Khai thác chất liệu dân gian: Cơ hội và thách thức với giới trẻ

Trong những năm gần đây, từ thời trang, âm nhạc, thiết kế đồ họa, cho đến nghệ thuật, văn hóa dân gian không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là cách để thế hệ trẻ khẳng định bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc đưa văn hóa dân gian vào các sản phẩm sáng tạo không phải là một hành trình dễ dàng.

Tìm về nguồn cội để khẳng định bản sắc

Với sự mở cửa và hội nhập mạnh mẽ trong những năm qua, giới trẻ Việt Nam không chỉ tiếp thu ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài mà còn tìm cách làm mới những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người sáng lập Thủy Trung Nguyệt (thương hiệu chuyên về trang phục Việt cổ), chia sẻ, sau khi tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản qua các bộ truyện tranh, chị nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng, nhận diện văn hóa qua trang phục truyền thống như kimono, hay những hình ảnh biểu tượng như núi Phú Sĩ... Được truyền cảm hứng từ đó, chị đã bắt tay vào nghiên cứu cổ phục Việt, nhằm tìm lại và đưa các giá trị truyền thống vào đời sống đương đại.

 Thị Mầu xuyên không, show trình diễn nghệ thuật dân gian, trải nghiệm về nghệ thuật chèo

Thị Mầu xuyên không, show trình diễn nghệ thuật dân gian, trải nghiệm về nghệ thuật chèo

Tương tự, anh Trần Đức Minh, nhà sáng lập Công ty thiết kế Direction, cho biết: “Chúng tôi học thiết kế đồ họa và chỉ được tiếp cận kiến thức phương Tây, nhưng tôi nhận ra rằng, để khẳng định tiếng nói của mình, tôi phải quay lại với văn hóa dân tộc”. Từ nhận thức này, anh và nhóm của mình đã sáng tạo những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt. Cũng như anh Đức, chị Nga, nhiều sản phẩm Made in Vietnam chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, đặc biệt là khi các doanh nghiệp chú trọng thể hiện tinh thần sản phẩm qua hình ảnh gắn liền với văn hóa Việt.

Ngoài các biểu tượng như mái đình, hoa sen, nón lá, các nhà thiết kế trẻ cũng sáng tạo từ những câu chuyện mới về văn hóa Việt, như hình ảnh phụ nữ Việt, phố cổ Hà Nội, tranh dân gian… Việc sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo của giới trẻ không chỉ là một xu hướng mà còn là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại, là cơ hội để khẳng định bản sắc dân tộc.

Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai là một ví dụ, với nhiều tiết mục âm nhạc và trang phục dân tộc thu hút sự chú ý, trở thành đề tài thảo luận sôi nổi. Nhiều nghệ sĩ như Lê Minh Sơn, Ngọc Khuê, Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi… cũng đã thành công với các ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại, góp phần đưa văn hóa dân tộc vào đời sống hiện đại.

Tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại

Tuy nhiên, việc đưa văn hóa dân gian vào sáng tạo đương đại không phải là một con đường dễ dàng. Các nhà sáng tạo trẻ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc duy trì tính nguyên bản của văn hóa dân gian mà không làm nó trở nên sai lệch hay cứng nhắc.

Ngoài ra, việc áp dụng các giá trị thẩm mỹ truyền thống vào sáng tạo hiện đại cũng đòi hỏi sự tinh tế sâu sắc. Kiến trúc sư Lại Thành Tín, người có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực khai thác văn hóa dân gian, nhận định: “Chúng ta không nên “đóng khung” với những hình thức thẩm mỹ quá cứng nhắc từ quá khứ, mà phải biết cách sáng tạo, kết hợp các yếu tố truyền thống với nhu cầu thẩm mỹ đương đại. Nếu không, các sản phẩm sẽ trở nên lỗi thời và không thể thu hút được công chúng”.

Theo nhiều chuyên gia, trên hành trình đưa văn hóa dân gian vào sáng tạo, các nhà thiết kế trẻ cũng cần phải lưu ý đến tính bền vững của các sản phẩm. Các nhà sáng tạo không nên tham lam đưa quá nhiều yếu tố văn hóa vào một sản phẩm, mà cần chọn lọc để làm nổi bật ý tưởng cá nhân nhưng vẫn giữ được sự thống nhất và tính thẩm mỹ cao. “Chúng ta cần đơn giản hóa chi tiết để sản phẩm dễ dàng tiếp cận công chúng, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa cốt lõi”, kiến trúc sư Lại Thành Tín nhấn mạnh.

Để đảm bảo tính bền vững trong sáng tạo, các nhà thiết kế trẻ phải có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân gian. Việc không hiểu rõ về những yếu tố văn hóa có thể dẫn đến việc áp dụng sai, tạo ra những sản phẩm thiếu chính xác về mặt “phông văn hóa”. Điều này không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm mà còn có thể làm mất đi thông điệp mà các nhà sáng tạo muốn truyền tải.

Giới trẻ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để khẳng định bản sắc, nhưng muốn thành công không chỉ đơn giản là “hồi sinh” các giá trị quá khứ mà phải biết cách làm mới chúng, đưa chúng vào những không gian và hình thức phù hợp với nhu cầu hiện đại. Chỉ khi đó, văn hóa dân gian mới có thể sống mãi trong lòng công chúng và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sáng tạo sau này.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-thac-chat-lieu-dan-gian-co-hoi-va-thach-thuc-voi-gioi-tre-post768998.html
Zalo