quan kỳ thú; đồng thời là biểu tượng gắn kết giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na.

Du khách tạo dáng cùng hoa trang.
RỪNG trang cổ thụ ven suối Tà Má được ví như một tuyệt tác nghệ thuật của tạo hóa với hàng trăm gốc trang rừng cổ thụ rắn chắc, đứng sừng sững hai bên dòng suối róc rách, đến mùa hoa lại như khoác lên mình tấm áo rực rỡ đầy sắc mầu. Sắc vàng tươi như ánh nắng hòa quyện cùng sắc đỏ thắm tạo nên một khung cảnh hoang sơ và thơ mộng. Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ thành phố Quy Nhơn bày tỏ niềm thích thú khi tận hưởng trải nghiệm tuyệt vời tại nơi đây: “Lần thứ hai quay lại suối Tà Má, tôi vẫn cảm thấy phấn chấn như lần đầu. Cảm giác đứng dưới tán cây trang, chạm tay vào những đóa hoa rủ xuống, hít thở hương thơm thoang thoảng trong không khí khiến tinh thần trở nên thư giãn hơn bao giờ hết”.
Hiện nay, việc di chuyển tới rừng trang suối Tà Má khá thuận lợi. Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, du khách chỉ cần mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, đi khoảng 80 km qua những con đường bằng phẳng. Tất nhiên, sức hút của rừng trang không chỉ nằm ở vẻ đẹp thiên nhiên mà còn từ cách người dân địa phương góp phần tạo nên một điểm đến cộng đồng mang tính bền vững. Đồng bào Ba Na tại đây, với sự hiếu khách và thân thiện đã đem đến nét độc đáo riêng cho trải nghiệm của khách tham quan. Từ năm 2021, khi lượng du khách tăng, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh đã nắm bắt cơ hội, tổ chức các hoạt động hướng dẫn người dân làm du lịch. Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, người dân dần quen với việc cung cấp các dịch vụ du lịch bài bản, nhanh chóng biến nơi đây thành điểm đến được săn đón của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách tăng đột biến cũng đi kèm với nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hiệp Nguyễn Văn Tư cho biết, xã đã triển khai ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm sạch và ổn định cảnh quan suối Tà Má. Bên cạnh đó, lập kế hoạch trưng bày và quảng bá các sản phẩm địa phương như lúa rẫy, ngô, sắn, thổ cẩm thủ công. Đây không chỉ là cơ hội để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần thu hút sự quan tâm của khách du lịch, mở ra tiềm năng kinh tế mới. Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Các hoạt động này được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng và trong trường học, nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến mọi lứa tuổi.
Với mong muốn khai thác tối đa tiềm năng của rừng trang cổ thụ suối Tà Má, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã quyết định tổ chức Ngày hội thưởng ngoạn hoa trang suối Tà Má vào tháng 3. Đây là năm đầu tiên sự kiện này được triển khai với hàng loạt hoạt động đặc sắc nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh của vùng đất Vĩnh Thạnh. Du khách tham dự không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng trang mà còn tham gia vào nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị như tái hiện lễ hội cốm lúa mới, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang - nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Ba Na. Ngoài ra, khách có thể tham gia đan lát, dệt thổ cẩm, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như cá suối nướng, rượu cần…
Chính quyền huyện cũng đề ra kế hoạch kết nối rừng trang với các địa danh nổi tiếng lân cận như thác Hang Dơi, thành Tà Kơn và thác Sơn Lang; giúp mở rộng không gian du lịch và tạo cơ hội quảng bá văn hóa, cảnh sắc đa dạng của vùng đất Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, huyện chú trọng kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp uy tín để bảo đảm nguồn lực phát triển và mang đến các dịch vụ hiện đại, nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh Huỳnh Đức Bảo chia sẻ, thời gian đầu, người dân làm du lịch chủ yếu dựa trên kinh nghiệm tự phát. Chính quyền địa phương phải cử cán bộ xuống tận nơi để hướng dẫn, hỗ trợ dân từng bước làm quen với kinh doanh dịch vụ du lịch. Hiện nay, người dân đã dần chủ động hơn và có ý thức gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Một trong những điểm nhấn quan trọng là các hộ dân đã dựng chòi nghỉ dưỡng bằng tre, nứa, gỗ - những vật liệu thân thiện với thiên nhiên. Đồng thời, các hộ kinh doanh đã thống nhất trích một phần doanh thu để thành lập tổ thu gom rác thải, giúp duy trì sự ổn định và bền vững về lâu dài. Quan trọng hơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh còn đặt ra quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ rừng trang, ngăn chặn tình trạng du khách chặt bẻ cành hoặc nhổ cây con. Mỗi mùa hoa kéo dài khoảng 1 tháng, lượng du khách đổ về lớn đến mức doanh thu từ dịch vụ du lịch lên đến hàng tỷ đồng, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho các hộ gia đình.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư vào hệ thống đường giao thông, khu vực bãi đậu xe và các dịch vụ tiện ích hỗ trợ khách du lịch; liên kết rừng trang với các địa điểm nổi tiếng lân cận để tạo thành chuỗi du lịch. Đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp du lịch lớn tham gia xây dựng các dịch vụ chất lượng cao để đưa Vĩnh Thạnh trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước”, đồng chí Huỳnh Đức Bảo cho biết.
Không chỉ tập trung khai thác lợi nhuận, mô hình du lịch tại đây được định hướng phát triển bền vững để bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của khu rừng; qua đó gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người Ba Na và tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý du lịch.